Thực phẩm khô Trung Quốc bán ngoài chợ. |
Sau khi báo đăng, người dân TP HCM cũng rất hoang mang vì không biết liệu các sản phẩm đó đã có mặt TP HCM chưa?
Theo ghi nhận tại chợ Bình Tây, An Đông, Thị Nghè những ngày qua, tại các quầy hàng thực phẩm khô được nhập từ Trung Quốc như táo Tàu, kim châm, hạnh nhân, măng tây, nấm đông cô, bạch quả… phần lớn là những loại hàng hóa không có bao bì, không nhãn mác, không hạn sử dụng.
Dạo qua hàng bánh kẹo, ở đâu cũng thấy bày bán bánh kẹo Trung Quốc. Tất cả đều được bán ký và không có nhãn mác, hạn sử dụng. Chỉ hơn mỗi một điều, so với các loại bánh kẹo nội địa, bánh kẹo của Trung Quốc giá rẻ, bao bì bắt mắt vì đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng.
Người bán hàng thì bảo vậy còn người tiêu dùng thì đánh giá là… ăn được, ăn cũng ngon... nên bánh kẹo Trung Quốc khá rôm rả người mua kẻ bán. Chị Nguyễn Thị Phượng, chủ hàng tạp hóa số 139 Phan Văn Hân, Bình Thạnh cho biết, những mặt hàng bán chạy nhất là những loại bánh được biết đến dưới cái tên “bánh gạo, chocolate hoa hồng, xí muội, kẹo trái cây mềm, kẹo giấy bóng…”.
Bánh gạo có giá bán lẻ 42.000đồng/kg, kẹo trái cây mềm giá 31.000đồng/kg, xí muội bạc giá 18.000 đồng, chocolate hoa hồng giá 40.000 đồng... rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm trong nước. Chúng tôi hỏi mua xí muội bạc (hàng Trung Quốc) giá bán lẻ 1.000 đồng/3 viên. Là chỗ quen biết, chị Phượng ngăn “dù có ngon nhưng thôi đừng ăn, ai mà biết họ ngâm tẩm gì trong đó”.
Các loại bánh mứt của Trung Quốc, nếu có đóng hộp thì bên ngoài vỏ hộp chỉ toàn chữ Trung Quốc, không hề có một dòng chữ tiếng Việt nào. Thắc mắc với người bán hàng về hạn sử dụng còn hay hết thì chị Nguyễn Thị Thu Hương, chủ sạp bánh kẹo T.H. số 6 chợ Bình Tây nói: “Ở đây buôn bán chủ yếu dựa trên sự tin tưởng nên chị nói ngon là ngon, không sợ đâu. Cả trăm người ăn chứ bộ một mình em sao mà sợ?..”. Thật vậy, dù không hề biết nó được “bào chế” từ loại nguyên liệu gì, sản xuất ở đâu, hết hạn sử dụng chưa… nhưng các loại thực phẩm Trung Quốc rất hút hàng. Thế mới thấy người tiêu dùng bình dân cũng khá... dễ tính.
Bên cạnh bánh kẹo, trên thị trường còn đang lưu hành một số loại nước ép trái cây với các hương như dứa, dâu, xoài, táo, nho… đóng hộp xuất xứ từ Trung Quốc về với rất nhiều màu, mùi vị khác nhau. Giá của các loại này từ 4.000đồng/hộp trở lên, bao bì và mẫu mã rất đẹp nhưng không có nhãn tiếng Việt kèm theo. Ngoài ra, hiện còn có loại sữa hương trái cây của Trung Quốc với cái tên Nuti Express mà người bán thường gọi đây là sữa “công dụng nhanh”. Giá bán lẻ của Nuti Express từ 10.000 đồng - 11.000đồng/chai loại 500ml.
Trong vai người sắp mở tiệm bán trà sữa trân châu, chúng tôi đến chợ Bình Tây hỏi mua nguyên liệu chế biến trà sữa. Người bán hàng ở shop Bích Ngọc nói:“Có nhiều loại lắm, em mua loại nào? Mua bao nhiêu ký?” Tôi bảo mua vài ký thì người bán bảo: “Giá mỗi ký bột trà sữa trân châu từ 6.000 đồng - 8.000 đồng nhưng không có hàng sẵn ở đây. Nếu em mua với số lượng lớn, khoảng vài chục ký hoặc cả tạ thì chị chở thẳng đến nhà cho nhưng em phải trả tiền chuyên chở vì mỗi ký chị chỉ lời có 200 đồng thôi…”.
Khi chúng tôi hỏi mua các thực phẩm chay của Trung Quốc như mề, tôm, chả, nem… Trung Quốc, nhiều chủ hàng lắc đầu bảo không bán. Người bán hàng tỏ ra khá thận trọng trước những câu hỏi liên quan đến các loại thực phẩm này sau khi có thông tin cơ quan chức năng đã bắt giữ, lập biên bản và tịch thu thực phẩm chay đóng gói không có nguồn gốc xuất xứ ở chợ Hôm Đức Viên…
Chị Lê Ngọc Hoa, ở số 86B/1 Phan Văn Hân, Bình Thạnh kể lại: “Từ ngày tôi chứng kiến bà Tư bán hàng trái cây đầu hẻm lấy… keo dán sắt dán cuống lá cho trái quýt của Trung Quốc và nghe bà bảo mấy chủ vựa trái cây hướng dẫn bà làm như thế là tôi sợ trái cây Trung Quốc luôn”.
Tổng kết mới nhất về tình hình ngộ độc thực phẩm tại TP HCM năm 2006 có 24 vụ ngộ độc tập thể khiến 2.685 người mắc, 4 người tử vong. Trong khi đó, các thực phẩm ăn liền, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, thức ăn đồ uống chế biến ăn ngay… đều không đạt chỉ tiêu về vi sinh, nhiễm vi khuẩn hiếu khí, E Coli…
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)