Vịt được coi là vật mang virus H5N1 thầm lặng. |
Đây là lời cảnh báo của tiến sĩ P.Doherty thuộc Đại học Melbourne (Australai), người đã đoạt giải Nobel Y học năm 1996, trước Hội nghị Tầm nhìn sinh học được tổ chức tại Lyon (Pháp).
Theo đó, một người đang bị cúm đồng thời bị nhiễm virus cúm gia cầm có thể dẫn đến trường hợp 2 loại virus trên kết hợp với nhau và sản sinh ra một dòng virus mới cực kỳ nguy hiểm và có thể lan rộng một cách thần tốc trong cộng đồng.
Dịch cúm Hong Kong vào khoảng 30 năm trước, vốn bắt đầu từ cúm vịt, là một ví dụ cho sự kết hợp và tạo ra một biến thể virus cúm mới. Khi một người nhiễm virus cúm vịt trong lúc đang bị cúm, 2 loại virus này có thể tự sắp xếp và trao đổi gen cho nhau.
Một trong các thách thức lớn nhất mà giới khoa học đang phải đối mặt là liệu có thể tìm ra một dòng vắcxin đủ mạnh để bảo vệ con người khỏi dịch cúm và khi nào thì tìm ra chúng.
Việc điều chế vắcxin vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu và chủ yếu dựa trên các dòng cúm xuất hiện trong những năm gần đây nhưng không gây ra bất cứ sự bùng nổ dịch bệnh nghiêm trọng nào.
Cho đến khi tìm được vắcxin, một số nhà khoa học khuyên các quốc gia nên dự trữ thuốc Tamilflu, có thể mang lại hiệu quả nếu dùng thuốc sớm, và hiện nhiều chính quyền đã bắt đầu thực hiện lời khuyên này.
Tuy nhiên, một khi dịch cúm thực sự bùng nổ, sẽ không đủ thuốc cho tất cả mọi người và có thể người được ưu tiên dùng thuốc sẽ là quan chức chính quyền cao cấp.
Theo Thanh Niên, những quốc gia như Anh, Trung Quốc và Mỹ đang cùng chạy đua trong việc tìm kiếm một loại vắcxin mới. Mới đây, các nhà khoa học tại Viện Quốc gia về tiêu chuẩn sinh vật ở London (Anh) công bố một kỹ thuật mới là đảo ngược di truyền, được thực hiện bằng cách lấy protein có trên bề mặt của một dòng vắcxin phổ thông và thay thế chúng bằng protein của cúm gia cầm.
Có 3 lần bùng nổ dịch cúm trên thế giới trong vòng 100 năm qua:
- Dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 khiến khoảng 50 triệu người trên thế giới thiệt mạng. - Dịch cúm châu Á vào năm 1957 gây ra 1 - 4 triệu trường hợp tử vong. - Dịch cúm ở Hồng Kông năm 1968 tước đi 1 triệu sinh mạng. |
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, WHO cũng vừa đưa ra chương trình kiểm soát cúm mới, trong đó nhấn mạnh vào việc làm chậm sự lây lan của cúm gia cầm để thế giới có thêm thời gian tìm ra phương cách phòng ngừa hiệu quả.
Ngoài ra, tổ chức trên cũng thúc giục những nhà khoa học hãy tiêu hủy các mẫu virus H2N2, dòng gây ra dịch cúm châu Á vào năm 1957, đã được vận chuyển đến khoảng 5.000 phòng thí nghiệm trên thế giới, hầu hết ở Mỹ nhằm ngăn chặn nguy cơ chúng rơi vào tay bọn khủng bố.