Đi bộ, hoạt động đơn giản mà chúng ta thực hiện từ những ngày chập chững biết đi, có tiềm năng to lớn trong việc cải thiện sức khỏe và tinh thần. Các nghiên cứu gần đây được công bố tại Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ chỉ ra rằng không cần phải đi bộ đường dài mới có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu đi bộ, cần hiểu rõ những kỹ thuật phù hợp.
Từ tư thế đến vị trí đặt chân, cách lựa chọn giày đều có thể tác động đến trải nghiệm và lợi ích. Dưới đây là cách đi bộ đúng để phát huy tối đa lợi ích, đảm bảo một hành trình trọn vẹn và không bị chấn thương.
1. Tập trung vào tư thế phù hợp
Việc duy trì tư thế và dáng người đặc biệt quan trọng để tránh bị chấn thương. Thay vì đứng thẳng một cách cứng nhắc, hãy cố gắng duy trì những đường cong tự nhiên của cổ và lưng. Bạn nên đứng thẳng, giữ đầu thẳng và thẳng hàng với cơ thể, thư giãn vai trong khi cho phép cánh tay di chuyển tự do. Huy động các cơ lõi và đảm bảo xương chậu ở trạng thái cân bằng, căn chỉnh lồng xương sườn với xương chậu và hông, đầu gối, mắt cá chân và ngón chân thứ hai. Sự liên kết này không chỉ hỗ trợ ngăn ngừa chấn thương mà còn nâng cao hiệu quả hô hấp và chuyển động.
2. Chú ý đến bàn chân
Cách bạn đặt chân tiếp xúc với mặt đất khi đi bộ tác động đáng kể đến lợi ích và sự thoải mái. Hãy bắt đầu bằng gót chân, sau đó là lòng bàn chân và cuối cùng tới ngón chân. Điều này giúp phân bổ căng thẳng đều khắp phần dưới cơ thể, giảm nguy cơ chấn thương khớp. Hãy coi việc đi bộ giống như nhịp điệu, nhắm tới mục tiêu đi khoảng 100 bước một phút để tập thể dục cường độ vừa phải. Hãy chọn giày đi bộ hoặc giày chạy bộ phù hợp vì chúng cung cấp sự hỗ trợ và đệm cần thiết cho bàn chân. Tránh những đôi giày quá hỗ trợ có thể làm thay đổi dáng đi và gây khó chịu.
3. Hãy cảnh giác và chậm lại
Mặc dù đi bộ là một hoạt động ít rủi ro, bạn vẫn nên cảnh giác, đặc biệt khi ở ngoài trời. Hãy chú ý đến môi trường xung quanh để tránh vấp ngã như lề đường và ổ gà. Nếu đi bộ vào ban đêm, hãy đi cùng ai đó hoặc đi trên những con đường có ánh sáng tốt để giảm thiểu rủi ro. Nếu đi bộ trong nhà trên máy chạy bộ, đừng nắm tay cầm quá mức vì nó cản trở chuyển động tự nhiên. Nếu bạn vốn có lối sống ít vận động, cần đặt ra các mục tiêu thực tế để tránh hoạt động quá sức và có thể gây thương tích.
4. Kết hợp các bài tập khi đi bộ
Việc thêm các bài tập đi bộ vào thói quen của bạn có thể nâng cao lợi ích sức khỏe. Tập trung vào việc thay đổi tốc độ, thêm quãng hoặc nghiêng để thử thách các nhóm cơ, nâng cao nhịp tim. Hãy thử nghiệm các tuyến đường đi bộ khác nhau để khiến mọi thứ trở nên thú vị và gắn kết với môi trường xung quanh.
Hướng Dương (Theo Times of India)