Vẫn quy định việc đánh dấu bằng lái
Theo nghị định, đối tượng bị xử phạt bao gồm cá nhân, tổ chức VN; cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; người chưa thành niên có hành vi vi phạm thì bị xử lý theo pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Mức xử phạt các hành vi vi phạm từ cảnh cáo đến phạt tiền tối đa 30 triệu đồng, nhiều mức phạt tăng gấp đôi so với mức phạt của nghị định cũ. Tùy theo tính chất mức độ vi phạm, đối tượng vi phạm hành chính còn có thể bị phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm.
Nghi định cũng quy định đánh dấu số lần vi phạm pháp luật trên giấy phép lái xe như nghị định cũ (ba lần đánh dấu thì giấy phép lái xe hết giá trị sử dụng). Ngoài các phương tiện giao thông theo quy định trước đây, nghị định còn quy định thêm xe máy điện.
Tăng mức phạt
Cụ thể một số trường hợp người điều khiển, người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy, xe máy điện, các loại xe tương tự môtô vi phạm quy tắc giao thông như:
- Không đội mũ bảo hiểm khi đi trên đường quy định phải đội mũ bảo hiểm phạt tiền từ 20.000-40.000 đồng (mức phạt cũ 10.000-20.000 đồng).
- Đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi ngược chiều của đường một chiều, không nhường đường hoặc cản trở xe ưu tiên, bấm còi rú ga liên tục trong đô thị, không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông hay hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông có thể bị phạt 100.000-200.000 đồng (mức cũ 20.000-60.000 đồng).
- Không có gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng bị phạt 20.000-50.000 đồng.
- Phạt 4-6 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 60 ngày đối với hành vi chạy xe lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường phố; điều khiển xe chạy bằng một bánh, buông hai tay khi đang điều khiển xe. Tái phạm bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn, tịch thu xe.
Tạm giữ phương tiện
- Tạm giữ phương tiện trong thời hạn ba ngày đối với người điều khiển, người ngồi trên môtô, xe máy không đội mũ bảo hiểm khi đi trên đường quy định phải đội mũ bảo hiểm.
- Tạm giữ phương tiện trong thời hạn 10 ngày đối với các hành vi vi phạm quy định:
Người điều khiển môtô, xe máy vượt bên phải xe khác trong trường hợp không được phép, không tuân thủ hướng dẫn của người điều khiển giao thông tại nơi ùn tắc giao thông, không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, kiểm soát giao thông, đèn tín hiệu. Khi xảy ra tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo cơ quan có thẩm quyền, không cấp cứu người bị nạn.
Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định 20km/h. Sử dụng bia, rượu mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn quá quy định, hoặc sử dụng chất kích thích mà pháp luật cấm, hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người kiểm soát giao thông. Chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn hoặc không giữ đúng khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông.
Không có giấy đăng ký xe theo quy định, gắn biển số không đúng số, ký hiệu trong giấy đăng ký, biển số không do cơ quan thẩm quyền cấp; sử dụng giấy đăng ký xe đã bị tẩy xóa. Người 14-16 tuổi điều khiển các loại xe cơ giới (xe máy, ôtô) và người 16-18 tuổi điều khiển xe môtô có dung tích xilanh từ 50 cm3 trở lên. Người điều khiển môtô không có giấy phép lái xe…
- Tạm giữ phương tiện 30 ngày nếu điều khiển xe lạng lách, đuổi nhau gây tai nạn hoặc không chấp hành lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hay chống đối người thi hành công vụ...
Rải đinh trên đường bị phạt 2-3 triệu đồng
- Trước đây, người điều khiển ôtô nếu lắp kính mờ, dán giấy bóng mờ bị phạt thì nay nghị định mới không có điểm này và cũng không phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu xe theo quy định.
- Người điều khiển ngồi trên xe đạp điện, xe đạp để hàng trên xe không đảm bảo an toàn, gây trở ngại giao thông, che khuất tầm nhìn của người điều khiển bị phạt 20.000-40.000 đồng. Phạt tiền 80.000-120.000 đồng đối với hành vi xếp hàng (súc vật) trên xe súc vật kéo vượt quá quy định.
- Phạt 100.000-300.000 đồng đối với hành vi không giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu. Đặc biệt có thể bị phạt 2-3 triệu đồng đối với hành vi ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác, chăng dây qua đường, đổ dầu nhờn hoặc chất trơn trượt khác.
- Ngoài ra một số trường hợp có thể bị tịch thu xe ngay từ lần vi phạm đầu tiên như điều khiển xe môtô, xe máy và các loại xe có kết cấu tương tự nhưng là xe tự sản xuất, lắp ráp.
Nghị định được ban hành ngày 15/12 và sẽ có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.
(Theo Tuổi Trẻ)