Đa số siêu thị ở Mỹ làm thẻ cho khách. Trên thẻ có một số thông tin về cá nhân: tên, địa chỉ; thẻ của một vài siêu thị còn ghi cả số an sinh xã hội hoặc số bằng lái xe. Khách vào siêu thị lần đầu thường được phát ba thẻ: một thẻ lớn để bỏ vào bóp, hai thẻ nhỏ có thể gắn vào móc khoá và nếu muốn, có thể dùng thẻ lớn. Nhân viên thu ngân của tất cả các siêu thị luôn nhắc nhở mọi người lấy thẻ để có thể mua hàng giảm giá. Tỷ lệ giảm giá tùy thuộc vào hệ thống siêu thị, song thường từ 10 đến 50% theo hóa đơn mua hàng.
Ngày thứ hai sau khi tới Mỹ, PV Sài Gòn Tiếp Thị đã có hai cái thẻ để mua hàng giảm giá, một của hệ thống siêu thị Kinh Soopers và một của Albertsons. Một người Việt cư trú tại Westminter, California đã hơn mười năm, bảo: “Chỉ cần ở đây một thời gian ngắn là chị sẽ có cả ''bó'' thẻ. Bóp của em căng phồng không phải vì tiền mà vì đủ thứ thẻ''.
Siêu thị ở Mỹ thường mở cửa từ 9 giờ và đóng cửa lúc 21 giờ, luôn đông nghẹt vào những ngày cuối tuần. Sinh viên chỉ đi chợ vào thứ bảy và chủ nhật vì giá thường giảm tới 50%, giá một flash memory (dùng để lưu dữ liệu như đĩa mềm) loại 256 MB vốn là 60 USD nhưng nếu mua vào cuối tuần thì chỉ còn 30 USD. Chưa kể có vài mặt hàng bán gần như cho (ngoài chuyện giảm giá, sau đó ít ngày, nhà sản xuất còn gửi thêm tiền ''thối'' lại cho người mua). Một người mua một máy fax hiệu Panasonic đúng ra là vài trăm USD với giá chỉ có 79 USD, sau đó vài ngày còn được sale off thêm 50 USD nên tính ra cái máy fax ấy chỉ có 29 USD. Sản phẩm điện tử thường là mặt hàng được các hãng ''thối'' lại tiền cho người mua.
Còn một cách khác để mua hàng với giá rẻ là sưu tầm các phiếu giảm giá (coupon). Những coupon này ghi rõ số tiền được giảm khi mua loại sản phẩm cụ thể nào đó. Có thể lấy các coupon này ở những quầy tính tiền trong siêu thị hoặc từ những trang quảng cáo trên báo. Sưu tầm coupon là sở thích của nhiều người Việt đã sống lâu năm tại Mỹ. Đó cũng là mối quan tâm của các sinh viên nước ngoài đến Mỹ học tập. Một vài người Việt khoe với tôi là nhờ sưu tập coupon, họ mua cả xe vừa vật dụng, vừa thức ăn cần thiết cho gia đình trong cả tuần mà chỉ mất chừng 10 USD. Nếu mua hàng vào ngày thường hoặc không có coupon, số vật dụng và thức ăn đó không dưới 200 USD.
Cách tốt nhất để tìm thông tin về hàng giảm giá là đọc các tờ báo ra vào cuối tuần ở địa phương mình cư trú. Các tờ báo địa phương ra vào cuối tuần thường dày gấp 5 lần những tờ báo ra vào ngày thường. Các siêu thị địa phương tự thiết kế những trang quảng cáo (trong đó liệt kê giá chính thức, giá bán vào dịp cuối tuần, kèm hình ảnh từng loại sản phẩm). Những trang quảng cáo này được in để lồng vào các số báo ra vào dịp cuối tuần.
Trên các tờ báo địa phương ở Mỹ thường có những mẩu rao vặt nhỏ ghi là ''garage sale''. “Garage sale'' là một “kênh” cung cấp hàng giá rẻ. Đó là những vật dụng mà người ta không dùng tới, phải cất vào garage hoặc phải bán vì dọn nhà nơi khác, không tiện mang theo... Phần lớn các vật dụng đó đều còn rất tốt, không ít thứ chỉ mới dùng qua, thậm chí chưa dùng bao giờ và đặc biệt là rẻ đến mức có thể gây kinh ngạc cho bất kỳ ai.
Ở Colorado Spring, chỉ trong bán kính chừng vài cây số vuông, hiện có cả chục ''garage sale'' phục vụ dân chúng vùng này. ''Garage sale'' cung cấp đủ loại vật dụng gia đình, từ nệm, mền, gối, ly, tách, chén, đĩa, tới dụng cụ thể thao, thậm chí cả xe nôi, gấu bông, gương, lược chải đầu... PV mua ở một ''garage sale'' cái micro wave (lò vi sóng) với giá 2 USD. Sắm thêm một cái bàn gỗ loại tốt, mặt có kiếng dày 5 ly, gần như mới tinh ở ''garage sale'' khác với giá 15 USD. Cái bàn đó, nếu vào siêu thị, phải trả ít nhất 180 USD. Gần các khu cư xá sinh viên cũng có những điểm chuyên mua đồ cũ của sinh viên vừa tốt nghiệp để bán lại cho những sinh viên mới và ở Mỹ, người ta gọi những điểm như thế là ''moving sale''...