Hàng trăm triệu người đã được mục kích sở thị những công đoạn cuối để “hô biến” một “quý ông” Thái Lan 27 tuổi, làm nghề hướng dẫn viên du lịch, thành “quý bà”...
Ca phẫu thuật kéo dài hơn ba giờ do êkip của tiến sĩ Preecha Tiewtranon - một trong những chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật chuyển đổi giới tính của Thái Lan - thực hiện.
Thật ra khán giả truyền hình chỉ được xem công đoạn cuối của quá trình chuyển đổi giới tính đã kéo dài trong nhiều năm, và cuộc phẫu thuật này là một phần trong chương trình hội thảo chuyên đề chuyển đổi giới tính lần đầu tiên tổ chức tại châu Á với sự tham gia của hàng chục chuyên gia, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ hàng đầu trên thế giới.
Họ đánh giá ca phẫu thuật này đã “thành công trên cả tuyệt vời” với những đường cong quá sức gợi cảm sau cuộc phẫu thuật và bộ phận sinh dục nữ hoàn hảo đến mức về mặt hình thái học không biết đâu là thật - giả. Một chuyên gia Thái Lan đã phát biểu: “Nếu trên Thiên đàng có máy thu hình, chắc hẳn Thượng đế cũng phải khen người Thái đã thành công trong việc “đính chính” những sai sót của Người!”.
Thật ra từ năm 1980, người Thái đã nghiên cứu rất sâu về công nghệ phẫu thuật giới tính và từ những năm đó những ca chuyển đổi giới tính đầu tiên “biến” nam thành nữ đã được tiến hành. Như ca phẫu thuật được truyền hình trực tiếp của tiến sĩ Preecha đã là ca phẫu thuật thứ 3.000 của ông và khách hàng của Preecha phần lớn lại là người đến từ các quốc gia Âu - Mỹ.
Hiện nay, một tháng trung bình Preecha thực hiện khoảng năm cuộc phẫu thuật chuyển đổi giới tính với giá 7.500-10.000 USD, giá này chỉ bằng 1/3 hoặc 1/4 giá tại các nước Âu-Mỹ và hiện Thái Lan đã vươn lên hàng đầu châu Á, vượt xa Singapore vốn là “thiên đàng” của những người thuộc “giới tính thứ ba” trước đây và thật sự họ đã tạo nên được một nền công nghiệp phẫu thuật chuyển đổi giới mà mỗi năm mang về cho đất nước hàng chục triệu đôla...
Trước khi sang Thái Lan, PV Tuổi Trẻ đã email cho Bệnh viện Yanhee, để xin cái hẹn làm việc. Gần như ngay lập tức bộ phận giao tế nhân sự của Yanhee đã phúc đáp ngay, họ rất lịch sự khi trả lời rất vinh dự được đón tiếp và cho một cái hẹn rất cụ thể.
Vì sợ kẹt xe cũng như muốn chứng minh người VN không còn xài giờ “dây thun”, các phóng viên đã chủ động đến bệnh viện Yahee, nằm trên đường Charansanitwong, thuộc quận Bangplad ở trung tâm thủ đô Bangkok trước một giờ so với lịch hẹn. Ngay tiền sảnh bệnh viện đã có hàng trăm khách thuộc nhiều quốc tịch khác nhau trên thế giới ngồi chờ thăm khám.
Tại quầy lễ tân, một tấm bảng ghi: “Chúng tôi có thể phục vụ quý khách bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia...”. Cô nhân viên lễ tân ân cần tiếp và nhỏ nhẹ cho biết: “Đúng là ban giám đốc có hẹn tiếp các anh, nhưng lịch hẹn ghi 10h mà bây giờ chỉ mới 9h, các anh vui lòng ngồi chờ hoặc có thể vào nhà hàng, đi dạo mua sắm các thứ trong khuôn viên bệnh viện!”.
Quả như lời cô nhân viên lễ tân nói, ở bệnh viện này có nhiều thứ “đáng coi”: mấy cô y tá xinh xinh đi giao hồ sơ bệnh án cho các bác sĩ bằng giày trượt patin, nhà hàng với hàng chục món ăn tự chọn ăn tại chỗ hoặc mang về, nhà sách, quầy bán hàng lưu niệm, quầy bán hoa tươi... Tất cả đều sạch bóng như khách sạn, không có cảnh bệnh nhân nằm la lết ở hành lang hay những gương mặt lạnh lùng cau có của các y tá, bác sĩ...
Danh sách hơn 100 bác sĩ nội trú, ngoại trú với đầy đủ tên tuổi, hình ảnh, lý lịch chuyên môn được niêm yết công khai ngay tại phòng chờ để người bệnh có quyền tìm hiểu, quyết định lựa chọn... Bệnh nhân có cảm giác như đang đi vào một khách sạn chứ không phải bệnh viện.
Đúng 10h, bộ phận giao tế quốc tế cử người xuống đưa chúng tôi vào thang máy, lên tầng năm của bệnh viện, cô Carmen Sangcharoen - phụ trách tiếp thị quốc tế, ra tiếp chúng tôi. Carmen nói: “Từ vài năm trở lại đây, đã có người VN đến Yanhee phẫu thuật chuyển đổi giới tính, phẫu thuật thẩm mỹ. Sắp tới bộ phận giao tế bệnh viện sẽ có người phụ trách tiếng Việt để tạo điều kiện thoải mái cho khách hàng”.
Ở Thái Lan, ngoài hệ thống bệnh viện công của nhà nước thì hệ thống bệnh viện tư nhân hoạt động rất mạnh, có đến 270 bệnh viện do tư nhân điều hành với trên 20.000 giường bệnh. Và nhiều bệnh viện tư cũng đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu theo hệ thống ISO 9002 (của BVQI).
Nhưng đối với Yanhee, họ lại theo tiêu chuẩn đặc biệt hơn được gọi là SOC, đây là tiêu chuẩn cao cấp nhất của Hiệp hội “Những bất hạnh về giới tính quốc tế Harry Benjamin” (HBGIDA), là một tổ chức toàn cầu với 150 thành viên trên khắp thế giới chuyên nghiên cứu và điều trị phẫu thuật cũng như tư vấn về xã hội, luật pháp cho những người bị rối loạn nhận dạng giới tính.
Bác sĩ Sukit Worathamrong được ban giám đốc Bệnh viện Yanhee phân công tiếp các PV Việt Nam. Ông đã nghiên cứu về phẫu thuật chuyển đổi giới tính cách đây bảy năm và ca phẫu thuật đầu tiên do ông chủ trì là một người VN, nhưng lại chuyển từ nữ thành nam. Bệnh nhân đến từ thành phố Vũng Tàu.
Để có thể hình dung người Thái đã “đính chính” những sai sót của đấng tạo hóa ra sao, bác sĩ Sukit đã mở máy vi tính cho những vị khách xem những đoạn video clip. Đó là một phụ nữ khá xinh với thân hình được đánh giá là đẹp, nhưng cô đã quyết tâm chuyển đổi giới tính thành nam.
Sau khi tư vấn tâm lý và tiêm hormon trong vòng sáu tháng, trước khi lên bàn mổ bệnh nhân phải ký vào các giấy tờ liên quan đến pháp lý của vương quốc Thái Lan chấp thuận việc “cải mệnh trời”.
Trả lời câu hỏi: “Việc thay đổi giới tính của Thái Lan quá dễ dàng làm sao kiểm soát được những trường hợp vì một phút bốc đồng muốn thử để sau này ân hận vì “không còn đường trở lại”, hay nghiêm trọng hơn những trường hợp thay đổi giới tính nhằm che đậy nhân thân sau khi phạm pháp?”, bác sĩ Sukit khẳng định: “Không thể có chuyện đó! Các bước đi đều có quy trình kiểm tra rất nghiêm ngặt khi người bệnh yêu cầu chúng tôi phẫu thuật. Việc đầu tiên là kiểm tra ngoại hình bằng kỹ thuật siêu âm để tìm hiểu các bộ phận sinh dục, tuyến sinh dục xem có những bất thường. Sau đó chúng tôi mới tiến hành các trắc nghiệm tâm lý, cuộc sống, gia đình, thói quen tình dục và cả những thói quen từ thuở bé. Vấn đề này rất quan trọng bởi các chuyên gia tâm lý sẽ xác định thiên hướng về giới tính.
Các xét nghiệm về di truyền học, khảo sát về bộ nhiễm sắc thể để xác định đặc trưng giới tính XX (nữ) và XY (nam) và các xét nghiệm khác như nồng độ các loại hormon oestradiol, progesteron, prolactin, testosteron... đều bắt buộc.
Sau đó một hội đồng y khoa với các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực mới cho kết luận chuẩn xác về giới tính thật sự của bệnh nhân để đi đến quyết định cuối cùng chấp nhận cho mổ hay không. Tất cả các ca phẫu thuật, cho dù thân chủ ở tận Nam Mỹ, châu Phi hay Ai Cập, chúng tôi cũng phải xin phép Bộ Y tế. Những nguyên tắc đó là bất di bất dịch!”.
Điều bất ngờ là dù chính phủ cho phép phẫu thuật chuyển đổi giới tính, cả nước Thái có hàng trăm ngàn người thuộc “giới tính thứ ba”, nhưng luật pháp Thái chưa bao giờ công nhận họ qua việc cho thay đổi nhân thân trong lý lịch, thẻ căn cước, hộ chiếu... Họ chỉ được phép đổi tên, đổi hình, nhưng bắt buộc phải ghi đúng giới tính từ ngày sinh ra đời.
Bác sĩ Sukit nói: “Chúng tôi có cả một lực lượng đấu tranh cho quyền được xác định lại giới tính của những người đã được chuyển đổi, chủ yếu là các bác sĩ, chuyên gia trong ngành, cùng những nhà nhân quyền, đấu tranh cho bình đẳng giới... nhưng bước đi đang rất chậm, hầu như Chính phủ ít khi bàn tới vấn đề này ở nghị trường. Trong khi chờ đợi, họ vẫn thuộc về giới tính thứ ba...”.