Thứ năm, 27/2/2020, 11:55 (GMT+7)

Di tích Hoa Thương Hội Quán đổ nát

Thanh HóaHầu hết hạng mục, cấu kiện bên trong các toà nhà ở Di tích lịch sử văn hoá Hoa Thương Hội Quán đã xuống cấp, hư hỏng nặng nề.

Hoa Thương Hội Quán được cộng đồng người Hoa đến Thanh Hoá giao thương, sinh sống cho xây dựng đầu thế kỷ 19. Đây là nơi hội họp, sinh hoạt văn hoá có công năng như đình làng của người Việt.

Theo các tài liệu lịch sử, Hoa Thương Hội Quán xưa nằm ở ấp Phú Mỹ, giáp Đông Phố của trấn lỵ Thanh Hoa (trấn lỵ được thành lập năm Gia Long thứ 3 – 1804). Từ năm 1994, công trình này là số nhà 248, phố Trần Phú, phường Ba Đình, TP Thanh Hoá.

Sau hơn 150 năm sử dụng, đến năm 1960, người Hoa bàn giao Hoa Thương Hội Quán cho Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hoá quản lý. Công trình được sử dụng làm thư viện khoảng 20 năm. Năm 1981, khi thư viện Thanh Hoá Quảng Nam chuyển đi, Hoa Thương Hội Quán được giao cho Nhà xuất bản Thanh Hoá quản lý, sử dụng một phần đến nay.

Năm 2010, Hoa Thương Hội Quán được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Hoa Thương Hội Quán gồm 5 hạng mục chính: Tam quan, Tiền sảnh, Tháp nghinh phong, Trung đường và Hậu cung, được xây dựng bằng các vật liệu chính là gỗ lim, đá xanh, gạch nung, mái lợp ngói ống…

Do tác động của thời tiết cũng như không có người sử dụng, bảo quản (phần đất nằm ngoài phạm vi sử dụng của Nhà xuất bản Thanh Hoá), những năm gần đây, tất cả hạng mục của di tích Hoa Thương Hội Quán xuống cấp nghiêm trọng.

Hầu hết phần mái nhà đã đổ sập, vài vị trí còn sót lại nhưng cũng đã hư hại nặng, không còn hình hài ban đầu.

Một số cấu kiện bằng gỗ lim chưa bị rớt xuống đất, nằm cheo leo trên bức tường nứt toác, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Bên trong khu nhà Trung đường hay Hậu cung giờ chỉ còn là đống đổ nát, hoang tàn với gạch đá, gỗ ngổn ngang, cây cối mọc um tùm, là nơi trú ngụ của rắn rết, chuột bọ hay côn trùng.

Con ngõ nhỏ đi vào các phòng làm việc của Nhà xuất bản Thanh Hoá có một bức tường gạch kéo dài từ toà Nghinh phong đến Hậu cung đã bị mục nát, nứt gãy nhiều vị trí. Thi thoảng, những mảng vữa hay gạch ngói trên cao lại rơi xuống.

Lo ngại tường đổ sập, lãnh đạo nhà xuất bản gần đây cho người dùng cọc tre luồng chống đỡ nhằm giảm nguy cơ gây tai nạn cho cán bộ, nhân viên và đối tác đến giao dịch.

Trong ngõ Chùa Hội Quán (song song với ngõ vào nhà xuất bản) có nhiều gia đình sinh sống. Chính quyền cho treo biển cảnh báo, hạn chế người đi lại nhưng mỗi ngày có hàng trăm lượt người vẫn phải ra vào khu vực này.

Một góc Hoa Thương Hội Quán nhìn từ trên cao.

Tháng 10/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng có công văn chỉ đạo, giao UBND TP Thanh Hóa chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan chuyên môn liên quan khẩn trương có biện pháp chống đỡ, gia cố tạm thời hoặc sửa chữa, kịp thời ngăn chặn di tích bị sập đổ, nhằm bảo đảm an toàn cho người và tài sản; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các hiện vật, tránh mất mát, hư hại... Tuy nhiên, đến nay thành phố Thanh Hoá chưa có giải pháp cụ thể nào.

Chủ tịch UBND TP Thanh Hoá Lê Anh Xuân cho hay thành phố đang giao UBND phường Ba Đình khảo sát thực trạng, đề xuất phương án trùng tu, tôn tạo di tích trong thời gian tới.

Lam Sơn

Đánh giá phiên bản mới