![]() |
Chen lấn ở cửa lên máy bay để chiếm chỗ tốt. |
Nhưng rồi, ở phòng vé của Tiger Airways, giật mình khi nghe cô nhân viên xinh đẹp thông báo giá vé là 71 USD. Tai ù đi vì sự chênh lệch quá nhiều, khách vẫn cố thắc mắc thì được giải thích 25 USD chỉ là phần phí chuyên chở, còn thì phải đóng thuế, phụ phí xăng dầu, bảo hiểm...
Năn nỉ cô tìm cho chuyến bay nào rẻ hơn, cô nhân viên bắt đầu tỏ ra cố kiên nhẫn, đề nghị khách đưa ra thời gian khởi hành chính xác mới có thể biết giá vé được, mà đặt càng sớm giá càng rẻ.
Khi quyết định thay đổi thời gian đi vào một ngày bất kỳ của tháng 2/2006. Câu trả lời là cũng chỉ còn vé 68 USD hoặc hơn nữa mà thôi.
Tìm đến 306 Kim Mã (Hà Nội), văn phòng của TAA. Hai nữ nhân viên trẻ nổi bật trong màu áo đỏ rực, tận tình hướng dẫn khách chọn vé.
Nhưng với giá 25 USD thì bắt buộc phải xuất phát vào thứ tư hằng tuần và về vào thứ tư tuần kế tiếp (tuy nhiên giá vé phải trả vẫn là hơn 70 USD cho hai chiều đi về, vì thêm cả thuế phụ thu xăng dầu, phí bảo hiểm).
Còn nếu theo lịch trình đã chọn thì chỉ có giá 104 USD cho một vé khứ hồi. Khi ngỏ ý muốn chọn ngày khác, hy vọng mua được giá rẻ hơn (theo quảng cáo của TAA, mỗi chuyến bay đều có 30% vé giá 25 USD), câu trả lời là: Vé 25 USD đã được khách đặt hết.
Phạm Hồng Trang và Lê Thị Hà hai sinh viên VN đang học tại Thái Lan cho biết các bạn chỉ mua được vé một chiều Bangkok - Hà Nội với giá hơn 50 và hơn 60USD, chứ không ai may mắn mua được vé 25USD, dù đã săn lùng trên mạng.
Còn với những quảng cáo đại loại 10.000 vé 6USD cho chặng bay Singapore - VN của TG, chị Thu Trang, giáo viên một trung tâm ngoại ngữ nước ngoài đặt tại VN, nói: "Chỉ là tuyệt chiêu quảng cáo thôi. Mình cũng đã hăm hở vào mạng đặt mua vé, định cho cả gia đình đi chơi Tết nhưng họ chỉ bán vé trong vòng 4 ngày, thời gian bay cách hàng tháng so với thời điểm đặt vé nên đành chịu...". |
Cô nhân viên TAA không đưa ra văn bản quy định nào, nhưng cũng thông báo là không được phép mang đồ ăn lên máy bay, nếu không sẽ bị yêu cầu bỏ lại. Cô đưa ra một tờ bảng giá đồ ăn phục vụ trên máy bay.
Khi đọc thấy một chai nước 30 baht - khoảng 12.000 VND, một cốc mì tôm giá 70 baht - khoảng 24.000 VND. Còn TG quy định rõ bằng văn bản không được phép mang theo thức ăn lên máy bay. Bay mất 4 tiếng mới sang đến nơi, không ăn thì chịu sao nổi.
Cô bán vé có vẻ thông cảm: "Các chị có thể mang thức ăn theo, nhưng phải bọc kín và ăn lén thôi".
Đã bước chân vào vòng hàng không giá rẻ, bạn đừng mơ lấy lại được tiền. Nếu không muốn bay ngày này ư? Cũng được đổi, nhưng mời xì thêm 18 USD với TAA và với TG thì là số tiền chênh lệch của giá vé trong thời điểm đổi một cái tên cũng 18 USD.
Một cách giữ chặt khách hàng, chỉ có đường vào mà không có lối thoát hết sức tinh vi. Nếu bạn không muốn mất tiền thì buộc phải bỏ thêm tiền. Kiểu gì khách hàng cũng chỉ nắm được cái lưỡi dao. Vậy nên một lời khuyên hết sức chân thành là nếu không có lịch trình chính xác, chớ dại đặt vé trước. Còn nếu như bạn muốn rẻ hoá đắt thì cứ thử đi.
Bà Lê Thu Thuỷ ở 15 Nguyễn Hữu Huân kể, lần trước vợ chồng bà cực kỳ hên khi mua được vé khứ hồi hơn 70 USD. Nhưng vì đưa chồng sang chữa bệnh tại Singapore nên ngày về bà làm sao biết chính xác, mà cứ nhất thiết phải mua vé khứ hồi, nên vé hai chiều hoá một. Vậy mà bà vẫn hỉ hả kể là mua được vé rẻ hơn lần đi này phải mất những hơn 150 USD cho một vé khứ hồi. Hành khách đã tự nguyện chìa túi tiền ra để bị móc mà vẫn sung sướng vì được mua giá rẻ.
Có đi trên những chuyến bay giá rẻ mới thấy hết những hành vi, cử chỉ văn minh, lịch sự dường như bị lãng quên ở đâu đó. Mặc dù chưa có thông báo mà mới chỉ là một hồi chuông, nhưng tất cả hành khách, không kể già trẻ, gái trai, tây ta... đều ùa ra xếp hàng. Các nhóm cùng đi, chỉ cử một người xí chỗ, còn lại ngồi chờ đến khi bắt đầu cho vào cửa lên máy bay, thì dòng người phía trước bỗng phình ra một cách ngoạn mục.
Một anh chàng cậy mình là thanh niên chạy trước chiếm chỗ gần đầu hàng nhưng chỉ 3 phút sau liền bị đẩy bật xuống gần cuối. Nếu mỗi người có một số ghế cụ thể trên máy bay như các hãng hàng không dịch vụ đầy đủ, thì chắc chắn những người sinh ra ở cái nôi văn minh sẽ không bao giờ "bỏ rơi" lịch sự như thế.
Xếp hàng đã nhốn nháo vậy, lên máy bay mới càng ngộ hơn. Không khí trên máy bay rất ngột ngạt dù điều hoà khá lạnh. Có lẽ vì cắt giảm chi phí nên các chuyến bay không làm vệ sinh sau khi trả khách mà đón khách lên ngay, nên máy bay không mấy sạch sẽ. Các hàng ghế cũng quá gần nhau, đến nỗi ngay cả "ông ta" cũng không ngồi để thẳng được đầu gối mà phải bắt tréo chân lên. Còn "ông tây" thì đương nhiên là không còn cách nào khác ngoài chiêu thò chân ra chiếm dụng lối đi chung...
Xét cho công bằng, hàng không giá rẻ cũng có những ưu điểm nhất định. Anh Trần Mạnh, chuyên gia phần mềm đang ở Singapore, nói: "Năm 2000 khi tôi mới sang Sing, giá vé tới 700 USD. Làm bao nhiêu tiền, vé đi về ngốn hết. Bây giờ đi bằng TG chỉ mất 150 USD, quá dễ chịu! Mình đi về thường xuyên nên đâu cần dịch vụ hạng sang. Chỉ cần "nó" chở mình đi đến nơi về đến chốn thôi là OK".
Hàng không giá rẻ cũng là bạn đồng hành giúp các công ty du lịch hạ giá tour một cách đáng kể, mở rộng cơ hội đi du lịch nước ngoài cho cả tầng lớp bình dân. Ngay cả với dân VN ôm mộng "ta balô", hàng không giá rẻ là một phương tiện vận chuyển thích hợp.
(Theo Lao Động)