![]() |
Một góc trong “khách sạn” tồi tàn, có hơn 70 người lao động thuê ngủ đêm |
“Bốp”, một người đàn bà đánh cái đụi vào vai tôi rồi cất giọng đặc sệt Bình Định: “Tìm chỗ ngủ hả, dứ (dưới) này toàn chị im (em), đàn ông nằm trên gác”. Tôi gật vội, rồi bước thẳng vào căn nhà số 17 A Nguyễn Thái Học. Vừa tới cửa, tôi đã hoảng hồn với tiếng kêu chin chít của lũ chuột hòa lẫn với tiếng ngáy ò ò của “dàn hợp xướng” gồm 50-60 người đàn bà. Rồi mũi tôi bị đánh sộc bởi cái mùi hăng hắc của rau răm trộn bánh tráng Tây Ninh, cộng với mùi mồ hôi ủ trong những bộ quần áo không giặt treo kín trên bức tường nứt nẻ.
Nhờ mấy bóng đèn trái ớt đặt trên bàn thờ phía cuối căn phòng tôi mới nhìn ra được cái thế giới rộng chừng 100 m2 này. 30-40 đôi quang gánh xếp thành hai hàng từ cửa ra vào đến chỗ cầu thang dẫn lên gác. Giữa hai hàng quang gánh là lối đi rộng chừng 20 cm nên muốn vào được thì phải nghiêng người bước theo kiểu sàn ngang (kiểu sang trái 3 bước, bước). Còn giữa hàng quang gánh và vách tường là cảnh ngủ hiếm thấy. Mấy chục người nằm san sát nhau. Người thì hai tay ôm bụng, hai gối nhô lên hoặc co quắp một bên. Giữa họ hình như chẳng có một cm trống nào.
Chưa kịp lên gác tôi đã quay ra cửa. Người đàn bà lúc nãy đánh vào vai tôi cười: “Sợ rồi hả? Nói đùa thui (thôi), nhìn cậu công tử quá, ngủ với dân nghèo này không nổi đâu”. Tôi ầm ừ, không dám phản đối. Người đàn bà cầm hai bao ni-lông to chạy vào nhà trùm lên đôi quang gánh đựng đầy cóc ổi rồi quay ra nói tiếp: “Ở đây muỗi, gián quá nên phải trùm lại, nếu không thì hư hàng mai khỏi bán. Cậu có dám ngủ chung với muỗi, gián, chuột không?”. Bà nhìn tôi như thách thức rồi lại hạ giọng: “Nhà bên này một đêm 6.000 đồng, nhưng ngủ phải cong gối, nhiều lúc thức dậy mà hai chân cứng đờ. Tôi nói thiệt, cậu muốn tìm chỗ ngủ sướng thì qua bên kia cầu, ở đó một đêm 7.000 đồng, ít người ngủ hơn nên thẳng được cái chân”.
Cả khu Cầu Ông Lãnh này có khoảng 10 căn nhà cho người lao động nghèo thuê ngủ. Nhà nào cũng ngột ngạt, ẩm thấp nhưng vẫn có 50 -150 người trú qua đêm. Đây là thời điểm người nghèo từ các tỉnh miền Trung bắt đầu đổ bộ vào TP HCM. Họ vào làm đủ thứ nghề để kiếm tiền lo Tết. Tháng chạp là tháng cao điểm nhất, có nhà chủ sẵn lòng nhét cả 200-300 người. Cứ sáng ra, họ phải nộp tiền ngủ cho chủ. Ai cũng 6.000-7.000 đồng như nhau nên càng nhiều người thì chủ nhà càng sướng.
Đang trộn rau răm với bánh tráng Tây Ninh bán cho tôi bỗng bà Huệ ngước lên nhìn ánh đèn đường: “Ở thành phố này có được cái giường nằm thì sướng quá con ơi!”. Tôi sửng người, lặng đi vì câu nói giản dị đó. Rồi chợt hiểu ra sở dĩ ở cái tuổi 55 nhưng lưng bà Huệ đã còng đến độ gãy gập, vì ngày nào bà cũng gánh hàng đi khắp các con đường trong TP, đêm lại phải nằm cong queo, chật chội trên những tấm ni lông trong căn nhà trọ chật chội. Giữa khuya, bà Huệ thở ra một tiếng nghe nặng trĩu: “Thấy người vào ngủ trong nhà mỗi đêm một đông hơn, dù bực nhưng không dám phản đối với chủ, vả lại ở đây toàn là người nghèo xứ miền Trung mình nên không nỡ xua đuổi. Nhiều hôm chật đến độ có người chịu không nổi phải chạy ra vỉa hè nằm. Thế nhưng sáng dậy cũng phải đưa tiền cho chủ nhà vì đồ đạc mình để trong đó mà”.
![]() |
Và sáng ra, thanh toán tiền cho chủ nhà. Bà C. (người ngồi) đang thu tiền. |
Đã 3h vẫn thấy vài người đàn bà chưa chịu ngủ mà vẫn còn quảy gánh lảng vảng trên cầu Ông Lãnh, tôi chạy lên bắt chuyện. “Bọn chị lấy hàng nhiều để bán, hết tiền nên nợ tiền ngủ, bị chủ chửi mắng rồi không cho ngủ nữa. Vậy là bây giờ phải thức trắng đi bán luôn”, nói xong mấy chị cười ha hả. Riêng chị mặc bộ đồ đen, mái tóc rối bời là im thin thít. Thấy ánh mắt tôi tò mò chị mới thều thào: “Nhà tôi ở Quảng Nam, trận lụt rồi, nước vào nhà cửa tan hoang em ơi. Thôi thì cứ ráng, tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy”.
Giả vờ đóng vai người đi mua chỗ ngủ, đến 1h30, tôi lọt vào mấy căn nhà ở hẻm 158 Cô Giang, 358 Nguyễn Công Trứ. Giật mình khi chứng kiến cái cảnh mấy chục người đứng ngáp ngắn ngáp dài chờ đến phiên đi tắm. Thấy tôi dáo dác một chị chừng 25 tuổi tủm tỉm: “Anh mới vào hả? Phải chịu cảnh này thôi, nhà gần trăm người, ai cũng đến khuya mới đi làm về mà chỉ có 2 cái phòng tắm. Nhiều bữa chờ không được có người ngủ luôn, ghẻ khắp người”.
Đến lượt tôi tắm. Bước vào, đóng cửa lại mới biết chỗ tắm cũng là chỗ đi vệ sinh. Quá sức hôi hám, mở cửa, tôi bịt mũi vội bước ra. Mấy người đứng đợi phía ngoài mừng rỡ: “May mà chú ra sớm, bọn tôi nín tiểu chờ từ nãy giờ”. Nghe xong câu đó chợt thấy tái lòng cho cái phận xa quê của người lao động nghèo miền Trung.
Cứ hơn 6h là bà C. (chủ căn nhà cho thuê ngủ trên đường Nguyễn Thái Học) bắc chiếc ghế nhựa, cầm quyển sổ, ngồi rung đùi trước cửa. Ai từ nhà bà ra cũng phải đưa 6.000 đồng rồi mới được đi buôn bán. Nhẩm tính cả buổi sáng có khoảng 70 người đi ra cửa. Làm phép tính đơn giản thì từ căn nhà ổ chuột này, mỗi tháng bà C. cũng bỏ túi tròm trèm 12-13 triệu đồng. Chưa kể dịp cận Tết, doanh thu có thể gấp đôi gấp ba số ấy.
Trong vai một người môi giới muốn tìm chỗ ngủ cho 10 người ở Quảng Ngãi mới vào TP, tôi tiếp cận với bà C. Bà đon đả: “Em vào xem nhà đi, Quảng Ngãi, Bình Định đều ở chỗ chị hết, thoải mái lắm. Bao nhiêu người vào ngủ chị cũng nhận hết. Miễn sáng ra phải đưa 6.000 đồng liền. Cửa chị mở suốt đêm, về giờ nào cũng được”. Tôi đòi hạ giá, bà lắc đầu nguây nguẩy. Biết mọi người trong nhà đã đi bán hết, tôi giả vờ hỏi: “Nhà chị đông người ngủ không?”. Bà im lặng. Lại hỏi: “Chính quyền ở đây có giới hạn số người thuê không? Ban đêm mở toang cửa vậy an ninh có bảo đảm?”. Bà lườm ngay: “Hỏi làm gì nhiều vậy! Đi chỗ khác đi!”... |
(Theo Người Lao Động)