Kể từ khi con đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai khánh thành cuối năm 2014, Sapa trở thành một điểm du lịch phổ biến vào ngày cuối tuần và các dịp lễ Tết vì đi lại thuận tiện. Thời gian từ Hà Nội lên đến Sa Pa chỉ mất khoảng 4-5 tiếng, thay vì 10-12 tiếng như trước đây. Vì thế, thị trấn trong sương này lúc nào cũng đông khách du lịch, cảm giác chật chội, ngột ngạt... Thay vì chen chúc trong phố, hãy tìm những không gian bên ngoài, bạn sẽ cảm thấy thư giãn và yêu đời hơn.
Quán cafe và phòng trưng bày nghệ thuật Gem Valley
Gem Valley là một gallery trưng bày tranh kết hợp quán cà phê, nhà hàng và nơi lưu trú nhỏ của vợ chồng một hoạ sĩ người Hà Nội, lên Sapa sinh sống từ 10 năm nay. Từ trung tâm thị trấn Sapa, đi khoảng 3 km theo lối xuống bản Cát Cát , sau khi qua điểm mua vé tham quan, xuống thung lũng và đồi Việt - Nhật chừng 50 m, bạn sẽ đến được Gem Valley. Đây hiện là nơi đang được các bạn trẻ và khách du lịch bụi nước ngoài check in nhiều thời gian gần đây.
Vợ chồng chủ quán là những người rất thân thiện. Họ lên Sapa lập nghiệp với mong muốn tìm được một cuộc sống yên bình, như một thiên đường thực sự, tránh xa những lo toan cuộc sống nơi chốn thành thị nhiều áp lực. Ban đầu, họ cũng bị "sốc" nhưng dần dần cũng quen và rồi yêu nơi này từ lúc nào không hay. Ấn tượng đầu tiên về Gem Valley là sở hữu một tầm nhìn thoáng đãng với lung thũng, ruộng lúa và núi non hùng vĩ ngay trước tầm mắt. Bạn có thể phải ồ lên thích thú nếu đến đây vào ngày nắng khi trời xanh trong, mây nhè nhẹ trôi và khí hậu mát mẻ. Khi đó, bạn có thể ngồi hàng giờ bên dãy bàn dài dọc theo lan can, phóng tầm mắt nhìn ra khoảng không gian bao la trước mặt, với đồng lúa bạt ngàn, rồi đỉnh Fansipan xa xa. Nhâm nhi một ly trà ấm, đọc một quyển sách và thỉnh thoảng hít hà cái không khí trong veo thì thật không gì tuyệt vời hơn.
Căn nhà của họ thời gian đầu chỉ là một nơi lưu trú nhỏ bằng gỗ cho thuê theo dạng homestay, nhưng sau đó đã được nâng cấp lên với không gian tầng hai dành toàn bộ cho khách ở, dù vậy cũng rất hạn chế. Khách lên nghỉ thường phải liên hệ trước, chi phí giao động từ 200.000 đồng trở lên cho một người. Bạn có thể ở ghép tại phòng sinh hoạt chung. Tại đây bạn cũng có thể đặt bữa trưa và tối với những món "nhà làm" như su su hái từ vườn, thịt lợn bản, cơm rang hoặc cơm trắng... với chi phí rẻ hơn ở trung tâm thị trấn.
Khu nghỉ dưỡng Topas Ecolodge
Topas Ecolodge nằm cách trung tâm thị trấn Sapa 18 km, mất khoảng 45 phút di chuyển bằng ôtô qua đường rừng núi quanh co. Nằm trên một ngọn đồi, toàn bộ 25 căn nhà nhỏ ở Topas Ecolodge được thiết kế như một cánh cung hướng ra các dãy núi xung quanh. Mỗi căn nhà như một túp lều xinh xắn, sạch sẽ được xây bằng đá granite trắng, lợp lá cọ. Các phòng nghỉ được bài trí giản dị với nội thất gần gũi với thiên nhiên, từ các vật liệu như gỗ, tre, mây... Mỗi phòng đều có một hành lang nhìn thẳng xuống thung lũng, bạn có thể ngồi trò chuyện, đọc sách, nghe nhạc hay đơn giản chỉ là nghỉ ngơi trước một không gian bao la…
Mục đích của những người chủ Topas Ecolodge là tạo ra một không gian không giống những khách sạn hay khu nghỉ dưỡng thông thường. Đây thực sự là một nơi lý tưởng cho những người yêu thiên nhiên, muốn tách rời thế giới hiện đại và sự đông đúc, xô bồ. Nếu bạn là người thích sự tiện nghi, với các thiết bị điện tử giải trí thì nên nghĩ lại trước khi đến đây vì không có TV trong các phòng ở. Toàn bộ các ngôi nhà trong khu nghỉ đều sử dụng nguồn điện từ năng lượng mặt trời.
Khu nghỉ cũng không có bể bơi chung, thay vào đó là những bồn tắm lớn bằng gỗ trong mỗi căn phòng, với dịch vụ spa thư giãn bằng lá thuốc của người Dao Đỏ. Ở đây, du khách sẽ được dùng một loại dầu gội đầu và sữa tắm đặc biệt không làm ảnh hưởng đến môi trường.
Từ bất cứ vị trí nào trong toàn khu nghỉ, du khách cũng có thể thưởng thức khung cảnh những sườn núi xung quanh đổ xuống thung lũng Mường Hoa xanh rì. Vào những ngày không sương mù, du khách còn có thể nhìn những con đường quanh co và những nóc nhà Bản Hồ, với dòng suối chảy không ngừng nghỉ. Topas Ecolodge cũng chính là nơi ông chủ của Facebook, Mark Zuckerberg, đã ở khi đến Việt Nam.
Tâm Anh