>> Phần 1
Người cha vội vàng bỏ cả xấp vé số trên tay, ùa tới ôm chặt con vào lòng. Nhiều người hỏi vì sao không để đứa bé ở nhà cho đỡ vất vả khi đi bán, người đàn ông nghẹn giọng: "Chẳng phải tôi cố tình dắt cháu theo để gây sự thương cảm cho những người mua vé số đâu. Nhưng nếu để cháu ở nhà thì không có ai chăm sóc, cháu bị bệnh hay lên cơn". Nói rồi anh lấy trong túi đeo bên mình ra một bọc thuốc, gồm các loại thuốc trợ tim, cao huyết áp, phổi, gan...
![]() |
Anh Hòa và con gái Phương Thanh với xấp vé số trên tay. |
Trương Văn Hòa, tên người đàn ông, ngụ tại một con hẻm nhỏ trên đường Hậu Giang. Mấy năm nay, một thân một mình anh Hòa bươn chải đi bán vé số dạo nuôi hai con gái và vợ. Đứa nhỏ đang học lớp 3, còn đứa lớn theo cha bán vé số là Phương Thanh, năm nay mười tuổi, bị bại liệt từ nhỏ. Vợ anh bệnh kinh niên, xuất huyết thường xuyên, không thể làm việc nặng.
Anh Hòa cho biết lúc trước gia đình anh cũng có một căn hộ ở chung cư Nguyễn Kim, nhưng khi Phương Thanh 14 tháng tuổi thì bị bệnh tim, vậy là phải bán căn nhà để điều trị cho con. "Sau khi mổ tim cho Thanh không được bao lâu lại phát hiện Thanh bị nhũn não. Từ đó, cháu bị bại liệt toàn thân, chỉ ngồi xe lăn chứ không thể đứng được", anh Hòa kể.
Không nghề nghiệp, vốn liếng, anh Hòa gia nhập "đội quân" bán vé số dạo. Mỗi ngày nếu may mắn anh bán được khoảng 150 tờ vé số, kiếm được hơn 50.000 đồng. Còn hôm nào vé số ế, hay trời mưa, con trở bệnh, bán chỉ được dăm ba vé xem như bữa đó đói, vì chỉ riêng tiền thuốc hằng ngày của bé Thanh đã gần 40.000 đồng. Anh có mặt khắp mọi ngóc ngách, các con đường quận 6 và khu lân cận. Người dân địa phương, giới ba gác, xích lô, xe ôm thương hoàn cảnh của hai cha con nên thường mua ủng hộ. Đứa con út của anh Hòa thấy cha và chị cực khổ như vậy đã nhất định đòi nghỉ học đi bán vé số phụ lo gia đình, nhưng anh Hòa không đồng ý: "Nghèo mấy cũng phải nuôi nó ăn học đàng hoàng. Chị nó xem như cuộc đời đã không đến đâu. Chỉ còn hy vọng vào nó thôi".
Trong số những người bạn đồng hành cùng mưu sinh, tôi hay gặp những "gánh hát rong" của các gia đình vé số. Vợ dắt chồng, con dắt cha, cháu dắt ông; người sáng, người lành dắt người khiếm thị, bị tàn tật tay chân đi bán. Có khi tất cả người trong "gánh hát" đều lành lặn. Cứ một người đàn, một người hát vừa mời khách mua vé số. "Hãy mua đi, mua hy vọng cuộc đời. Đường may, rủi biết đâu mà lường trước. Bởi thế gian khó ai mà đoán được. Có hay không những cạm bẫy chờ mình", tiếng hát khá ngọt ngào của người phụ nữ bán vé số dù bị át đi bởi những âm thanh hỗn độn trong một quán nhậu nhưng vẫn trong và rõ.
Người chồng chống đôi nạng gỗ, đàn guitar, vợ vừa hát vừa cầm vé số đến mời từng bàn. Người phụ nữ có khuôn mặt khá xinh, mặc dù hai bên mặt bị cháy nám. Thỉnh thoảng có những người khách không mua vé số nhưng móc một vài tờ tiền lẻ giúi vào tay chị, nhưng chị cảm ơn và lắc đầu từ chối.
"Vợ chồng tôi chỉ hát phục vụ và mời mọi người mua vé số chứ không xin tiền của mọi người", chị N.T.H., tên người phụ nữ ấy, nói. Trò chuyện một lúc, tôi mới biết người phụ nữ này từng đoạt giải trong một cuộc thi tuyển chọn giọng ca vàng khá nổi tiếng hơn mười năm trước ở TP HCM. Sau đó ít lâu, người ta không còn thấy H. xuất hiện trên sân khấu khi chị lấy chồng là một Việt kiều Đức. Trong một chuyến đi du lịch bị tai nạn, chiếc xe chở hai vợ chồng và người tài xế đâm vào vách núi, tài xế và chồng chị chết tại chỗ. Chị may mắn thoát chết nhưng xương chân bị vẹo, cháy nám gương mặt.
Tay trắng, H. sống với mẹ già, lẩn tránh mọi người, dọn nhà đến nơi khác. Gần chục năm nay, chị đồng ý lấy anh hàng xóm tốt bụng bị thương tật một chân, bán vé số ở gần khu nhà. Hai cảnh nghèo tựa nhau mà sống. Chồng đàn, vợ hát, đi bán vé số dạo kiếm sống qua ngày. Mỗi ngày hai vợ chồng kiếm được 60.000 - 70.000 đồng. "Chỉ hy vọng trúng được một tờ vé số độc đắc để lo cho tương lai. Nhưng chẳng biết bao giờ trời cho đến lượt mình", chị H. tâm sự.
"Có khi cả đời bán vé số mà may mắn cũng không đến với mình. Mình bán ước mơ cho người ta cũng là gửi gắm ước mơ của cả đời mình vào đó”, bà Nguyễn Thị Tình, ngụ đường Trần Văn Kiều (quận 6), nói vậy. Quê Hải Phòng, vào Sài Gòn từ khi còn trẻ, từng theo nghề bán vé số đến nay đã 76 tuổi, bà Tình có thể được xem là một trong những người có thâm niên bán vé số lâu năm ở đất Sài Gòn. Không con cái, không người thân thích, một thân một mình, cuối đời người mà bà vẫn ở trọ. Mỗi ngày cố gắng lắm bà cũng chỉ bán được khoảng 20 tờ, kiếm được 10.000 đồng, đắp đổi miếng ăn qua ngày. Hằng tháng, dù đã được chính quyền địa phương trợ cấp thêm 100.000 đồng nhưng vì lớn tuổi, bệnh tật, đau yếu liên miên, bà vẫn thiếu ăn, thiếu thuốc men trị các căn bệnh về già.
Lời của bà Tình nghe thật buồn: "Chỉ cầu mong sức khỏe còn cầm cự được mỗi ngày để còn đi bán vé số, chứ không lấy gì mà sống. Một thân một mình lỡ có chuyện gì cũng chẳng biết ai lo cho mình".
(Theo Tuổi Trẻ)