8.000 đồng cho 1 quạt máy... chạy tốt. |
Những người thường xuyên đi chợ rác cho biết rác ở đây rất phong phú, đa số là những mặt hàng điện gia dụng, “dế” (ĐTDĐ) cầm tay đã qua sử dụng được người bán đích thân đi đánh hàng từ tờ mờ sáng từ các trung tâm cầm đồ, con nghiện hay thu gom từ các đống ve chai.
Sau đó loại nhôm, nhựa sẽ được bán liền cho chủ vựa, số “rác”, còn lại họ xe chạy ra chợ rác khi thấy có khả năng biến rác cứng thành mềm. Rác được tải về chợ mỗi ngày cực kỳ đa dạng và hấp dẫn từ tivi, tủ lạnh, máy may, đầu đĩa, vi tính đến những thứ linh tinh của xe máy, xe đạp tất cả đều có mặt tại chợ.
Cái quan trọng nhất khi đi chợ rác là bạn phải có con mắt am hiểu, biết xem rác để phân biệt được đâu là rác cứng (loại rác chỉ còn cái vỏ, không thể tái sử dụng) với rác mềm (có khả năng phục hồi để sử dụng), rác độc (hàng hiếm dành cho người sưu tầm đồ cổ, vẫn còn hoạt động tốt). Chính vì thế trong túi người đi mua rác chuyên nghiệp bao giờ cũng có tuốc vít, kềm và hộp bút thử điện.
Chợ rác trên đường Hùng Vương nổi tiếng là nơi bán “dế”, nhưng nếu thiếu cẩn trọng người mua dễ dàng biến thành nạn nhân của những con “dế” lụi. Họ thường dùng thủ đoạn cho khách xem loại “dế”, nạp sim card gọi êm ru, sau đó khách trả giá họ cò kè tiếc rẻ rồi bất ngờ đồng ý bán khi đã đánh tráo “con dế” với mẫu mã, trọng lượng y hệt nhưng ruột làm bằng sắt. Nếu khách hàng phát hiện, họ viện lý do nhầm hàng trưng, còn không kiểm tra thì xem như bạn đã bị “xơi tái”. Tuy tai tiếng nhiều, nhưng người mua vẫn tiếp tục bị sập bẫy bởi cái giá “rẻ bất ngờ” mà họ đưa ra.
Chợ hàng điện gia dụng trên các cung đường Nguyễn Kiệm, Trần Bình Trọng, Đinh Tiên Hoàng hút người mua hơn bởi chữ tín và mặt hàng đa dạng. Giới sinh viên ra mua hàng về tự sửa chữa để dùng lại như một bài thực hành rất ý nghĩa cho môn học khi mày mò tìm đường dẫn, đoán bệnh để phục hồi chức năng sử dụng của “rác”.
Anh Hùng (nhà ở phường 15, quận 11) cho Công An TP HCM biết anh ra đây hàng ngày để đi tìm phụ tùng xe gắn máy. Theo anh gặp được hàng cần lại được giá rẻ nên lợi tức sẽ được nhiều hơn tí chút. Hành nghề sửa xe máy, ngoài việc ra chợ tìm nguồn phụ tùng, anh Hùng còn mua đi bán lại tại chỗ những loại rác mình biết thị trường đang cần. Anh cho xem hôm nay mua được 3 pô xe, một máy hát và hai lốc máy Honda chỉ vỏn vẹn 62 nghìn đồng.
Ngay cả sinh viên giỏi về điện tử cũng thi thoảng nhận sô mua một vài món về sửa lại bán cho bạn với giá mềm nhưng vẫn có lãi. Hoài An nhớ lại quãng ngày sinh viên ra chợ rác của anh. Giờ đã là trưởng phòng kỹ thuật của một công ty vi tính nhưng anh vẫn khó lòng quên được những ngày ở chợ rác. Chính từ sự rèn luyện với những loại rác “cứng đầu” mà An đã có kinh nghiệm trong việc sửa chữa đoán bệnh máy tính để lên được chức trưởng phòng kỹ thuật. An cho biết bí quyết để mua được hàng ở chợ rác là phải biết làm ngơ khi thấy mặt hàng mình cần xuất hiện. Vì người bán tinh lắm, lộ ra tý xíu là họ biết ngay và thế nào cũng đòi tăng giá. Bởi ai cũng biết tuy là “rác” nhưng lại toàn hàng độc. Biết cách sửa chữa phục hồi thì vẫn chạy tốt. Nhiều xe rác ở đây còn buôn cả mặt hàng rác cứng (loại hư hỏng nặng, chỉ còn vỏ, mang tính sưu tập) để chiêu mộ các tay chơi đổ về tìm hàng cho bộ sưu tập. Đầu tháng 7 vừa qua, người ta vẫn xầm xì về chủ xe Út Tư khi anh này ôm một đĩa hát lỗi thời to đùng như cái nón được một nam ca sĩ đi ngang ghé lại mua với giá 1,6 triệu đồng trong khi chủ xe được biếu không khi đi gom “rác” ở một căn hộ tận Gò Vấp.
Khách tìm đến chợ đa dạng, từ người đàn ông béo tròn đi xe @ đến anh sinh viên trên đường đi học về cũng tạt ngang vì không cưỡng lại được sức hút từ những loại rác được chất đầy trên các xe ba gác, trên các cặp táp di động với tiếng dế í ới mời gọi đủ kiểu dáng lẫn màu sắc quyến rũ.
Theo chân nhóm sinh viên trọ học trên đường Nguyễn Trãi, PV đến chợ rác. Đậu xe phía đối diện cổng Trường Sư phạm thực hành, cả nhóm ngồi án binh tại quán nước mía, đảo mắt liên tục chờ “rác” về. Hôm nay, họ đi kiếm quạt máy và nồi cơm điện. Minh Quang (sinh viên khoa kinh tế, năm 2) bộc bạch: Tụi em ở trọ nên mua đồ mới thì đắt quá. Cứ ra đây chọn những cái mình cần, giá lại rẻ, mua về biết sửa lại chút ít là dùng được. Mai mốt có thay đổi chỗ ở cũng chẳng sao. Tại chợ rác, thấy sự hiện diện của khá đông sinh viên nam ra đây tìm rác thích hợp. Có anh kiếm được rác cả bếp gas mini giá 6.000 đồng cho cô bạn gái nữa. Anh chàng ôm bếp đi dọc phố với nụ cười thật mãn nguyện.
11h5, giờ G đến, đồng loạt các xe chở “rác” hạng bèo đến sang xuất hiện. Mọi ánh mắt đổ dồn về chiếc ba gác chở bộ bàn còn rất đẹp. Nhiều xe máy đã vây lấy người bán. Anh này ra giá 500.000 đồng, sau đó mọi người tranh nhau trả. Cuối cùng được bán với giá 390.000 đồng, nếu so với giá thị trường thì chỉ bằng 1/8 mà thôi. Mọi cặp mắt của nhóm sinh viên đi cùng vẫn đảo liên tục vì chưa thấy hàng mình cần.
Bỗng Vinh la lớn: “Gọi xe đó lại”, ngước nhìn theo cái chỉ tay thấy 3 quạt máy, một tivi màu đỏ cùng kềm, kéo, rơmốt tivi, cả một đĩa hát nằm chỏng chơ phơi mình giữa cái nắng trưa hè gay gắt. Cả nhóm xà tới, chọn chiếc quạt màu nâu xỉn, Vinh nhanh nhẹn lấy tuốc vít từ túi quần ra để xem thử chất lượng. 3 sinh viên đứng cạnh chắc lưỡi “hàng thấy ghê quá!”. Xem độ 7 phút, Vinh ra giá 8.000. Người bán quả quyết về biết sửa chạy êm lắm và cuối cùng cả nhóm đồng ý mua với cái giá 10.000 đồng.
Còn đối với mặt hàng cao cấp như điện thoại di động, máy tính xách tay, kim từ điển thì kén khách hơn. Người bán thường tập trung trên đường Hùng Vương là chủ yếu và đây cũng là chợ “rác” mang nhiều tiếng xấu với nhiều trò gạt khách tinh vi. Đi chợ này ngoài tay nghề cứng, bạn nhất định thận trọng tối đa để khỏi sập bẫy, vì chúng gài người rất tốt nhằm bán bằng được món hàng.
Khác với chợ “dế”, những người đến bán ở chợ rác trên đường Trần Bình Trọng, Nguyễn Kiệm, Đinh Tiên Hoàng đa phần từ quận 8 sang. Mỗi ngày thu nhập khoảng vài chục đến trăm nghìn đồng. Họ là dân lao động nghèo, từ sáng sớm đã thức dậy cùng vợ đèo con tỏa ra khắp các nẻo đường để thu mua hàng từ sắt vụn đến phế liệu. Sau đó hàng sẽ được phân loại bởi kinh nghiệm để bán liền cho chủ vựa hay mang ra chợ rác mong gặp được người cần thì sẽ bán được với số tiền nhỉnh hơn.
Phiên chợ hoạt động khá sôi nổi, nhưng không ồn ào vì người mua thì tập trung rà soát chất lượng nên hiếm lắm mới có cãi cọ ở đây. Nhưng vì chợ họp vào giờ trưa trước cổng trường nên gây ùn tắc giao thông, bị phường đội ngăn cấm thì chợ rác “lên xe” chuyển qua hẻm 279 Trần Bình Trọng để trú ẩn hoặc đi lòng vòng chờ qua chiến dịch, lập tức quay lại nhóm họp. Hỏi một cô bé học lớp một theo cha ra chợ rác để bán hàng, cô bé cười thật tươi bảo chúng tôi nhớ mua hàng của bố cháu. Đang nghỉ hè nên theo ra đây phụ bố chất hàng, và mua nước để bố uống. Cô bé theo bố đi mua hàng từ lúc 5h30 đi khắp phố phường để kịp về nhóm chợ. Khi hỏi ước mơ của em khi lớn lên làm gì cô bé nói: “Sẽ cố gắng học giỏi và mơ có tiền trở thành bà chủ để thu mua tất cả rác mà “bố có”.