Hơn 1h sáng, trời Sài Gòn đổ mưa lất phất, lạnh căm căm. Ở ngã tư Lý Chính Thắng - Trương Định quận 3, có một trong chuỗi bốn cửa hàng tiện lợi ngày và đêm. Nằm sát cây xăng, cửa hàng lúc này có hai người khách đến mua kem đánh răng và nước uống. Nhân viên trực tên Phương lúc này vẫn tươi tỉnh trò chuyện với khách.
Hơn một năm làm ca đêm, cô đã quen với việc thức suốt canh thâu từ ngày này sang ngày khác. Dù đôi mắt vẫn hằn lên những quầng thâm do thường xuyên mất ngủ nhưng với Phương, đây là công việc cô yêu thích. “Mỗi đêm, đông khách nhất là khoảng từ sau 9-10 giờ trở đi người ta mua chủ yếu là thức uống và bánh kẹo. Những người mua hàng sau 0h cũng có nhiều nét riêng ngộ lắm: có anh kia hầu như đêm nào cũng đến, mà lần nào cũng mua đúng ba lon nước ngọt có đá”, Phương kể.
Tốt nghiệp ngành marketing sau bốn năm dùi mài kinh sử, Phương đi làm ở hai nơi, buổi tối cô phụ trách ca đêm tại cửa hàng, thu nhập dành để vừa nuôi đứa em trai đang học năm thứ nhất đại học vừa đóng phí để học tiếp ngành du lịch. “Được làm trong ngành du lịch là ước mơ của tôi từ nhỏ, thế nên tôi sẽ cố gắng theo hết khóa học này”, Phương cho biết.
Trong ánh đèn đêm vàng vọt, gương mặt cô sáng bừng lên niềm hy vọng. Chuỗi cửa hàng tiện lợi ngày và đêm phục vụ 24/24 tại TP HCM có bốn địa chỉ. Ở đây có hầu hết các mặt hàng thiết yếu, cần gấp về đêm. Chụp xong vài tấm ảnh, chúng tôi chào Phương để đi tiếp, cô gái cười thật tươi dù kim đồng hồ khi ấy đã chỉ gần 2h sáng.
Không chỉ có cửa hàng bán đồ ăn thức uống, Sài Gòn còn những tiệm thuốc Tây phục vụ 24/24 đã nhiều năm nay. Từ đường Đinh Tiên Hoàng, qua cầu Bông sang quận Bình Thạnh, ở đây có cửa hàng thuốc Tây phục vụ suốt đêm. Ngồi sau quầy, ông dược sĩ bận rộn bán thuốc cho một phụ nữ. Hỏi thăm, ông bảo cửa hàng này bán suốt đêm đã lâu lắm rồi, từ khi mở cửa đến giờ, người dân xung quanh hầu như ai cũng biết.
Quả thực người bệnh có những lúc hết thuốc hoặc bị đau bất tử vào ban đêm mà có những nhà thuốc thế này thì đúng là quý như vàng. Thế nên khi đã gần sáng mà vẫn có người ghé lại, khi mua chai dầu gió, lúc mua vỉ thuốc nhức đầu, đau bụng.
Một trong số lực lượng lao động thường xuyên có mặt trên đường phố Sài Gòn lúc đêm khuya chính là các tài xế taxi. Trên mọi nẻo đường, nhiều chiếc taxi chạy lòng vòng đón khách theo hướng dẫn của tổng đài. Ngoắc một chiếc rồi chui tọt vào trong, chúng tôi đi vòng quanh các trục đường chính của thành phố.
Lúc này đã hơn 3 giờ sáng thế nhưng anh tài xế vẫn tỉnh như sáo. Mở một bản nhạc êm ái, anh trò chuyện trong tâm trạng thú vị: “Hai cô đi đâu mà giờ này còn ở ngoài đường, muốn ngắm thành phố về đêm sao?”. “Vâng. Anh làm ca đêm thường xuyên hay chỉ hôm nay thôi?”. “Thường xuyên chứ. Mới đầu cũng buồn ngủ lắm, nhưng riết rồi quen. Khách đi taxi đêm có hôm nhiều hôm ít, nhưng cứ làm đủ ca là kiếm tiền độ nhật được rồi”. Sài Gòn lúc này như nàng công chúa đang say ngủ, trên đường phố vẫn có người qua lại nhưng âm thanh, tiếng ồn và khói bụi dường đã lắng xuống, nhường chỗ cho không khí mát mẻ len vào từng ngóc ngách.
Anh tài xế vẫn say sưa với câu chuyện của mình, kể có hôm chạy đến tận gần 4h sáng, vừa dừng xe ngả lưng xuống ghế định chợp mắt thì đã có khách đến gõ cửa nhờ chở đi có việc gấp. Có bữa khách đông đến nỗi chỉ trên một đoạn đường ngắn mà mấy tốp thanh niên đứng ngoắc xe, không biết chọn bên nào. Những lúc như vậy, dù đã định chợp mắt tí xíu cũng phải đáp ứng yêu cầu của khách thôi.
Lái taxi đêm đã vài năm, anh cũ kiếm đủ tiền để hàng tháng gửi một ít cho bố mẹ già, phần còn lại lo cho gia đình nhỏ của mình. Gần sáng, chúng tôi chào anh và xuống xe, trả tiền. Khi chiếc xe quay đầu lao vút vào bóng đêm, chúng tôi mới sực nhớ đã không hỏi tên anh để có dịp chào nhau nếu gặp lại vào một ngày tình cờ nào đó.
Loại hình hoạt động về đêm với đủ sắc màu, chủng loại, trong đó có các quán ăn đêm. Đến quán H.K. trên đường Lê Hồng Phong, quận 10 lúc kim đồng hồ chỉ hơn 3h sáng. Trời se lạnh, những cơn mưa đầu mùa như làm dịu bớt cái nóng hầm hập ban ngày, nhưng khuôn mặt những người chạy bàn trong quán vẫn mướt mồ hôi.
Quán rộng, bàn ghế để tràn ra lối đi, thực khách của các quán đêm này đa số là những người chuyên đi làm, đi chơi đêm, đói hoặc không muốn về nhà, tạt vào lai rai vài “xị” chờ trời sáng. Trên mỗi bàn bày các món nhậu, những tô bún bốc khói. Khách tha hồ gào thét, hô hào cho cuộc vui của mình.
Đối lập với sự thỏa mãn đó là các nhân viên chạy bàn luôn túc trực để khi khách có nhu cầu gọi thêm đồ ăn thức uống là ngay lập tức phải có người bê ra. Chọn một bàn sát mép đường đi, chúng tôi vẫy tay gọi. Cô bé bồi bàn tên Liên, 19 tuổi, quê Cà Mau, lên thành phố làm công việc này đã được hai năm. Dáng người nhỏ nhắn, ban ngày Liên làm việc bán thời gian cho một cửa hàng vải ở chợ Tân Định, tối về phụ việc cho quán.
Cứ như thế đã hai năm nay, số tiền kiếm được ngoài việc trả tiền trọ, phần còn lại được Liên gửi về quê phụ cha mẹ nuôi ba đứa em đang đi học. Những người phải thức cả đêm để làm công việc phục vụ cho nhu cầu của các “thượng đế” thật vất vả. Vòng qua nhiều con đường, quán ăn phục vụ suốt đêm nhiều nhưng cũng không đủ để những “thượng đế về đêm” có thể thỏa mãn được nhu cầu cần thiết. Quán Như Lan là một trong những nơi bán suốt gần như đêm. Sạch sẽ, thoáng mát, đảm bảo vệ sinh và nằm ngay trung tâm quận 1, Như Lan là một trong những điểm đến quen thuộc của nhiều người.
Nhân viên phục vụ ở đây thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng họ có chung một điểm: cùng thức cả đêm để phục vụ khách. Đối với đa số, chỉ thức một vài đêm là đã rã rời chân tay, nhưng với những con người này đồng hồ sinh học của họ đã bị đảo lộn: đêm thức, ngày ngủ. Cũng ngay trung tâm quận 1 là khu vực quán ăn trên đường Hải Triều. Đây có lẽ là khu vực đông khách và rôm rả nhất. Quán nằm trên vỉa hè, vừa thoáng mát vừa thuận tiện cho việc đi lại. Ngồi ở đây lúc 2h sáng, khi bụng “đánh lô tô” liên tục, được nhấm nháp những thức ăn nóng hổi, bốc khói thì thật tuyệt.
Nhưng đổi lại là nỗi khổ của những người phục vụ. Ngay góc quán có một nhân viên phục vụ mặc áo màu xanh đang ngồi ngáp dài mệt mỏi. Khi nghe thực khách gọi, lập tức anh chàng tỉnh như sáo, tiến lại cười tươi hỏi: “Anh chị dùng gì ạ? Kêu nước dùm em luôn đi”. Để kiếm được đồng tiền một cách lương thiện, những con người đêm đêm túc trực phục vụ nhu cầu của các “thượng đế” như một loại dịch vụ 24/24 này đã phải thay đổi cả giờ giấc sinh hoạt và dần dần “làm riết rồi quen”.
Cũng phục vụ 24/24 là nhân viên ở các cây xăng. Những người làm công việc này vào ban ngày là đương nhiên nhưng thức đêm, bỏ cả giấc ngủ để phục vụ người đi đường thì quả là đáng nể. 4h sáng, kim báo xăng đã tụt đến vạch cuối cùng, xe chúng tôi hết xăng cứ giựt lên như con ngựa chứng rồi tắc tị. Vào thời điểm này, dắt bộ trên đường thật nguy hiểm. Phố vắng, hai bên đường những cánh cửa sắt đóng im ỉm và chẳng còn điểm bán xăng lẻ nào hoạt động. Dắt bộ một đoạn khá dài chúng tôi đến được cây xăng trên đường Lê Văn Sỹ.
Dưới ánh điện sáng trưng, người trực ca đêm ở là anh H., một nhân viên còn trẻ, làm ở đây đã ba năm và những lúc theo ca đêm anh phải thức suốt để phục vụ khách. Khi chúng tôi hỏi có thấy nguy hiểm khi làm công việc này vào ban đêm không, anh cười: “Nguy hiểm thì không sợ nhưng ngán nhất là nhiều lúc gặp khách hàng vào đổ xăng nhưng trên người sặc mùi bia rượu”. Anh đã từng chứng kiến nhiều vị 3-4 giờ sáng tấp vào cây xăng ói liên tục, sau đó nằm vật ra người mềm nhũn, anh phải đỡ họ vào trong ngồi một lúc cho tỉnh rồi mới để họ đi tiếp. Nhiều người say quá, anh ngăn lại sợ họ chạy ra đường dễ bị tai nạn nhưng họ lại quay sang chửi anh. Đi được một đoạn họ lại đổ kềnh ra đường, anh phải chạy tới dắt xe, đưa vào cây xăng ngồi nghỉ.
Đêm trên phố, chúng tôi còn gặp những quán cóc lề đường sáng đèn đến tận khi bình minh ló dạng. Các quán này bán cà phê, nước giải khát. Ngay góc bùng binh Hàng Xanh, quận Bình Thạnh có một quán nước tồn tại cả chục năm nay. Cứ chập tối, quán kê vài bộ bàn ghế nhỏ trên lề đường rồi bán hàng đến gần sáng. Tới đây đa phần là khách quen, chỉ cần kêu tách trà nóng hoặc ly cà phê ngồi nhấm nháp.
Năm ba nghìn đồng một ly nước, nhưng thu nhập đủ để người mẹ nuôi mấy đứa con nhỏ nên người. Có điều thức khuya mãi nên gương mặt bà lúc nào cũng héo úa, vàng vọt. Những buổi sương lạnh đổ về, bà vẫn co ro nơi góc đường, chiếc áo mỏng manh không che hết gió lùa. Có những hôm đến đây vào lúc 2, 3 giờ sáng vẫn thấy bà thức chờ khách. Riết thành quen, tối nào đi ngang khu vực này tôi cũng ngoái tìm bóng dáng liêu xiêu của người phụ nữ bán nước đêm đêm ấy.
Góp phần làm nên nét đặc thù của Sài Gòn - thành phố năng động, thức suốt cả ngày lẫn đêm - chính họ, những người đêm đêm cần mẫn lao động, làm việc không ngơi nghỉ đã tạo nên sức sống cho thành phố này, kể cả khi mặt trời đi ngủ.
(Theo Công An TP HCM)