Trước đây, các công ty chỉ cần thông báo nhu cầu tuyển dụng đến các TTDVVL về số lượng, điều kiện làm việc, mức lương, chế độ đãi ngộ... Nếu có cạnh tranh thì cũng chỉ ở “bề nổi”: trương bảng khắp nơi, gửi nhu cầu nhiều chỗ, phát nhiều phiếu đăng ký tìm việc tại các ngày hội việc làm...
Nhưng tại thời điểm này “cái giá” để tuyển LĐPT phải do các công ty đứng ra bao hết mọi khoản: chi phí thuê xe cho các chuyến về tỉnh xa tiếp xúc với LĐ, thuê xe cho người LĐ vào tới TP (200.000-300.000 đồng/LĐ), cam kết trả mức phí giới thiệu cao nhất cho các trung tâm (8% tháng lương đầu tiên).
“Tuyển được một LĐPT ở các tỉnh ĐBSCL mất khoảng 300.000-350.000 đồng, còn các tỉnh phía Bắc thì chắc chắn không dưới 500.000 đồng!”, nhân viên tuyển dụng Công ty Nissei tiết lộ.
Trong lúc các công ty đỏ mắt tìm không ra LĐ thì TTDVVL KCN M đã “kéo” được hơn 1.200 LĐ về làm việc tại KCN này. Đó là nhờ kết hợp với một đội ngũ “cộng tác viên” săn LĐPT mọi lúc, mọi nơi, cả những tỉnh xa như Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang... với chi phí hằng tháng cho các cộng tác viên trên dưới 10 triệu đồng.
“Trong bán kính chưa đến 10 km (đoạn ngã tư Sở Sao, Bến Cát - Bình Dương) có đến 50 công ty rao tuyển LĐ, số lượng từ 1.000 LĐ trở lên. “Các phòng nhân sự như ngồi trên đống lửa!”, Trương Hoàng (nhân viên bộ phận tuyển dụng Công ty KV - KCN Tân Định, Bến Cát, Bình Dương) thừa nhận.
Những chuyến đi về tận ấp, xã các tỉnh Bến Tre, Long Xuyên, An Giang... công ty đều cử công nhân của tỉnh đi theo để vừa chỉ đường vừa... “minh họa” cho người LĐ ở đây hiểu rõ về lương, điều kiện làm việc. Chi phí vì vậy cao hơn (công ty phải trả cho công nhân dẫn đường từ 100.000-150.000 đồng/LĐ). Nhưng bù lại, bốn chuyến đi về miền Tây và hai chuyến đi miền Trung, Công ty KV đã tuyển được gần 500 LĐ.
Theo các TTDVVL các KCX-KCN, hiện nay các công ty khi về các tỉnh tuyển LĐ đều đưa ra mức lương cơ bản cho LĐ học, thử việc 930.000-1.000.000 đồng (khu vực TP.HCM), 820.000-870.000 đồng (Bình Dương, Đồng Nai...). Ngoài việc tuyển được hàng trăm LĐ, quan trọng hơn cả là thông tin của công ty đã đến trực tiếp với người dân nơi đó. |
Không ít chuyến đi gần như không tuyển được LĐ nhưng với nhiều công ty, quan trọng nhất là đưa thông tin của công ty đến với người LĐ; tạo dấu ấn, mối quan hệ gắn bó, tin tưởng đến người dân từng thôn, xã... là điều các head hunter (săn đầu người) hướng đến!”.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc TTDVVL KCN Bình Dương, cho biết “năng lực thật sự” của trung tâm hiện nay giải quyết chừng 10-15% nhu cầu của các doanh nghiệp. Khác với người LĐ được chính công ty tuyển về từ các tỉnh xa, những LĐ tự đến trung tâm thường rất kén chọn công việc, kén chỗ làm, rất khó thuyết phục họ làm ở những nơi cách thị xã mấy chục km. Hơn nữa, những người này cũng thường dễ dàng thay đổi nơi làm việc.
Chị Hạnh cho biết, đối với các doanh nghiệp không có hướng kết hợp với trung tâm về các tỉnh xa tìm LĐ thì trung tâm cũng trả lời thẳng: không thể đáp ứng được. Có vất vả tìm kiếm LĐ thì họ mới biết tôn trọng và tạo điều kiện, môi trường làm việc tốt để giữ LĐ làm việc lâu dài cho công ty.
Theo phương thức tuyển dụng LĐ này mà Công ty Lắp ráp linh kiện điện tử (KCX Linh Trung I, Thủ Đức, TP HCM) cho biết kết quả của năm đợt đi tuyển LĐ ở cả ba miền Bắc, Trung, Tây: tuyển được hơn 500 LĐ.
(Theo Tiền Phong)