![]() |
Các ca sĩ nghiệp dư tha hồ trổ tài. |
Lối vào Đêm vọng quán (219 phố Vọng, Hà Nội) được thiết kế giống theo kiểu hang động, tức là sâu hun hút, không hề có tí đèn đóm gì. Còn vật liệu xây dựng thì bằng đá và... mạng nhện. Sân khấu biểu diễn chỉ rộng chừng gần chục mét vuông. Trên sân khấu, một băng-rôn đỏ chót (đã có vài chỗ rách và vết ố) thông báo lịch diễn của quán...
20 giờ 30 phút. Quán đông nghẹt. Khách của Đêm vọng quán, Tina quán và Vọng quán... chủ yếu là thanh niên Hà Nội và tầng lớp dân lao động. Tóc vàng hoe, áo hai dây, quần xà lỏn, hở lưng, hở đùi, nói năng thoải mái hết cỡ... đều đủ cả. Thỉnh thoảng trong góc tối lại có vài ba đôi bày tỏ tâm sự song cũng không đến mức "thân mật" như ở cà phê đèn mờ.
Ngồi cạnh tôi là một thanh niên mặt non choẹt. Cậu tự giới thiệu là sinh viên năm cuối Trường Cao đẳng Công nghiệp, thường xuyên lui tới quán này vì ở đây toàn "cây nhà lá vườn", cứ "vô tư", thích gì làm nấy. Thích làm ca sĩ thì lên bàn đăng ký với MC, đăng ký "free". Nhạc công, âm thanh, ánh sáng phục vụ "ca sĩ" cũng... free luôn.
Mỗi "show" tự biên tự diễn như vậy thường bắt đầu từ 20 giờ và kết thúc lúc 23 giờ. Khách vào quán, tí máu văn nghệ "bốc" lên thì ghi danh với MC rồi nhảy lên sân khấu cầm míc thể hiện. Và, tất nhiên là cứ việc thể hiện "hết cỡ", từ ăn mặc, nhảy nhót đến múa may. Thậm chí họ còn lấy tên ca sĩ "sao" để đặt nghệ danh, ví dụ như Hồng Nhung, Thanh Lam, Hoàng Thanh, Quang Huy... Một phụ nữ to béo, tuổi cỡ ngoài 30 nhưng lại "xin được tự giới thiệu là Nguyễn Y Vân tức Vẫn Y Nguyên" (!). Chị hát bài Ru mãi ngàn năm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhiều đoạn bị ngọng nhưng nét mặt thì vô cùng rạng rỡ và phấn khích. Trong khi đó, một vị khách khác thì áo phông, dép lê vừa hát vừa nhảy rất bốc bài Tiếng chày trên sóc Bom Bo, rồi Cháy lên đi lửa trên cao nguyên…
5 năm nay, MC chương trình là Nguyễn Quốc Khánh, từng tốt nghiệp ĐH Luật. Khánh làm ở Đêm vọng quán từ ngày chưa xin được việc. Đến bây giờ đã kiếm được một "chân" nhà nước, Khánh vẫn tiếc, không muốn bỏ. Theo lời Khánh thì thù lao ở đây rất thấp, thấp nhất trong tất cả các bar, club trong Hà Nội. Nhưng vẫn thấy vui và thích cái "nghề" này. Khánh cũng từng đi làm MC ở vài quán với thu nhập cao hơn nhưng lối lợi khẩu một cách "dân dã" của cậu không mấy phù hợp. Đại khái, Khánh thường dẫn chương trình theo kiểu: đang kể lể một hồi của Ỷ thiên đồ long ký, cậu lại sướt mướt đọc điếu văn "mời toàn thể bà con thân bằng cố hữu gần xa đến tiễn đưa ca khúc X và ca sĩ Y vì... đã hết lượt hát, mời anh ra khỏi sân khấu!" hoặc đặt các biệt danh Cao Cầu, Trương Vô Kỵ, Trương Thúy Sơn cho khách... Khánh bảo: "Nói thật, nếu dẫn chương trình... có duyên thì tôi đã không làm chỗ này. Cát-sê trả theo ngày. Miễn sao anh kéo được khách đến. Nếu không đông nghẹt thì hôm sau anh có thể go out".
Theo Thanh Niên, nhạc công duy nhất của Đêm vọng quán là Sơn (sinh viên Nhạc viện Hà Nội). Sơn bảo khách hàng là thượng đế, mà khách ở đây thì đủ loại nhu cầu, từ nhạc vàng, nhạc sến, nhạc đỏ đến nhạc trữ tình nên Sơn cũng tối mắt tối mũi để cố đánh không sai nhạc. Giá phục vụ tại những quán như thế này cũng tương đối rẻ. Trung bình 9.000 -10.000 đồng/ly nước, nhưng khách phải trả ngay khi vừa đặt chân vào quán (chứ không đợi đến lúc ra về mới thanh toán như lệ thường). Theo lời nhân viên phục vụ thì cái giá 9.000-10.000 đồng đó đã bao gồm khoản nghe nhạc "free". Và, hẳn nhiên trên thực tế thì "tiền nào, của nấy".
Quán cà phê có thêm ca nhạc sống thay cho tiếng hát từ những chiếc đĩa khô khan đã không còn là của hiếm. Tuy thế, bây giờ xu thế có vẻ thay đổi: đi "cà phê" không phải để tâm tình trên nền ca nhạc phụ họa mà thực chất là để xem ca nhạc với giá rẻ.
Phần lớn những quán cà phê có ca nhạc như vậy tập trung ở các quận ven trung tâm TP HCM và là những quán theo kiểu sân vườn, bởi ở đây đất rộng và có số lượng thanh niên, dân lao động đông đảo. Thêm vào đó, những quán này hình thành và phát triển được là do nhu cầu thưởng thức chương trình ca nhạc tạp kỹ ở những nơi này rất lớn nhưng lại ít được chú ý đến.
20 giờ tối thứ bảy, hai bãi giữ xe khá rộng trước quán Hoàng Hạc (đường Lê Văn Thọ, Q.Gò Vấp) đã chật kín, nhân viên giữ xe thông báo hết bàn! Chỉ cần bước vào quán vài bước là thực khách sẽ chìm ngập trong không khí náo nhiệt với "sức nóng" của chương trình văn nghệ cùng với sự thích thú của đông đảo khán giả. Dù khuôn viên quán rộng hơn 1.000m2 nhưng lúc ấy dường như cũng trở nên quá chật so với lượng người có mặt. Bàn ghế được sắp xếp chật cứng cả ngoài sân lẫn trong sảnh nhà có mái che với mật độ đông đúc, san sát nhau.
Trên sân khấu, nơi thu hút sự tập trung là một sàn gỗ rộng chừng 20m2 với những trang thiết bị được xem là khá xôm tụ so với quy mô của một quán sân vườn: một đàn organ, hai guitar điện, một bộ trống jazz và một trống điện tử, một bàn mix và hệ thống âm thanh, đèn màu.
20 giờ 20, hầu hết thực khách và cũng là khán giả được một phen nhói tim với những màn biểu diễn mạo hiểm của nhóm xiếc Minh Tân. Thầy trò nhóm này lúc thì nuốt kiếm, dao, kéo, lúc thì dùng kim chỉ may qua da thịt... Những tràng vỗ tay vang lên liên tục. Không được sang trọng như ở những sân khấu chính thống nhưng nhiều nghệ sĩ cũng bắt đầu chú ý đến các quán này vì ở đây họ được trả tiền bồi dưỡng cao hơn những show diễn tại các tụ điểm ca nhạc trong trung tâm thành phố (do bù tiền xăng và tiền - vì diễn ở xa thường họ không nhận nhiều show). Ở đây sự đón nhận của khán giả cũng có phần nồng nhiệt hơn. Chủ quán ý thức được việc giữ chân người, họ chăm lo cho nghệ sĩ từ ly nước, khăn lạnh đến việc trả tiền bồi dưỡng ngay sau buổi diễn chứ không dây dưa. Ở quán Hoàng Hạc, từng có những buổi biểu diễn được coi là liveshow của các ca sĩ Vân Quang Long, Hoàng Thanh, Lâm Hùng, Lâm Chí Khanh... khi họ biểu diễn từ 6-10 bài. Mời những ca sĩ khá có tiếng này thường quán phải trả từ 3-4 triệu đồng. Còn các nhóm ca trẻ, thường là đội ngũ mới ra lò của các nhà văn hóa, nhất là Nhà Văn hóa Thanh niên như Tytikid, Lãng Du, Fantasy, Lọ Lem hay Tigôn thì dao động trong con số vài trăm nghìn và các nhóm hài thì cao hơn. Ở sân khấu này thường hạn chế việc mời ca sĩ trẻ hát đơn vì sợ không tạo được sự sống động. Cũng để làm cho sân khấu không bị nhàm chán, người tổ chức chương trình (thường là chủ quán) cố gắng sắp xếp để các tiết mục không bị lặp lại trong vòng một tháng và các nghệ sĩ thì chỉ diễn mỗi tuần một suất. Một chương trình vào các ngày từ thứ tư đến thứ sáu chỉ có 2 tiết mục chuyên nghiệp (hài, nhóm ca) và vào thứ bảy, chủ nhật là 3 tiết mục.
21 giờ, khán giả ra về khá nhiều. Đó là khi chương trình ca nhạc tạp kỹ chuyên nghiệp kết thúc. Lúc này ở lại là những người muốn trình diễn giọng hát của mình. MC vẫn tiếp tục lên sân khấu giới thiệu lúc mở đầu và cảm ơn lúc hết bài như những chương trình chuyên nghiệp, vì thế các bạn trẻ cảm thấy mình được "nâng" lên nhiều. Với giá tiền nước bình dân từ 5.000 -10.000 đồng (phụ thu thêm 2.000 đồng vào đêm có ca nhạc) và xem ca nhạc không mất tiền vé, được biểu diễn không mất phí, xem ra người được lời là khán giả. Vì thế ở mỗi chương trình ca nhạc chủ quán có thể điểm danh một nửa là khách quen.
Dẫu sao, với các bạn trẻ, nhất là những công nhân, người lao động... vào mỗi cuối tuần ngồi quán xem ca nhạc với giá rẻ như thế đã là một buổi tối đi chơi thú vị và lành mạnh.
Những sân khấu "vô tư" như vậy, tất nhiên là không có chuyện trả tiền bản quyền ca khúc mặc dù Trung tâm Bản quyền âm nhạc đã quy định mức phí đối với các quán karaoke và tụ điểm ca nhạc. Công văn số 132 của Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa - Thông tin) ban hành gần đây cũng chỉ rõ "không cấp phép biểu diễn cho các tác phẩm âm nhạc không rõ xuất xứ nguồn gốc, nếu người biểu diễn thể hiện các tác phẩm âm nhạc có xuất xứ từ nước ngoài thì phải xin phép, nếu không sẽ bị xử lý vi phạm". Khi hỏi chuyện bản quyền, các chủ quán ở đây đều... lắc. Họ giải thích là chỉ hát để cho vui thôi. Còn các thượng đế thì cứ mặc sức "vô tư" Nhé anh, Mãi yêu, Ru mãi ngàn năm...