Không lâu sau tiếng vang của phim cổ trang Mộng hoa lục, Lưu Diệc Phi tiếp tục tái ngộ khán giả qua 40 tập phim Đi đến nơi có gió. Lần này, cô trở thành Hứa Hồng Đậu, cô gái ngoài 30 tuổi, làm quản lý ở bộ phận lễ tân của một khách sạn 5 sao tại Bắc Kinh. Cuộc sống của Hồng Đậu luẩn quẩn trong vòng quay cơm áo gạo tiền. Đúng lúc ấy, người bạn thân nhất Nam Nam của cô phát hiện mắc ung thư giai đoạn cuối rồi ra đi đột ngột, để lại vết thương lòng sâu sắc cho Hồng Đậu. Cô nghỉ việc, từ bỏ cơ hội lên chức đang trải ra trước mắt để đến vùng Đại Lý, Vân Nam sống ba tháng.
Qua trailer được tung ra trước ngày phim chiếu, Đi đến nơi có gió gợi cảm giác như Hometown Cha Cha Cha phiên bản Trung Quốc, bởi câu chuyện cũng theo chân một cô gái hiện đại bỏ phố về quê, trải nghiệm đời sống của dân bản địa. Nhưng vào phim, kịch bản cho thấy câu chuyện hoàn toàn khác. So với series phim Hàn Quốc ăn khách năm 2021, bộ phim của Lưu Diệc Phi ít tính truyện hơn, hạn chế đặt nhân vật vào các tình huống va chạm dễ xảy ra mâu thuẫn.
Cuốn phim truyền hình Hoa ngữ mang màu sắc của phim quảng bá du lịch nhiều hơn. Theo chân Hồng Đậu, cảnh sắc Vân Nam trải ra hút mắt với đồng cỏ rộng lớn, những con đường nhỏ và dốc phủ bóng cây xanh, những căn nhà gỗ tĩnh lặng, những tiệm cafe xinh xắn. Âm hưởng phim lãng đãng như hòa cùng một điệu với đời sống thư thả, không khí trong lành của vùng non nước phía Nam Trung Quốc.
Không chỉ điểm qua các công việc mưu sinh quen thuộc của bà con nơi đây như thêu thùa, khắc gỗ, nuôi ngựa, bán hàng thủ công, bộ phim còn dành nhiều khung hình đặc tả các món ăn, kỹ thuật nấu nướng đặc trưng của dân bản địa. Đời sống quần cư, tình làng nghĩa xóm nồng ấm và tinh thần hiếu khách là những nét đẹp văn hóa được tôn vinh qua từng tập phim.
Đi đến nơi có gió không mang nhiều tình tiết như phim truyền hình thông thường. Tác phẩm liên tục lồng nhạc trên nền cảnh sắc thiên nhiên, hoạt động của con người, do đó dễ gây cảm giác dàn trải và lê thê. Nhưng đổi lại, hình ảnh, không khí phim mang đến sự thư thái cho người xem.
Điều này cũng phù hợp với nhân vật Hồng Đậu. Lúc còn sống, Nam Nam ao ước đến Vân Nam, ăn bằng hết đặc sản của vùng này. Hứa sẽ đi cùng bạn nhưng Hồng Đậu thất hứa hết lần này đến lần khác vì mải mê công việc. Cô đến đây như để bù đắp cái hẹn vĩnh viễn không thể thực hiện cùng tri kỷ. Nhưng đây cũng là cơ hội để Hồng Đậu thoát khỏi khuôn khổ đời sống đã lặp đi lặp lại cả chục năm nơi thị thành, đưa cô tìm kiếm cuộc sống cô thực sự mong muốn.
Ngày trước, Nam Nam và Hồng Đậu cùng sống trong một thành phố nhưng cả năm chỉ gặp nhau được đôi ba lần. Lần nào họp mặt, đôi bạn cũng than thở làm mãi không hết việc nhưng tiền kiếm chẳng biết đến bao giờ mới đủ. Nhà mãi không mua được, xe không sắm nổi, tình yêu cũng lỡ làng hết mối này đến mối khác. Riêng Hồng Đậu đến thời gian nấu một bữa cơm tử tế cho chính mình cũng không có. Đồ ăn thức uống được cho, cô tống cả vào tủ lạnh rồi như bị xóa ký ức. Đến lúc lục lại, cô mới tá hỏa thứ nào cũng đã quá date vài tháng, nửa năm. Đến một lúc, hai người bạn tự hỏi liệu có nên nghỉ việc hay không.
Rời bỏ nếp sống đã thành thói quen và công việc đang đà thăng tiến không phải lựa chọn dễ dàng với Hồng Đậu. Những ngày đầu nương náu ở Vân Nam, hễ ai hỏi đến đây làm gì, sao không đi làm, cô chỉ cười nhạt và bảo muốn nghỉ ngơi. Mỗi ngày, cô thảnh thơi tản bộ, ghé tiệm cafe này, thử món ở quán ăn kia, ngắm nghía sông hồ, quan sát dân chúng. Có lẽ chính Hồng Đậu cũng không ngờ sẽ có khoảnh khắc, chỉ lặng im ngồi dưới một gốc cây cũng đủ làm cô rơi nước mắt, giải tỏa những nỗi buồn dồn nén trong tâm.
Trong khi Hồng Đậu và vài vị khách phương xa rời phố về làng, nhiều thanh niên địa phương tìm đường bỏ quê ra phố. Câu chuyện của mỗi người được khắc họa hoặc sâu hoặc nông, hoặc chi tiết hoặc lướt qua. Giữ thái độ trung lập, biên kịch và đạo diễn chỉ kể chuyện một cách đa chiều mà không đưa vào sự đánh giá với từng cá nhân. Điều này tạo nên bức tranh đa sắc và phù hợp với xu hướng dịch chuyển của người trẻ trong xã hội Trung Quốc đương đại.
Giữa khung cảnh mỹ lệ như biên thơ dệt mộng của vùng núi Vân Nam, Lưu Diệc Phi thanh thoát tựa nàng thơ thả từng bước chân. Ở tuổi 35, cô vẫn giữ thần thái xứng danh "thần tiên tỷ tỷ" của phim Trung Quốc, lại có những bộ cánh thời thượng, hợp cảnh. Lần đầu đóng cặp, Lưu Diệc Phi và Lý Hiện khá xứng đôi, ăn ý, không lộ khoảng cách tuổi tác. Ở các tập đầu của phim, vai diễn chưa đặt ra nhiều thử thách về diễn xuất cho Lưu Diệc Phi.
Ngoài ra, nhân vật cũng thiếu thuyết phục ở điểm quá dễ dàng nhập cuộc với đời sống nơi xa lạ. Vốn là người vội vã nhưng Hồng Đậu lập tức sống chậm lại khi "về nơi có gió". Ngày trước, cô hay phàn nàn Nam Nam mải chụp hình "cúng mạng xã hội" trước mỗi bữa ăn. Giờ đến Vân Nam, cô bỗng nhiên nhiễm thói quen này mà không có bước chuyển biến. Đó là một điểm khuyết của phim.
Theo chân Lưu Diệc Phi qua từng tập phim Đi đến nơi có gió, người xem có dịp thưởng ngoạn cảnh đẹp, món ngon của bà con dân tộc ở Vân Nam. Hình ảnh, câu chuyện phim cũng dễ kích thích vị giác của khán giả, làm người ta muốn ăn hết những món trứ danh của núi rừng Trung Quốc. Series thuộc dòng phim chữa lành - xu hướng phim được ưa chuộng ở một số nước châu Á những năm gần đây. Giữa đời sống 4.0 cái gì cũng tiện lợi, gấp gáp, những cuốn phim thế này xoa dịu tâm hồn khán giả.
Phong Kiều