Đó chỉ là một trong 16 ca khúc có nội dung yêu đương, hận đời và hàng trăm những cảm xúc vui buồn mà chỉ những người đang yêu mới có của VCD "Cô bé kiêu kỳ". VCD này hiện đang lên "cơn sốt" đối với các khán giả cực trẻ.
Bé lon ton, tên ca sĩ thể hiện 5 bài hát trong VCD này được đánh giá là có giọng hát và vũ đạo "ngang ngửa" với bé Châu (ca sĩ "nhí từng được nhắc đến rất nhiều trong thời gian trước) và thể hiện cũng không kém về "độ" đau đớn, dạn dày trong tình yêu, thậm chí chai sạn, bất cần đời hơn so với bé Châu.
Đặc biệt, có đến vài chục người mẫu "nhí" (thuộc thế hệ 9X) tham gia múa minh hoạ đã làm "hoàn cảnh" thật hơn rất nhiều. Xưa nay, người ta chỉ thấy cảnh nam ca sĩ cùng một người mẫu phụ hoạ lang thang đi dạo trên bãi biển, trên đồi thơ mộng và trao cho nhau những ánh mắt tình tứ, chứ mấy ai dám nghĩ những cảnh đó lại được một cô bé và một cậu bé thể hiện "tình cảm" đến vậy. Và những lời "họ" nói với nhau mới đáng ngại làm sao: "Bao đêm môi em khát khao sao anh vẫn ơ hờ...", "Để một lần rồi yêu nàng, yêu nàng, yêu nàng, sao không nói lên lời...". Và các người mẫu "nhí" đã thể hiện thành công như những người mẫu đàn chị khi xài toàn trang phục hở rốn.
Trong VCD này, Bé lon ton hát 5 bài thì cả 5 bài đều có nội dung yêu đương, thất tình: "Sao em làm ngơ", "Twist tình yêu", "Cô bé kiêu kỳ"... Nếu như chỉ "đơn thuần" là não tình thôi thì cũng không có gì lạ, bởi đó là "bài" câu khách lâu nay của những người lớn, nhưng đằng này, người ta lại nhồi nhét vào đầu óc các em thói ngang tàng, côn đồ, một tư tưởng bất cần.
Trong bài hát "Đời tôi", có cảnh một lính nguỵ cầm dùi cui xua đuổi trẻ lang thang. Một cậu bé chui ra từ chiếc hộp carton, tay cắp chai rượu và bày tỏ quan điểm sống nghe thật xót xa, đau đớn: "Sáng kệ sáng, trưa kệ trưa, chẳng cần biết ngày mai ra sao...", "Nói thì nói, xin đừng can, tôi không may nên tôi lầm than. Em ơi, xin đừng nói nhiều...".
Điều đáng nói là toàn bộ diễn viên phụ hoạ cho những bài hát này đều "nhí", ăn mặc theo phong cách bụi bặm đường phố. Sân khấu được bài trí như một khu phố lao động nghèo với những chiếc lốp xe máy cũ treo lơ lửng, những tấm nilon che nắng mưa nhầu nhĩ và trẻ em lang thang chui vào những chiếc hộp carton để ngủ. Nhân vật chính trong câu chuyện này bộc lộ rõ tính côn đồ, ngang ngạnh, bất cần với những động tác đá, gạt, vung tay rất chuyên nghiệp.
"Khởi thuỷ" của phong trào làm đĩa "bẩn", người ta thấy trên một số VCD xuất hiện gương mặt bé Châu. Cậu như một hiện tượng đối với một bộ phận người dân và trở thành "đặc sản" đối với thị hiếu của không ít người. Chưa đầy 10 tuổi, bé Châu đã trở thành vị cứu tinh của gia đình và tuổi thơ em rong ruổi đi diễn khắp các tỉnh miền Tây, thậm chí hát cả quán bar, đám cưới...
Theo CAND, các bài hát gắn với "tên tuổi" bé Châu như: "Trả nợ tình xa", "Melao"... được người ta cài cắm vào các đĩa "bẩn" như là một đặc sản, điển hình phải kể đến "Tuyển chọn nghệ sĩ". Trong vô vàn những rối rắm, lồng ghép và vô duyên của "Tuyển chọn nghệ sĩ" thì cảnh một cậu bé con răng sún đứng lọt thỏm giữa khoảng 20 cô người mẫu với "hàng họ" mát mẻ gào lên những lời: "Này em yêu hỡi, em có nghe không em, bao tiếng yêu vang lên, dành cho em đó..." thì quả là một "món ăn lạ" nhưng hết sức rẻ tiền. Và trong đĩa này, bé Châu cũng góp mặt với 4 bài.
Người lớn duy nhất trong VCD "Cô bé kiêu kỳ" là ca sĩ Huy Đức, dường như anh chàng này hơi bị "lép vế" so với hai đồng nghiệp tuy giọng hát có phần tròn vành rõ chữ hơn. Còn so về độ "hút khách" cũng không kém mấy khi thể hiện bài "Ôi quá xá buồn" (dựa theo bài hát "Ôi tình yêu"): "Mơ thường hay đến những khi túi tôi có tiền, những khi hết tiền, nhắn Mơ thấy Mơ phớt lờ...", hoặc: "Nhớ nhé, nhớ nhé... tán gái khó lắm nếu dễ thế có đáng chi...".