![]() | |
Con số đầy ấn tượng này sẽ không dừng ở đây trong những năm tới, đặc biệt với chiến lược tiếp thị của các trường từ bậc phổ thông, cao đẳng dạy nghề, đại học... Ngôi trường John Paul nằm cách trung tâm thành phố Brisbane (thuộc bang Queensland, Australia) độ hơn 30 phút đi taxi. Ngôi trường tư nhân này có khoảng 2.700 học sinh từ bậc mẫu giáo đến trung học, trong đó có 350 học sinh quốc tế đến từ nhiều nước khác nhau. Tại đây, tôi có dịp gặp lại gương mặt khá quen thuộc, Nguyễn Quốc Nam Phương, cựu học sinh Trường Thực nghiệm sư phạm (quận 5, TP HCM) và cũng là học sinh đạt chứng chỉ Anh ngữ ECPE của ĐH Michigan (Mỹ) khi mới 13 tuổi. Nam Phương đến với Trường John Paul được khoảng hơn bốn tháng, bằng học bổng toàn phần (hết bậc trung học) của trường này. Nam Phương cùng nhóm học sinh trong lớp đang thuyết trình về dự án sử dụng năng lượng mặt trời. Trong nhóm, Nam Phương đảm trách vai trò là một kế toán cho dự án. Cô bé cho biết thầy giáo cho giá cả vật tư, rồi nhóm phải tính toán mọi thứ chi phí đầu tư, khấu hao... cho dự án. Mỗi học sinh ở John Paul đều có máy tính xách tay, nối mạng không dây. Hầu hết bài giảng đều được đưa lên web của trường. Theo Nam Phương, thời lượng học lý thuyết chiếm khoảng 1/3 thời gian học, phần còn lại là thực hành với những tình huống thực tế nhằm rèn luyện kỹ năng thuyết trình, lập kế hoạch hay những dự án... Ngoài Nam Phương, tại Trường John Paul còn có hai học sinh VN khác là Thiều Hằng My (cựu học sinh lớp 11 Trường Chu Văn An, Hà Nội) và Trần Thị Thanh Xuân (cựu học sinh lớp 11 Trường Mạc Đĩnh Chi, TP HCM). Cả My và Xuân đều đi học tự túc và phải qua khóa học tiếng Anh dành cho học sinh quốc tế trước khi vào học chính khóa tại trường. Với hai bạn, ấn tượng nhất là được học tập trong môi trường năng động, kích thích sáng tạo và phương pháp giảng dạy chuyên nghiệp, khoa học. Song chi phí học tập tại Trường John Paul lại không dễ chịu chút nào đối với mặt bằng thu nhập của người dân VN: học phí 3.000 AUD/học kỳ (1 AUD bằng khoảng 12.000 đồng); bảo hiểm y tế 324 AUD/học kỳ, phí sử dụng máy tính xách tay 250 AUD/học kỳ. Tính sơ sơ mỗi học kỳ một du học sinh mất cả nghìn AUD. Đó là chưa kể chi phí ăn ở, sinh hoạt, đi lại... cũng rất đắt đỏ. Tại bang Victoria, mỗi học sinh có trong tay khoảng 180-220 AUD là có thể trang trải chi phí ăn ở, sinh hoạt trong một tuần. Trong khi đó, tại Trường trung học Williamtown (bang Victoria) cũng có mặt những học sinh VN ở bậc phổ thông. Em Nguyễn Thanh Trang, học sinh lớp 11 trường này, nhà ở quận Tân Phú (TP HCM), mới sang Australia học khoảng hơn năm tháng. Thanh Trang cho biết sẽ chọn học ngành thiết kế ở bậc đại học nên lớp 11 Trang học sáu môn: vẽ mỹ thuật công nghiệp, hai môn toán, kế toán, tiếng Anh và tiếng Việt. Chi phí học tập cho năm lớp 11 của Trang khoảng hơn 11.000 AUD. “Với những kiến thức đã học tại trường, Trang có thể quản lý được một cửa hàng nho nhỏ”, Trang tự tin khẳng định. Còn Lâm Nhã Thi cũng rời Trường chuyên Trần Hưng Đạo (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) đến học lớp 11 tại Trường Williamtown. Thi đã chọn hướng ngành kinh tế. Thông thường học sinh lớp 11 và 12 sẽ chọn một ban như ban thương mại, khoa học hoặc nghệ thuật... Học sinh chỉ học năm hoặc sáu môn trong năm; mỗi môn học gồm hai tín chỉ. Tại bang Victoria, có hơn 160 trường trung học công lập như Trường Williamtown. Tất cả các trường này có nhận học sinh quốc tế. Bên cạnh đó là vô số các trường cao đẳng thuộc hệ thống dạy nghề của Australia (TAFE) và tám trường đại học lớn. Nhiều trường cao đẳng dạy nghề liên thông lên đại học. Theo thống kê của Cơ quan giáo dục quốc tế Australia (AEI), tại thời điểm tháng 2 có 769 học sinh đang học tại các trường phổ thông ở Australia. Nhưng đáng chú ý là con số này tăng 41% so với cùng kỳ năm 2005. Và cũng có khá nhiều học sinh VN tìm kiếm cơ hội học tập tại các trường cao đẳng thuộc hệ thống dạy nghề của đất nước này, với mức học phí và chi phí sinh hoạt đến hàng nghìn AUD mỗi tháng...
(Theo Tuổi Trẻ)
|