Trong cuộc sống gia đình, người thắng là kẻ thua
1. Vừa mới xuống Hải Phòng, sếp đột ngột gọi trở về ngay tòa soạn. Tôi biết tính khí thất thường của sếp nên chẳng hỏi vì sao mà lụi cụi thu xếp đồ đạc, trả phòng khách sạn, vội vã bắt xe về Hà Nội. Tưởng có chuyện gì, hóa ra sếp bắt đi viết về một công ty vệ sĩ. Sếp bảo cứ đến đó đi, sẽ có nhiều chuyện hay lắm. Ngay lúc ấy, tôi chắc đây chỉ là một bài quảng cáo trá hình mà sếp đã trót cầm phong bì của cái công ty chết tiệt ấy. Mãi sau tôi mới biết, hóa ra không phải. Sếp là khách hàng ruột của công ty này. Cuộc đời vẫn có những chuyện bất ngờ như thế. Sếp tôi quyền cao chức trọng, con nhà gia thế, mặt mũi sáng láng, đi xe hơi đắt tiền thế mà lại bị vợ cắm sừng.
Giám đốc công ty vệ sĩ là một chàng trai trẻ tên Gia, đầu húi cua trọc lốc, cao to lực lưỡng, đi con Piagio cổ màu trắng sữa. Gia vốn là một võ sĩ đẳng cấp bây giờ giải nghệ chuyển sang kinh doanh trong lĩnh vực này. Gia tiếp tôi tại tầng hai của một ngôi biệt thự, xanh mướt mát. Bên phải, bên trái, đằng trước, đằng sau chỗ nào cũng thấy lá và hoa. Gia bảo, bọn em phải thuê người design lại căn phòng này sao cho thật bình yên và thơ mộng vì tất cả những người đã đặt chân đến đây đều ở trong tình trạng bức xúc cả. Tôi cười: "Tất nhiên là trừ tôi chứ!". Gia bảo: "Kể cả sếp chị, bình thường trông nho nhã thế mà lúc đến đây cũng đỏ mặt tía tai. Máu dồn lên huyết quản lắp bắp mãi chả nói được lên lời". "Thì đi mua cay đắng mà! Có đến Thánh cũng chả bình tĩnh được!" - Gia quèo thêm, tỏ vẻ cảm thông.
Thâm nhập vào thế giới của Gia, tôi mới ngộ ra nhiều điều mà trước nay, một người đàn bà luôn giả vờ câm, mù, điếc trước những cuộc trăng hoa của chồng như tôi không hề ngờ tới.
Chỉ với những chiếc camera chuyên dụng nhỏ xíu gắn ở đằng trước ngực với một đội ngũ những thám tử tư thiện nghệ, Gia và các đồng sự của anh ta đã làm đổi thay thế giới. Không phải là cái thế giới rộng lớn như người ta vẫn nói trong sách vở mà là thế giới bé nhỏ của mỗi gia đình. Thế giới ấy bé nhỏ nhưng ở đó cũng có khủng bố, chiến tranh, hòa bình và nhượng bộ. Gia bảo, những người làm nghề như Gia đã làm sản sinh ra một thứ công nghệ mới có tên gọi là 'công nghệ Hoạn Thư". Trong thời đại của công nghệ như bây giờ, nếu trong tay sẵn có đồng tiền, các Hoạn Thư sẽ vĩnh viễn không bao giờ phải lâm vào cảnh xe đạp lóc cóc với tốc độ rùa bò để đuổi theo... xe máy hay ngồi sau xe ôm để đuổi theo... taxi trong cuộc hành trình bảo vệ hạnh phúc gia đình mệt mỏi và đầy bất trắc.
Các Hoạn Thư thời công nghệ có thể ngồi nhà mà vẫn biết các quí ông đi đâu, làm gì, với ai bằng những đoạn băng video được quay bởi những chiếc camera nhỏ xíu dưới bàn tay điêu luyện của các thám tử. Gia nhất mực: "Công nghệ đã làm thay đổi cuộc sống, ít nhất là của các Hoạn Thư". Và kể, có chị nhờ những cuốn băng video ấy mà chồng về nhà phải quặp chân y như con gà cúng trước mặt vợ, chỉ thiếu mỗi nước miệng không ngậm bông hoa hồng thôi.
Theo chỉ đạo của sếp, tôi đã viết một bài cực kỳ mùi mẫn quảng cáo cho cái gọi là công nghệ Hoạn Thư. Sau bài viết về công ty của Gia, tôi bỗng trở nên nổi tiếng. Rất nhiều bạn đọc ở khắp nơi gọi điện thoại về cho tôi, chỉ với một mục đích, xin địa chỉ trụ sở của Công ty Gia. Gia nhờ đó cũng kiếm được nhiều mỗi làm ăn hơn. Vì thế, Gia yêu quí tôi hơn. Gia cứ bảo: "Nếu anh ấy nhà chị mà léng phéng, chị chỉ cần bảo thằng em một câu thôi, em sẽ làm miễn phí cho chị!". Tôi cảm ơn Gia vì tấm thịnh tình ấy nhưng tôi biết, người đàn bà đã vờ câm điếc mù cả chục năm nay như tôi chắc sẽ chả bao giờ cần nhờ đến cái công nghệ Hoạn Thư đó của Gia cả.
2. Nhưng hôm nay thì tôi phải nhờ đến Gia thật. Không phải cho tôi mà cho một đứa bạn cùng phòng. Con bé mới lấy chồng được 3 năm, đứa con trai đầu lòng còn chưa biết nói. Từ ngày chơi với nó, hôm nay lần đầu tiên tôi nhìn thấy nó trong bộ dạng thê thảm như thế này. Hàng ngày, nó líu lo như con chèo bẻo, gặp ai từ xa đã cười tít mắt. Lúc nào cũng ăn diện váy ngắn kẻ sọc, áo sơ mi, phấn son rộn ràng. Ngoài ba mươi tuổi, giữ được vóc dáng gọn gàng và vẻ hồn nhiên như nó cũng là hiếm thấy.
Tuy là phóng viên nhưng nó chỉ chuyên đưa tin hội nghị, chả bao giờ phải mệt mỏi vì săn đuổi, đón lõng ai để phỏng vấn hoặc xin tư liệu viết bài. Hội nghị nào trịnh trọng nhớ đến nó mời thì nó tới, vỗ tay, nhận tài liệu, lĩnh phong bì rồi về tòa soạn, nếu rảnh rỗi thì đưa tin vài dòng, nếu bận đi đâu đó hoặc con ốm thì thôi. Tự nó gọi nó là phóng viên "sa-lông - pas".
Sếp đôi khi khó chịu về cách làm việc của nó, cũng mắng mỏ rồi trừ lương nhưng nó không cãi lại cũng không sửa chữa mà chỉ toét miệng cười. Nó lúc nào cũng bảo sếp ghét em nhưng bù lại chồng em yêu em lắm. Em đi làm cơ quan cho vui thôi chứ làm việc nhà là chủ yếu để chồng rảnh rang đi kiếm tiền. Chứ cứ xông xáo làm việc hùng hục như chị, chỉ tổ chồng nó bỏ. Tôi nghe những chuyện nó nói, thảng hoặc cũng có chút buồn, tự ái nhưng tôi biết tính nó hồn nhiên thế nên chả chấp làm gì. Còn hôm nay thì nó khóc, nức nở y như một đứa trẻ. Bộ mặt không phấn son, nhợt nhạt như một người vừa qua cơn bạo bệnh. Nó thở dốc, vừa kể chuyện với tôi vừa nôn ồng ộc. Thì ra, Thắng - chồng nó - có bồ.
Đêm qua nó đã bồng con, thuê taxi tới nhà chồng mách tội nhưng cha chồng nó không những không bênh mà còn trút hết mọi tội lỗi lên đầu, mắng nó thậm tệ. Chồng nó cũng chối bai bải và đã giáng cho nó một trận đòn chí mạng vì đã dám vác điện thoại ra gọi cho con kia. Hai vợ chồng từng yêu nhau ròng rã 7 năm, suốt từ năm thứ nhất đại học. Có lần nghỉ Tết, anh chàng nấn ná mãi tới sáng 30 mới chia tay được với người yêu để về quê ăn Tết cùng cha mẹ. Thế mà đến sáng mồng Một, con bé vừa mới mở cửa đã la thất thanh khi thấy một người ngồi thu lu tít trên ngọn cây ổi trong vườn nhà. Tưởng ma quỉ hiện hình, cả nhà tá hỏa ra xem. Hóa ra anh chàng về quê nhưng nhớ người yêu quá nên lại quay tàu trở ra Hà Nội. Tàu đến ga lúc tờ mờ sáng, nhà người yêu vẫn còn chưa ai dậy nên anh chàng đành phải trèo tường vào trong vườn ngồi trú ngụ trên ngọn ổi.
Sau đận ấy, bố mẹ con bé tỏ ý ngại ngần không muốn cho con mình tiếp tục quan hệ với cái thằng khùng khùng điên điên ấy. Nhưng hai đứa quá yêu nhau nên rồi cuối cùng mọi sự ngăn cản đều trở nên vô nghĩa. Bạn bè cùng lứa ai cũng bảo Thắng lấy vợ là chuột sa chĩnh gạo. Thắng được cha vợ xin cho vào làm ở một tờ báo lớn ngay sau khi ra trường, ngoài ra còn cho thêm hai vợ chồng một căn hộ tập thể ở ngay giữa trung tâm thành phố. Thắng đi làm một thời gian, sau khi nhập được hộ khẩu Hà Nội cùng cha mẹ vợ, liền bỏ việc cơ quan ra mở công ty truyền thông riêng. Nhờ hơi chức quyền của cha vợ, công việc làm ăn của Thắng thuận lợi, Thắng phất lên như diều gặp gió. Mới có mấy năm mà Thắng đã đi xe hơi và chuẩn bị xây biệt thự.
3. Khi tôi và con bé đến gặp Gia. Cứ tưởng Gia sẽ mừng vì tôi đã đưa đến cho cậu ta thêm một hợp đồng dịch vụ béo bở. Nhưng không, Gia khuyên con bé không nên ký hợp đồng thuê công ty của Gia để tìm đến cái tổ con chuồn chuồn của đôi gian phu dâm phụ ấy. Gia bảo: "Chị có dám bỏ chồng không?". Con bé quả quyết: "Không!". Thế chị đi tìm bằng chứng ngoại tình của chồng để làm gì? Con bé khóc, im lặng. Còn tôi, dường như không chịu được thái độ của Gia, tôi sẵng giọng: "Để thay đổi cuộc sống, để cho chồng nó phải trở về nhà sợ hãi trong tư thế của con gà cúng như em đã quảng cáo với chị còn gì!". Gia cười: "Rồi sau đó thì sao nữa?". Tôi kéo tay con bé đứng lên: "Thôi, đi về, thì ra đây chỉ rặt một lũ lừa đảo. Quảng cáo hay thế nhưng lúc vào việc thật thì cóng không dám làm". Hai chị em phăm phăm quay ngoắt ra cửa. Nhưng nhanh chân hơn, Gia bước vượt lên, chặn lại: "Chị đã nói thế thì em sẽ làm nhưng em xin nhắc lại hai chị đang bỏ tiền ra để mua cay đắng đấy!".
Hợp đồng đôi bên ký kết có thời hạn 10 ngày giá dịch vụ 3 ngày đầu là 1,4 triệu mỗi ngày, 7 ngày sau rút xuống còn một triệu đồng một ngày. Con bé ký hợp đồng xong hớn hở ra mặt. Nó bảo hơn một chục triệu để tìm ra bằng chứng vẫn là quá rẻ, phải không chị. Nhưng chả cần đến 10 ngày, chỉ sau ngày thứ tư là mọi việc ổn thỏa. Một cuốn băng video dài một tiếng rưỡi đã ghi lại toàn bộ và tường tận những gì mà con bé muốn biết. Gia đưa cho tôi và nhờ tôi giao lại tất cả cho con bé cùng với lời dặn: "Chị phải có cách nào đó đừng để cho cô ấy tự tử".
Nhưng mọi nỗi lo của cả tôi và Gia đều thừa. Sau hai ngày nghỉ, con bé đi làm trở lại trong một trạng thái vui bất tận. Nó hớn hở kể nhờ có cái cuốn băng ấy mà mọi chuyện đã thay đổi. Cha mẹ chồng nó phải đến xin lỗi con dâu vì những lời mắng nhiếc hàm hồ hôm trước. Chồng nó cũng hết đường chối cãi, phải lạy van vợ như tế sao. Nó đã bắt Thắng đổi ô tô, thay số điện thoại thậm chí vứt bỏ tất cả những bộ quần áo cũ vì sợ hơi hướm của cái con dâm phụ ấy đã nhuốm vào đó. Tóm lại, trong chuyện này, nó đã là người chiến thắng tuyệt đối.
Nhưng rồi, tròn một năm sau, nó mắc một trận ốm nặng. Không hiểu bị căn bệnh gì mà da dẻ nó đột ngột sạm đi, tóc nó rụng hết cả và gầy gò đến rúm ró một cách thảm hại. Cha mẹ nó thương con đưa con vào tận bệnh viện quốc tế để nhờ bác sỹ tây chữa chạy mất cả vài chục nghìn đô nhưng vẫn không tìm thấy bệnh.
Ông bác sỹ tây sau một thời gian dài thăm khám chỉ phát hiện ra một chứng bệnh duy nhất đó là nó đã bị trầm cảm và kết luận bệnh này không chữa bằng thuốc được. Con chim chèo bẻo của tòa soạn ngày xưa xinh tươi là thế bây giờ nhìn nó nằm ốm xo, lọt thỏm trong cái giường bệnh lạnh lẽo một màu trắng toát khiến tất cả bạn bè đồng nghiệp đều không cầm được nước mắt. Tất cả đều xót xa nhưng ngoài tôi, không ai biết được rằng, mọi nguyên do đều bắt đầu từ cái cuốn băng chết tiệt ấy. Thế mới biết, hóa ra cứ vờ điếc, vờ câm vờ mù như tôi lại sướng...