Chợ đây chính là một dãy các cửa hàng photocopy kiêm bán các loại tiểu luận, khóa luận, đồ án, luận văn... cho sinh viên hay bất cứ người nào cần mua. Trên con phố vài trăm mét có tới hơn 30 cửa hàng nằm san sát như vẩy cá. Theo mô tả của phóng viên báo Tuổi Trẻ, mới sáng sớm mà kẻ ra người vào tấp nập đủ biết chợ họp xôm tụ thế nào.
Khách tấp xe vào vỉa hè. Ngay lập tức, một chủ cửa hàng xông ra, lôi tuột vào quán: “Vào đây em ơi. Mua gì? Luận văn à? Vào cửa hàng chị tha hồ mà chọn!”.
Đưa khách vào góc khuất nhất của cửa hàng, chị chủ thì thào: “Vào mùa rồi, phải cẩn thận. Dây với mấy anh công an là mệt lắm”. Rồi chị lôi ghế ngồi và đưa ra một tập danh sách dài dằng dặc các loại luận văn. Từ khóa luận của dân khoa học tự nhiên như: toán, tin, vật lý, hóa học cho đến các đề tài về khoa học xã hội như: văn, sử, tâm lý, Đông phương học; từ khóa luận của dân kinh tế, môi trường, ngoại ngữ đến đồ án của dân kiến trúc, xây dựng... tính sơ sơ đã có gần 1.000 đề tài. Theo dân đi chợ đồn nhau, có cửa hàng còn trữ gần 2.000 đề tài. Cứ tính trung bình mỗi cửa hàng có 1.000 luận văn, nhân thêm với con số 30 cửa hàng là gần 30.000 đề tài đang có mặt ở đây!
Luận văn ở đây nguồn chủ yếu là do sinh viên các khóa trước làm luận văn mang ra đây để đánh máy. Vô tình, những luận văn này bị các chủ cửa hàng sao chép lại vào ổ cứng để rồi sau đó bán lại cho lớp hậu sinh. Bên cạnh đó, nhiều chủ cửa hàng nhanh nhạy còn tìm mua các khóa luận, đồ án thuộc loại “của hiếm” trên thị trường để bán lại cho những người cần với giá thường là gấp năm, bảy lần giá mua vào.
Đó thường là những luận văn kiểu như: “Địa chất - sinh thái khu vực miền núi Tây Bắc” hay “Kiến trúc của các nhà vườn Huế”... Có cửa hàng lại thuê sinh viên vào thư viện trường, mượn khóa luận để sao chụp tham khảo. Thực chất những khóa luận này sẽ được lưu lại một bản để bổ sung vào “ngân hàng khóa luận” của cửa hàng.
Sinh viên là đối tượng khách hàng chiếm đa số. Bên cạnh đó là những người đang học cao học hay nghiên cứu sinh... Một số ít mua về để tham khảo, để cho khóa luận mình thêm phong phú, còn phần lớn là những người lười đọc sách, lười nghiên cứu, chỉ muốn ăn sẵn. Trong số này dân học tại chức chiếm số lượng lớn.
Chợ luận văn xuất hiện ngày càng nhiều xung quanh ký túc xá của các trường đại học và rất nhiều cửa hàng photocopy cũng kiêm bán luận văn. Đông nhất là khu vực đường Tạ Quang Bửu gần ký túc xá ĐH Bách khoa Hà Nội hay đường Lương Thế Vinh của ký túc xá Mễ Trì. Chỉ có điều ở những nơi ấy chưa đủ đông đúc để họp thành chợ lớn mà thôi.
Ở những “chợ” ấy, các thượng đế không chỉ tha hồ lựa các tập luận văn đã đóng quyển mà còn có thể sao vào các đĩa mềm, đĩa CD để có thể sửa chữa, trao đổi với nhau. Giá cả thường là 500 đồng một trang in, còn sao vào đĩa thì chỉ 300 đồng/trang. Tính ra giá của mỗi luận văn thường chỉ 20.000-50.000 đồng. So với công sức, chất xám và thời gian thực sự bỏ ra để làm một luận văn tương tự thì giá đó rẻ đến không ngờ.
Sau khi mua luận văn, luận án, thường các cử nhân, thạc sĩ tương lai phải tiếp tục công đoạn lắp ghép. Họ nhặt nhạnh ở mỗi luận văn một phần, thêm mắm thêm muối cho đầy đủ. Những khóa luận có số liệu đã cũ do làm từ những năm trước thì được thay vào những số liệu mới lấy ra từ báo chí.
Nhiều sinh viên làm khóa luận nhanh đến chóng mặt. Ông anh họ của tôi (đã tốt nghiệp cử nhân kinh tế năm ngoái) tiết lộ: “Một buổi đi tìm mua khóa luận cũ, một buổi chế thành sản phẩm mới. Vậy là xong! Thời buổi này ai còn gò lưng viết khóa luận nữa! Thời gian bây giờ là vàng. Sinh viên bây giờ còn phải làm thêm để kiếm tiền nữa chứ!”.
Điều mà các tay đạo văn này hết sức chú ý là không mua những khóa luận trùng thầy hướng dẫn. Nếu thầy A là người hướng dẫn thì phải mua khóa luận do thầy B dìu dắt. Cộng thêm các trò biến hóa, ma thuật, qua nhiều công đoạn "ba trong một", "bốn trong một" là bạn sẽ có ngay một khóa luận lý tưởng.
Hầu hết thầy cô hướng dẫn làm luân văn tốt nghiệp đều biết việc sao chép khóa luận của các lớp trước, đặc biệt là khi làm tiểu luận. Nhưng cũng có những người không phát hiện ra. Khi đọc phải những khóa luận mới chẳng khác khóa luận cũ một chữ đành trả về chứ cũng chẳng có biện pháp nào để kỷ luật.
Mua được luận văn, xào xáo thành của mình mới đạt được 50% công đoạn biến một sinh viên thành cử nhân, thạc sĩ. Công đoạn quan trọng nhất là phải bảo vệ thành công luận văn, luận án này.
Đối với những “đại văn xào” thì ngoài chuyện phải đọc kỹ, thậm chí học thuộc lòng các luận văn ra, còn phải tạo lập các mối quan hệ để làm sao cho buổi bảo vệ trót lọt.
Đầu tiên là phải điều tra xem hội đồng giám khảo gồm những ai. Trong đó lại phải biết được người nào có vai trò quan trọng nhất (như chủ tịch hội đồng chẳng hạn) để đặc biệt chú ý. Tiếp đó là công đoạn thăm hỏi, làm quen để cho các vị trong ban giám khảo nhớ mặt mình. Đến gần ngày bảo vệ thì mối quan hệ ấy phải trở nên thân thiết hay ít ra cũng phải để cho họ có cảm tình với mình. Đồng thời cũng phải dò la xem thầy nào sẽ là thầy phản biện để có kế hoạch “quan tâm, chăm sóc” kỹ lưỡng. “Chứ không thì chỉ cần thầy bật cho một câu là chết đứng như Từ Hải” - nguyên văn lời của một cử nhân vừa ra trường năm ngoái.
Trong quá trình đi cửa sau này, nếu cảm thấy không kham nổi, những sinh viên này sẽ phải liên hệ với những học viên khác mà cùng có chung ban giám khảo. Việc này xem chừng đơn giản hơn bởi vì quyền lợi chung, các “lái buôn” này sẵn sàng bắt tay nhau để thành đôi bạn cùng tiến.
Mua bán, sao chép luận văn là một dạng thức của quay cóp, vốn là căn bệnh trầm kha của nền giáo dục Việt Nam. Không biết tốt nghiệp kiểu ấy, liệu sau này ra trường những cử nhân, thạc sĩ này sẽ làm được gì cho xã hội.