![]() |
Đền Angkor Wat nổi tiếng. |
Cửa khẩu Poipet (Thái Lan - Campuchia) hôm ấy trời chang chang nắng, đông nghẹt người, chủ yếu là du khách các nước đi từ Thái Lan vào Campuchia. Tây “ba lô” đi từng nhóm như đi hội.
Ở đây, hình như từ lâu đã hình thành những băng cò xe. Họ lôi kéo khách, "cò" cho đám taxi với cách thức giới thiệu, mặc cả rất chuyên nghiệp. Cảnh giành giật khách hỗn loạn trông giống như các bến xe ở Việt Nam. Minh thỏa thuận bằng tay cùng một tài xế taxi với giá 50 USD cho cuốc xe đi Siem Riep dài 160 km. Chui được vào xe để trốn cái nóng hầm hập và thoát khỏi sự chèo kéo của đám cò xe cũng... đáng giá ngần ấy tiền.
Xe lao vào con đường bụi đỏ. Hai bên đường cảnh vật hoang sơ, đồng ruộng khô cằn. Thi thoảng có chiếc xe lao vụt qua, tung những cuộn bụi đỏ ngập cả khoảng không gian trước mắt. Dọc đường cũng có những “trạm” xăng, nhưng không phải trạm xăng thường thấy, mà là những ngôi nhà tranh hoặc nhà tôn. “Trạm" xăng chất đầy những bình nhựa 2 lít, 4 lít xếp thành dãy dài. Thay vì bơm bằng máy, một cậu bé nhỏ xíu xách từng bình xăng ra đổ. Xem ra, cậu ta rất lành nghề.
Càng đi, xe càng xóc tợn, Minh phải ghì chặt hai tay vào băng ghế cho an toàn. Chiếc xe cà tàng vẫn cần mẫn băng qua những chiếc hố ghê người. Đường xấu như vậy nhưng du khách vẫn cứ tràn vào Siem Riep, vẫn háo hức đến với Angkor.
Xuống bến đỗ taxi, Minh đón xe lôi chạy một vòng quanh các phố. Siem Riep quá đông du khách. Trên đường, trong các quán ăn, nơi đâu cũng thấy có khách nước ngoài. Tỉnh lỵ này không có gì đặc biệt lắm. Đường sá đầy bụi và rác, nhà cửa lộn xộn, xe cộ chạy loạn xạ, cứ 10 chiếc thì chỉ khoảng 3 chiếc có biển số. Anh tài xế xe lôi còn giới thiệu cho Minh những quán ăn Việt Nam. Theo anh, đó là những tiệm rất nổi tiếng ở Siem Riep. Có lúc, anh chỉ vào những quán nhỏ lụp xụp trong những con hẻm, nói đó là quán massage của các cô gái Việt Nam.
Sau khi ổn định chỗ nghỉ, khách có thể làm một cuộc khảo sát Siem Riep bằng xe ôm với giá khá dễ chịu: 10 USD cho 2 tiếng. Du khách đến Siem Riep thường sử dụng xe ôm hơn là taxi. Đảo qua một vòng ở những con đường chính, đếm được chừng vài chục khách sạn lớn, bé. Anh xe ôm cung cấp thêm thông tin rằng khách sạn ở Siem Riep rất nhiều, phục vụ cho nhu cầu đa dạng của du khách, có loại sang, với giá 100-200 USD/đêm, mà loại 5-8 USD/đêm cũng có.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn, các nhà nghỉ thu giá phòng rẻ, nhưng họ lại có cách khác để lấy tiền của du khách, ví dụ chi phí ăn uống được đẩy giá lên. Một tô hủ tiếu giá 2 USD, một chai bia Angkor giá 1 USD. Để tiện cho sinh hoạt, khách có thể ăn uống tại phòng ăn của nhà nghỉ, ký tên vào sổ có ghi số phòng của mình rồi thanh toán khi trả phòng. Các quán ăn trên phố cũng phục vụ theo giá "du lịch". Một bữa ăn bình dân, du khách phải mất 7-10 USD/người, còn ăn ở nhà hàng khách sạn giá còn cao gấp đôi, gấp ba. Nếu so với giá sinh hoạt tại TP HCM, Siem Riep đắt đỏ hơn nhiều.
Tới một quán ăn Việt Nam ở một góc ngã ba đường, hai tầng, khá sạch sẽ. Trong quán có nhiều người nước ngoài. Họ vừa ăn uống, vừa trò chuyện, loáng thoáng những lời trầm trồ về Angkor. Ở những góc khuất, có nhiều người ngồi uống cà phê và đọc sách. Cô gái quản lý quán ăn nói được một ít tiếng Việt, giới thiệu món canh chua cá lóc, rau muống xào tỏi, cá kho tộ. Một bữa ăn cho hai người, chỉ vài món đơn sơ, không bia bọt, tốn khoảng 30 USD.
Buổi tối, Minh tìm đến một tiệm massage của người Việt. Tiệm chỉ có độc một chiếc giường. Chủ nhân tên Tuyết, nhà ở quận Bình Thạnh, TP HCM, nói: "Sống ở đây cũng được. Một ngày em đấm được chục lưng, mỗi lưng 3 USD. Khách của em toàn là người nước ngoài". Sau khi trả cho Tuyết "3 USD", Minh lang thang tìm đại lý Internet. Là nơi đông du khách nên dịch vụ Internet ở Siem Riep mọc đầy, nhưng giá cao hơn Việt Nam và Thái Lan.
Dọc con đường nhỏ về nhà nghỉ, có rất nhiều cô gái ngồi trong bóng tối ân cần chào mời khách. Khoản mời mọc này thì không cần tiếng nói, đàn ông nước nào cũng hiểu tất.
Hôm sau, Minh rủ Edwin, Anna và nhóm bạn ở chung khách sạn cùng đi Angkor. Mỗi người bao một xe ôm nguyên ngày. Đến trạm bán vé vào khu đền, hội của Minh được chặn lại và hơi choáng vì phải mất 20 USD/vé/ngày, còn nếu ai muốn xem cả tuần thì mua vé 60 USD.
Ngôi đền đầu tiên xòe ra trước mắt, với những đỉnh tháp cao uy nghi in hình trên nền trời, từ xa trông như chiếc mũ của một vị thần khổng lồ đang ngồi chơi dưới rừng cây ngập nắng. Minh có nghe, có đọc đôi điều về Angkor, nhưng những gì biết qua sách vở khác xa so với hiện thực. Không thể tưởng tượng bàn tay con người có thể xây dựng được một công trình khổng lồ như vậy.
Bộ óc nào ngàn xưa đã quy hoạch một quần thể đền đài trong rừng sâu, núi thẳm này? Đá và đá, những tảng đá lớn bé chồng lên nhau, những cột đá được mài nhẵn thín. Mỗi bức tường đá là một tác phẩm điêu khắc độc đáo chứa đựng những truyền thuyết, tín ngưỡng của người Chân Lạp thuở xa xưa.
Không phải chỉ riêng Minh, mà hình như bất cứ ai đến đây cũng đều tự hỏi rằng người Khmer đã xây dựng Angkor bằng cách nào? Có những giả thuyết về dùng sức nô lệ, sức voi, sức nước để vận chuyển đất, đá, nhưng nghe quá đơn giản và có lẽ chưa giải mã được những bí ẩn đằng sau những công trình đó.
Ngày xưa không có máy móc, không thiết bị cơ khí, bằng cách nào người ta có thể đưa những khối đá to lớn chồng lên nhau, xếp thành những hình khối không có chất kết dính mà chính xác và hoàn hảo đến kinh ngạc như vậy?
Angkor lạ lùng như vậy nên du khách đến nườm nượp. Ở mọi ngóc ngách trong các ngôi đền đều có người trầm ngâm, chiêm ngưỡng. Khách châu Âu đi nhóm vài người, còn khách Trung Quốc, Hàn Quốc đi từng đoàn vài chục người. Mỗi đoàn có một hướng dẫn viên, thuyết minh khá kỹ lưỡng về từng ngôi đền và về cả những chi tiết độc đáo trên từng phiến đá, bức họa.
Nếu du khách đi lẻ có nhu cầu thuyết minh, cũng có ngay một nhân viên phục vụ. Ngoài số đông là du khách, nhiều người đến Angkor để nghiên cứu, tìm hiểu, sáng tác ảnh nghệ thuật. Những người này không phải xem lướt qua, mà lăn lóc trên đá Angkor ngày này qua tháng khác. Mới biết, đá vô ngôn mà nói được quá nhiều điều!
Ở Angkor, bên cạnh sự kỳ vĩ và thiêng liêng đó, du khách còn gặp phải những chuyện rất đời thường. Đó là những người bán bưu ảnh, bán hàng rong, trẻ em ăn xin chạy theo níu áo.
Một thắng cảnh danh tiếng khác mà thiên nhiên ưu đãi cho Siem Riep là Biển Hồ. Từ trung tâm tỉnh lỵ đến bờ biển dài chừng 20 km. Trên bờ là một xóm chợ cá tồi tàn. Những căn nhà lá rách nát, bẩn thỉu nối nhau dài chừng vài cây số. Người dân sống bên bờ Biển Hồ nổi tiếng giàu thủy sản mà lại nghèo đến khó tin.
Từ bờ này, du khách có thể thuê tàu du lịch hoặc xuồng máy để đi ra biển. Minh thuê một chiếc xuồng máy không ghế ngồi, giá 10 USD cho một vòng thăm xóm người Việt trên Biển Hồ. Xóm này có trên 356 hộ với gần 2.000 nhân khẩu. Họ sống mấy đời lênh đênh trên Biển Hồ, làm nghề đánh cá, không quan tâm đến thế sự. Cả xóm không mấy ai biết chữ, trẻ con không được đến trường, thanh niên trai tráng không có khái niệm về phố phường.
Từ xóm người Việt ra một đoạn là mặt hồ mênh mông. Xa xa là những con thuyền du lịch chở du khách đi ngắm biển. Xa hơn nữa là thuyền đánh cá của ngư dân. Trên đường về, Minh thấy rất nhiều tàu du lịch đủ kiểu chở khách xuôi ngược, ra vào. Đoạn đi qua xóm người Việt có một nhà hàng nổi chuyên bán đặc sản của Biển Hồ. Tại nhà hàng này, du khách có thể tận mắt nhìn thấy những con cá to trên chục ký, có khi vài chục ký.
Buổi tối cuối cùng ở Siem Riep, Minh mời Edwin và Anna bữa tiệc chia tay. Minh có thói quen đi đến đâu thì uống bia của xứ đó nên gọi bia Angkor. Anna cứ xót xa một điều là đất nước Campuchia có một Angkor khiến cho nhân loại phải kính cẩn nghiêng mình, chứng tỏ con người Campuchia có một trí tuệ tuyệt vời, tại sao bây giờ họ lại nghèo khổ như vậy?