Thứ năm, 10/10/2024, 09:36 (GMT+7)

Di vật quý trong ngôi đình 200 tuổi giữa phố cổ Hà Nội

Đình Đông Thành - một trong những ngôi đình cổ có kiến trúc đẹp nhất khu phố cổ Hà Nội - là nơi lưu giữ nhiều di vật quý báu, ghi dấu những ngày hào hùng của cuộc Kháng chiến toàn quốc mùa đông năm 1946.

Nằm ở số 7 Hàng Vải, đình Đông Thành có tuổi đời trên 200 năm. Tên gọi Đông Thành xuất phát từ vị trí các thôn này nằm ở phía Đông thành Hà Nội. Đến đời Vua Minh Mạng (1820-1840), hai thôn sáp nhập thành làng Đông Thành. Đình Đông Thành từng bị chiến tranh phá hủy nên dần dần bị lấn chiếm, chỉ còn nguyên vẹn mỗi tam quan và hậu cung.

Đình hiện nay có mặt bằng hình chữ "Công", bao gồm: nghi môn, bái đường, thiêu hương, hậu cung; tất cả nằm trong một khuôn viên có diện tích gần 460 m2. Mái đình lợp ngói, hai bên xây trụ cao, trên đắp hình con nghê. Góc sân bên trái tòa bái đường có đôi bia đá gắn vào tường. Bên phải vẫn còn một cây đa cổ thụ.

Mùa đông năm 1946, quân dân Hà Nội đã sử dụng đình làm một trạm cứu thương của Liên khu I, góp phần làm nên chiến công 60 ngày đêm mở đầu cho cuộc kháng chiến toàn quốc ở Thủ đô.

Với những giá trị di tích lịch sử văn hóa, vào năm 2014, đình Đông Thành đã được Sở Văn hóa Hà Nội xếp hạng "Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố" và gắn biển "Công trình chào mừng 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô". Trong suốt một thập kỷ qua, Đình Đông Thành không chỉ là nơi thờ tự mà còn là trung tâm gắn kết cộng đồng, điểm đến của hàng triệu du khách trong nước và quốc tế.

Đình hiện là nơi lưu giữ nhiều di vật quý báu, có giá trị nổi bật như 8 tấm bia đá thời Nguyễn ghi lại quá trình xây dựng, trùng tu và những người công đức; 9 đạo sắc phong sớm nhất là đạo sắc niên hiệu Thiệu Trị thứ nhất (1924).

Trong đình còn lưu giữ Tượng thánh Huyền Thiên Trấn Vũ đúc bằng đồng. Tượng đồng cao 1,5 m, ngang 0,8 m, ngồi oai nghiêm trên ngai rồng, mắt mở to, đầu trần, chân đất, tóc xõa sau lưng. Tay phải chống lên Tam thái thất tinh kiếm, rắn quấn quanh kiếm, mũi kiếm đặt trên lưng rùa.

Giếng cổ, chuông đồng hàng trăm năm tuổi thu hút khách tham quan trong đình.

Đình còn có nhiều hoàng phi, câu đối, ngai rồng, bài vị, nhang án, cửa võng; tất cả đều được sơn son thiếp vàng lộng lẫy.

Hôm 9/10, đình Đông Thành tổ chức lễ dâng hương, rước nước từ Hoàng thành Thăng Long để kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024); 10 năm đón bằng Di tích lịch sử văn hóa nhằm góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, tín ngưỡng dân gian khu phố cổ Hà Nội.

Tại khu vực nội đình số 7 phố Hàng Vải, đông đảo người dân và du khách đã đến tham gia nghi lễ và thưởng lãm kiến trúc của ngôi đình cùng nhiều di vật quý giá trị lịch sử cao.

Bạn Thanh Trúc (áo xanh, 23 tuổi, Cầu Giấy) cho biết nhiệt tình tham gia các hoạt động trong chuỗi kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô vì được học hỏi nhiều kiến thức quý báu về lịch sử và các giá trị văn hóa của Thủ đô. 'Tôi rất hào hứng khi có cơ hội tham dự lễ dâng hương, rước nước ở đình Đông Thành dịp này. Đình mang vẻ đẹp trường tồn với thời gian. Đây là nơi mà thế hệ trẻ có thể tìm về để hiểu rõ hơn về nguồn cội dân tộc, nơi mà những giá trị truyền thống được tiếp nối và phát huy', Trúc chia sẻ.

Du khách Christopher Smith đến từ Mỹ nói anh thích thú khi được có mặt ở Hà Nội những ngày này. Ngoài việc đến thăm đình Đông Thành, anh còn tham quan nhiều biểu tượng lịch sử khác, đi bộ quanh Hồ Gươm để chụp ảnh, ngắm không gian triển lãm, những mô hình tái hiện địa danh mang tính biểu tượng.

Ông Nguyễn Đức Tiến - thủ nhang đình Đông Thành cho biết: "Thông qua nhiều sự kiện, chúng tôi mong muốn cộng đồng cùng tham gia và phát huy tinh thần đoàn kết, chia sẻ tới bà con, du khách trong và ngoài nước về văn hoá đặc sắc của người dân Việt Nam. Các hoạt động nghi lễ như vậy cũng giúp nâng cao nhận thức, đặc biệt là thanh thiếu niên, hiểu được giá trị của di sản và cùng nhau gìn giữ, phát huy".

Tùng Đinh

Đánh giá phiên bản mới