Theo Tiền Phong, tìm đến hiệu cầm đồ không chỉ có các sinh viên nam mà còn có không ít các bóng hồng xinh đẹp. Cảm giác chung của người lần đầu đến hiệu cầm đò là ngượng ngùng, hổ thẹn như thể đã làm một việc xấu. "Nhưng ngượng cũng cố chịu, sau vài lần thành quen ấy mà", Thanh, sinh viên khoa Ngôn ngữ ĐH KHXH & NV tiết lộ. Một tân sinh viên hồn nhiên góp chuyện: "Ở lớp em có một đôi yêu nhau. Vì xa nhà nên cả hai được bố mẹ cho luôn tiền ăn học của mấy tháng liền. Một hôm cao hứng, 2 đứa chở nhau đi mua điện hoại di dộng. Thế là, một khoản tiền lớn đi teo, chưa đến cuối tháng chiếc điện thoại của chàng biến mất. Một thời gian sau nhận được tiền gia đình chuyển lên, như có phép thần chiếc điện thoại trở về với chủ nhân của nó. Suốt ngày chàng hý hoáy nhắn tin. Nhưng cũng chỉ đến giữa tháng, lại đến lượt chiếc điện thoại của nàng mất tích. Hỏi ra mới biết 2 người đổi phiên nhau "gửi" di động vào hiệu cầm đồ mỗi lúc bí bách, đến khi có tiền lại chuộc ra".
Ở trường Cao đẳng Công nghiệp, sinh viên sống tập trung trong 2 làng: Nguyên Xá, Tu Hoàng. Cho nên không có gì ngạc nhiên khi mọi ngõ ngách trong làng đều có hiệu cầm đồ. Nhiều sinh viên ở đây có thói quen "gửi" ổ cứng. Sau khi "ăn" hết ổ cứng, quên mui họ tiếp tục bán dần các linh kiện khác... Tóm lại, tất cả những gì có thể "cắm" được họ đều "cắm" hết, theo thứ tự "hết nạc thì vạc đến xương".
Khi "cắm" hết mọi tài sản, nếu nhu cầu tiền bạc vẫn bức thiết thì phải làm gì? Một số chủ tiệm cầm đồ ma cô tung ra chiêu bài cầm bằng tốt nghiệp. Xét đến cùng, với sinh viên không phải dây chuyền, nhẫn, đồng hồ, xe đạp... mà chính tấm bằng tốt nghiệp mới là tài sản có giá nhất. "Tóm" được tấm bằng tốt nghiệp, chủ hiệu ung dung không sợ lọt lưới, thêm nữa số tiền thu lại rất lớn. Bởi vì chỉ cần quá ngày trả tiền chuộc bằng, chủ hiệu sẽ tự thêm một con số "0" vào đằng sau số tiền khách vay.
Hưng, sinh viên khoa Sư phạm Kỹ thuật (Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội), một lần thiếu tiền đã đi cầm bằng tốt nghiệp PTTH lấy 400.000 đồng. Đến khi nhận được lương gia sư, Hưng không chuộc lại bằng vì sợ tiếp tục rơi vào cảnh "móm". Hôm đó đi học, vừa đến chỗ rẽ vào cổng trường, cậu trông thấy một vụ đánh nhau. Tò mò dừng lại xem, Hưng biết chuyện: bạn trai bị chủ hiệu cầm đồ thuê người đánh chỉ vì cầm bằng quá hạn không có tiền trả. Hưng lo sợ, gọi điện về quê nói toàn bộ sự thật. Đến lúc này đã quá hạn chuộc bằng nên số tiền Hương phải trả cho hiệu cầm đồ từ "gốc" 400.000 đồng đã nhảy lên đến 4 triệu đồng. Gia đình Hưng không dư dật phải chạy vạy khắp nơi mố kiếm đủ số tiền mang lên Hà Nội cho con.