![]() |
Sản phẩm sau một buổi săn chuột. |
Hoạt động săn bắt chuột ở Đồng Tháp Mười diễn ra quanh năm nhưng tập trung nhất là vào đầu mùa lũ. Khi nước tràn vào mặt ruộng, chuột đồng rút lên gò cao, sống nấp trong lau sậy um tùm hoặc làm tổ trên những thân cây tràm, cây gáo.
Người ta gọi hiện tượng này là "nước lên, chuột lên". Về huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) mùa này đã nghe râm ran chuyện bủa lưới giăng câu và… săn bắt chuột. Vùng này nhiều diện tích đất canh tác trũng lại có nhiều gò cao giữa đồng hoang đầy năn, đế, sậy, những khu rừng tràm bạt ngàn là nơi ẩn náu của loài chuột khi bị nước lũ “rượt”.
Dân bắt chuột ở Tháp Mười đã đạt đến mức chuyên nghiệp. Nghề bắt chuột cho thu nhập khá đồng thời cũng góp phần tiêu diệt bớt lũ chuột để qua vụ đông - xuân chúng đừng phá lúa… Ông Hai Kim, một lão nông ở xã Mỹ Hòa nói: “Đã vô mùa từ một tháng nay rồi. Trai tráng trong xóm bây giờ ban ngày vô đồng bắt chuột, chiều tối mới về nhà. Tụi nó làm rậm rịch vui lắm! Đứa nào cũng rủng rỉnh tiền từ nghề bắt chuột …”.
Bắt chuột mùa này ở vùng Đồng Tháp Mười có ba cách đơn giản mà độc đáo. Khi phát hiện chuột tập trung ở một gò đế, bờ sậy nào đó, người ta tiến hành bao lưới hoặc đăng tre xung quanh, có chừa những lỗ trống cài sẵn chiếc rọ. Xong xuôi rồi thả chó săn chuột vào “càn” đồng thời dùng sào tre chọc vào bên trong. Nếu gặp những nơi cỏ quá dầy thì dùng “hỏa công”, chuột chỉ còn có nước chui đầu vào rọ.
Người bắt chuột bằng cách này được gọi là “dân dí” (dí cù). Họ thường trúng lớn, đôi khi chỉ một gò mà thu được hàng trăm con chuột. Cùng bắt chuột trên gò cao còn có “dân bẫy”. Đây là những người dùng bẫy sắt, bẫy tre đặt theo lối cỏ rạch sẵn. Bẫy thường được đặt vào ban đêm, cứ sáng sớm là người ta đến gỡ bẫy bắt chuột. Riêng cách bắt chuột của “dân ná” có phần độc đáo và phạm vi hoạt động rộng hơn. Họ dùng chĩa đâm chuột ở trong cỏ, trên cây, dưới nước…
![]() |
Xuất quân |
Theo một nhóm “dân ná” ở Mỹ Hòa, PV Sài Gòn Giải Phóng thử làm một chuyến săn chuột Đồng Tháp Mười. Nhóm có 7 người và 1 con chó, đi trên 2 chiếc xuồng nhỏ, chống men theo những con rạch dẫn vào đồng sâu. Út Trì, người đàn ông nhỏ con, đen đúa, lớn tuổi nhất trong nhóm nói với tôi: “Tao phân công chú mày làm thợ giữ rọng. Ở đây đứa nào cũng có việc hẳn hoi, ba thằng chạy dàn ngoài, ba thằng cùng với con chó là thợ bắt chính”.
Không phải đợi lâu, sau gần 1 giờ chống xuồng, tôi chứng kiến ngay cảnh “dàn trận” bắt chuột đồng. Đầu tiên, con chó lùng sục phát hiện ra địa điểm có chuột - một bờ đất cặp theo cái đìa rộng có mấy cây gáo nhỏ bị bao phủ bởi dây leo. Thợ săn nhanh chóng cầm lấy chĩa sáu (6 mũi), sào, rọng chuột nhảy lên bờ. Họ đứng bao quanh khu đất trong thế sẵn sàng.
Anh thợ săn trẻ tên Minh đi cùng xuồng với tôi dùng sào chống xuồng rướn qua một rãnh nhỏ tiến vào đìa. Tay cầm sào, tay cầm chĩa, anh đứng tập trung quan sát. Trên bờ con chó gừ gừ cào cỏ, tiếng những người thợ săn la ó. Rồi… tũm… tũm, hai con chuột nhào từ trên bờ xuống đìa. Phập..., cây chĩa từ tay Minh nhanh chóng lao theo.
Lại nghe… phập... phập, tiếng mũi chĩa ăn vào cỏ, lá cây. Chưa kịp nhìn thấy chú chuột nào thì đã thấy những người thợ săn thu chĩa về, mỗi cây đều dính một chú chuột mình đầy máu, đầu ngoẹo một bên.
Tôi từng chứng kiến nông dân Đồng Tháp Mười dùng chĩa đâm cá lóc trừng nước lớn “bá phát bá trúng” nhưng vẫn chưa đến độ tài ba như những người thợ săn chuột này. Bởi lẽ, cá lóc nổi lên mặt nước thường ở trạng thái cố định còn loài chuột đồng khi bị ruồng chúng chạy lung tung, rất nhanh nhẹn, thậm chí lặn trốn dưới nước. Ấy vậy mà… kết thúc một cuộc “bố ráp” chưa đầy 15 phút, cả nhóm thu được 9 con chuột đồng béo nục, trong đó phần con chó ngoạm được 2 con.
Thấy tôi hết nhìn sản phẩm thu được, nhìn những cây chĩa rồi tấm tắc khen tài đâm chuột, những người thợ săn tỏ vẻ tự hào, anh Út Trì cười khà khà, cho biết: “Người ta gọi tụi tao là “dân ná” vì hồi trước, khi đi ruồng bắt chuột, có người đã dùng nạng giàn thun để bắn, dần dần dùng chĩa để phóng theo. Mấy tay mới vô nghề phóng “trật duộc” lắm! Làm riết rồi quen. Cái chính là phải tinh mắt quan sát kỹ, và mũi chĩa phải nhọn, cán chĩa phải vừa tay… chuột của tụi tao bắt được thường là “chết ngắc” nên phải mần thịt, đem ra chợ bán liền hoặc ướp sả ớt làm khô”.
Một sáng sớm mùa chuột đồng, tôi cùng một vài người bạn ở địa phương tìm đến “chợ chuột đầu mối” Trường Xuân. Mới 5 giờ mà ven kênh xáng thuộc khu vực chợ đã thấy 7-8 xuồng của dân trong đồng chở chuột ra bán. Họ khiêng từng rọng chuột đầy ắp lên bờ, nơi có thương lái chờ sẵn để đếm. Giá thu mua chuột sống hiện ở đây từ 7.000-8.000 đồng/chục con, tùy loại chuột to, nhỏ. Sau khi “sang rọng”, chuột được thương lái đưa lên xe lôi, xe honda tỏa ra các hướng Mộc Hóa, Cái Bè, Cai Lậy, Mỹ An, Cao Lãnh …
Một nông dân vừa đếm chuột xong đang ngồi rung đùi nhấm nháp ly cà phê đá ở một quán cóc ven đường. Anh chàng nông dân trúng mùa chuột này khoe đã mua được một bộ tràm cừ để sửa nhà trong mùa lũ này và “dư sức” sắm một chiếc xuồng, vài tay lưới tính chuyện mần ăn.
Săn bắt chuột đồng bây giờ quả là đầy hứng khởi, mặc dù sản lượng thu được chưa thấm gì so với thời Đồng Tháp Mười còn hoang hóa. Điều quan trọng là chuột hiện nay đã có thị trường rộng, nên săn chuột có thu nhập khá… Ngoài dân nông thôn miền Tây vốn sành điệu các món chuột đồng, dân nhậu ở thành thị đang có xu hướng khoái khẩu loại mồi này. Anh Chinh, một lái chuột tuyến đường dài Đồng Tháp Mười, Mỹ Tho, cho biết: “Mỗi tuần tôi bỏ mối cho các quán nhậu khoảng 1.000 chuột. Dân ở chợ bây giờ cũng sành lắm rồi! Nếu là chuột Đồng Tháp Mười to béo và “sạch” thì họ ăn nhiều lắm”.