Chị Hoàng Mùi Lảy, 25 tuổi, dân tộc Dao địu con tụt dốc xuống các phiến đá núi chon von ở thôn Pắc Đay, xã Công Sơn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.
Đi săn cá cóc trên đỉnh Mẫu Sơn. |
Đi cùng với nhóm phóng viên, còn có các cán bộ Công ty CP giống Lâm nghiệp vùng Đông Bắc (thuộc Bộ NN&PTNT). Trong một chuyến đi khảo sát thực trạng thảm thực vật trên đỉnh Mẫu Sơn, họ tình cờ phát hiện ra một loại bò sát sống lưỡng cư, có đuôi.
Bằng linh cảm nghề nghiệp cũng như đối chiếu, so sánh với các tài liệu khoa học có thể khẳng định đó là cá cóc. Cẩn thận hơn, các nhà khoa học trẻ ở xứ Lạng đã đem cá về Hà Nội, tìm gặp giáo sư đầu ngành về cá cóc tên là Lê Nguyên Ngật, giảng viên khoa Sinh, ĐH Sư phạm Hà Nội.
Giáo sư Lê Nguyên Ngật |
Giáo sư vui mừng cho biết: "Đây chính là loài cá cóc mà các nhà khoa học đã phát hiện ra ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Văn Bàn (Lào Cai), Chợ Đồn (Bắc Kạn) và động Tam Thanh (Lạng Sơn). Tuy nhiên, do mất sinh cảnh sống, bị săn bắt và hệ thống sông suối bị khai thác vô tội vạ nên loài cá cóc mai một dần, rất khó tìm và trở nên quý hiếm".
Chị Hoàng Mùi Lảy chỉ tay về phía lạch nước chảy từ đại ngàn Lặp Phịa rồi nói: “Cứ sau một cơn mưa to, con “Các Cò Vâng” (Tắc kè nước) lại ra ăn côn trùng. Bọn mình cứ việc nhặt lấy mang lên khu du lịch Mẫu Sơn để bán".
Đồng bào Dao gọi cá cóc bằng tên của địa phương vì nó giống con tắc kè, họ thường bắt về sấy khô như một vị thuốc cổ truyền để chữa hen suyễn và bệnh còi xương. Nhiều người còn ngâm rượu uống tăng cường “sức mạnh đàn ông”.
Cái đầm lầy nhỏ thó, ấy thế mà chúng tôi thọc tay xuống nước sâu đến khuỷu tay. Nước mát lạnh vì khí núi. Suốt hai canh giờ mò tìm, chúng tôi không bắt được con cá nào.
Chị Lảy giải thích: "Thường sau cơn mưa, cá lên bờ để nghỉ và đớp sâu bọ trong những lùm cây. Hôm nay, do trời mưa nhẹ, lại còn sớm nên nó chui xuống đáy bùn rồi, chập tối mới bò ra kiếm ăn”.
Tầm 17h, chúng tôi cảm thấy oải người. Mùi bùn có nhiều lá cây mục rất nồng. Bỗng nhiên ở một hẻm núi xuất hiện một cô sơn nữ, mỗi tay cầm một con vật hình thù rất lạ. Tôi sán lại xem thì thấy chúng có cơ thể thuôn dài, đầu hơi hẹp, miệng rộng, mắt lồi có mí động. Lưng màu nâu với nhiều mụn cóc to nhỏ. Dọc lưng có gờ lớn, bụng có nhiều mảng đỏ và da cam rực rỡ.
Người trong đoàn reo lên: “Cá cóc đấy!”. Cô sơn nữ người Dao tên là Triệu Thị Mai nhà ở thôn Nà Mìư, xã Mẫu Sơn tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy chúng tôi vui mừng và háo hức tranh nhau ngắm cá. Cô bảo: “Ở lạch nước cuối rừng còn nhiều con như thế này đấy”.
Thiếu nữ người Dao và những con cá cóc mới bắt được. |
Phải vượt qua nhiều bụi cây leo, nhiều hốc đá, chúng tôi mới đến được cái hang có rêu bám đầy, ẩm thấp. Theo tay chỉ của người sơn nữ, chúng tôi thấy một đôi cá cóc bơi tung tăng, ôm xoắn nhau rồi uốn lưng cuốn đuôi nhau.
Nhanh như cắt, Mai thò tay xuống nước tóm cả hai đưa chúng trước mặt tôi, nói một lèo bằng tiếng Kinh lơ lớ: “Con này, chân trước có 4 ngón, chân sau 5 ngón. Nó bơi được là nhờ cái đuôi này!”. Tôi thấy đuôi cá cóc có màu xanh mốc, ánh bạc pha chút vàng sáng trông rất bắt mắt.
Chị Lảy, chị Mai tỏ vẻ tự hào giới thiệu: "Con cá tắc kè nước này trước kia nhiều lắm. Nó tập trung sống ở bản Pắc Đay, Thán Dìu, Ngàn Pặc. Nhưng nhiều người bắt giỏi, mỗi ngày bắt đi 5, 6 con nên cá cứ ít dần đi".
Tối bắt được cá, sáng mai mang lên khu du lịch Mẫu Sơn bán cho khách, mỗi con 5.000 - 10.000 đồng. Đủ tiền mua một chai rượu uống cả ngày. Chị Mai cười ánh lên chiếc răng vàng trước miệng rồi hào phóng bảo: “Cho cán bộ người Kinh những con cá này đấy!”.
Giám đốc Hoàng Lê Minh đón lấy những con cá rồi nhẹ nhàng cho vào trong những chiếc lọ. Ông Minh bảo: "Năm 1943 nhà khoa học Bourret đã phát hiện ra loài cá cóc ở Việt Nam. Đây có thể coi là loài hậu duệ của khủng long còn sót lại. Chúng phải biến đổi hình dạng, kích cỡ và chọn những vùng chia cắt, hẻo lánh để tồn tại. Ví như những vùng theo kiểu “ốc đảo” ở Mẫu Sơn và Tam Đảo".
Chập tối. Chúng tôi rời khỏi Pắc Đay với những con cá cóc quý hiếm trong một hành trình lên non vất vả. Nhìn ngọn núi cao trong đó ẩn chứa nhiều điều kỳ thú, nỗi lo về sự mai một của loài cá nằm trong Sách đỏ bởi lũ quét và săn bắt tự nhiên của người dân bản địa đeo đẳng mãi chúng tôi suốt dọc đường về.
(Theo Tiền Phong)