Công việc quá tải, cuộc sống gặp quá nhiều stress sẽ khiến số lượng các gốc tự do (Khái niệm về gốc tự do (FR) được đưa ra lần đầu tiên năm 1954 bởi nhà khoa học Mỹ D. Harman trong luận thuyết về cơ chế tích tuổi (Free Radical Theory of Aging) tăng cao bất thường, vượt khỏi tầm khống chế bình thường của hàng rào bảo vệ các chất chống oxy hóa (antioxydant - AO), khiến sự lão hóa trở nên nhanh chóng.
Để chống lại các gốc tự do, cần tăng cường các chất chống oxy hóa (AO) từ đó kéo dài sự thanh xuân, giữ gìn nét tươi trẻ.
Các chất AO này có nhiều ở rau quả, bao gồm: vitamin E, vitamin C, beta-caroten, vitamin P, vitamin nhóm B; các chất màu trong rau quả; tanin của trà; các chất khoáng K, Mg, Zn, Cu, Se, Fe; một số axit hữu cơ.
Ngoài ra, chất xơ từ rau quả giúp cải thiện tình trạng táo bón, hiện tượng gây ứ đọng các chất cặn bã cùng với các chất độc sản sinh trong quá trình chuyển hóa, tiêu hóa, sẽ qua thành ruột ngấm ngược trở lại vào máu, gây ức chế một loạt các phản ứng chuyển hóa, và biểu hiện dễ thấy nhất là nổi mụn ngoài da và cảm giác khó chịu bứt rứt, ngủ không ngon giấc.
Thực phẩm của nhan sắc
- Thức ăn giàu vitamin E: Giá đỗ, dầu thực vật.
- Thức ăn giàu beta-caroten: Các loại rau quả có màu vàng, đỏ, da cam, như ớt đỏ, cà rốt, cà chua, xoài, gấc, hồng đỏ, hay xanh sẫm như rau muống, hành lá...
- Thức ăn giàu vitamin C: Các loại rau quả có màu vàng đỏ như ớt ngọt, cà chua. Các rau xanh như rau ngót, rau mùi, mồng tơi, súp lơ, hành tươi. Các loại quả như cam, chanh, quýt...
- Thức ăn giàu selen: Rau ngót, rau muống, rau cải bắp.
- Thức ăn giàu axit folic, vitamin K: Các loại rau lá xanh sẫm như rau muống, hành lá, rau ngót, rau dền, rau đay, rau mồng tơi...
- Thức ăn có nhiều vitamin nhóm B như B1, B2: Các loại rau, đậu. Các vitamin này rất cần trong chuyển hóa, giúp có một làn da đẹp, ăn uống ngon miệng.
- Ngoài ra, trong các loại trà, (nhất là trà xanh) đều có một loại chất chống ôxy hóa làm mất tác dụng của các gốc tự do.
Ăn nhiều gia vị (hành, hẹ, húng, diếp cá, lá lốt, rau thơm, rau mùi, rau răm, tỏi, gừng, riềng, nghệ...) và ăn nhiều quả chín cũng sẽ cung cấp cho cơ thể nhiều vitamin và các chất khoáng, làm cho đội ngũ bảo vệ AO trở nên hùng hậu để chống lại các phần tử gây rối là các gốc tự do.
Các sản phẩm chế biến từ đậu nành có ít cholesterol lại nhiều protein thực vật dễ tiêu hóa, đồng thời tăng cường các AO như vitamin E, vitamin C, beta-caroten có tác dụng tốt trong sự chuyển hóa cholesterol.
Lưu ý: Với những loại vitamin cần thiết cho sức khỏe và sắc đẹp ở trên, nếu đưa vào cơ thể từ nguồn rau quả an toàn thì có thể yên tâm, nhưng nếu đưa vào cơ thể dưới dạng thuốc thì phải rất cẩn thận với liều lượng và không cần thiết phải uống liên tục một đợt quá dài với người khỏe mạnh và đang có chế độ ăn hợp lý.
Sử dụng rau quả hợp lý
Rau quả là thành phần không thể thiếu trong một bữa ăn hợp lý vì chúng cung cấp các vitamin, chất khoáng và chất xơ cần thiết cho cơ thể.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý đảm bảo sự cân đối giữa các loại rau quả và các thức ăn sinh năng lượng khác (như tinh bột từ ngũ cốc, đạm từ thức ăn nguồn gốc động vật và thực vật, chất béo từ dầu, mỡ, lạc, vừng).
Nếu quá thiên về ăn rau quả mà lơ là các thực phẩm cung cấp năng lượng, thì sẽ không đảm bảo nạp đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động, dẫn tới không thể đảm bảo được sức khỏe cũng đồng nghĩa với không thể có sắc đẹp ở một cơ thể yếu ớt.
Nếu quá kiêng khem dầu mỡ là dung môi hòa tan để hấp thu chuyển hóa các vitamin tan trong dầu quan trọng như vitamin A, E, D, K thì các vitamin này dù được đưa vào cũng không được cơ thể sử dụng.
Theo số liệu điều tra, lượng tiêu thụ quả chín ở người Việt Nam tuy nhiều nhưng lượng rau xanh trong bữa ăn có xu hướng giảm, mức tiêu thụ khoảng 142-196g một người mỗi ngày.
Trong khi nhu cầu khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia tối thiểu là 300g rau/người/ngày + 100g quả chín/người/ngày.
Nhìn chung, sử dụng rau quả qua đường ăn uống không gây ngộ độc (loại trừ các nguyên nhân do hóa chất), nhưng với một số loại rau quả đặc biệt do đặc điểm chứa nhiều tiền vitamin A (beta-caroten) như nước ép cà rốt, sinh tố đu đủ chín, nước ép cà chua, xoài, hay dầu gấc, nếu ăn uống quá nhiều sẽ dẫn tới hiện tượng vàng da do dư thừa caroten tích lũy ở tổ chức mỡ dưới da.
Vitamin nào tốt cho sắc đẹp và sức khỏe?
- Vitamin B1: Giúp việc chuyển hóa chất bột đường, ngũ cốc thành năng lượng để cung cấp năng lượng cho cơ thế hoạt động, giúp ăn ngon miệng và không bị bệnh tê phù. Rất cần cho niêm mạc da phát triển mịn màng, khi thiếu vitamin B1 sẽ bị phù, mất cảm giác hoặc tê bì ở da.
- Vitamin B2: Giúp cơ thể phát triển bình thường, giữ cho hệ thần kinh và hệ tiêu hóa hoạt động tốt.
- Axit folic: Giúp tạo hồng cầu, để cơ thể không bị thiếu máu và nhờ vậy làn da sẽ khỏe đẹp hồng hào.
- Vitamin B12: Giúp tạo hồng cầu, da hồng hào khỏe mạnh, giữ cho các tổ chức của hệ tiêu hóa và thần kinh được tốt.
- Vitamin C: Đảm bảo răng lợi tốt, chống bệnh chảy máu lợi, giữ cho thành mạch vững chắc, làm chậm quá trình lão hóa giúp cho da dẻ săn chắc, mịn màng.
- Vitamin A: Đảm bảo sự phát triển bình thường của bộ xương, răng, bảo vệ niêm mạc và da, giúp phát triển hệ thống da, niêm mạc khỏe mạnh, giúp tóc phát triển tốt, tăng cường sức đề kháng chống lại các bệnh nhiễm khuẩn, chống quáng gà và các bệnh khô mắt.
- Vitamin E: Bảo vệ chất béo trong tổ chức cơ thể không bị ôxy hóa, là chất chống ôxy hóa chủ yếu chống lại các gốc tự do, làm chậm quá trình lão hóa giúp kéo dài tuổi xuân.
(Theo Đẹp)