2 nút đèn cách nhau 20 m. Chuyện tưởng đùa xảy ra tại nút giao cổng trường ĐH Ngoại ngữ. Nút thứ nhất (chiều Hà Nội - Hà Đông) có điểm giao cắt với cổng ĐH Ngoại ngữ. Nút thứ hai (chiều Hà Đông - Hà Nội) có điểm giao là lối vào nhà máy ô tô Hòa Bình. Để “tăng năng lực” cho hai nút giao này, chủ đầu tư - Ban QLDA GTĐT (Sở GTCC Hà Nội) đã cho dựng ở đây cả thảy... 15 cái cột đèn.
Người đi xe máy, xe ôtô 4 chỗ khó có thể nhìn được những bóng đèn treo “trên trời” này. |
Cột to có đường kính đáy khoảng 30 cm; cột nhỏ đường kính 15 cm. Để cho “hoành tráng” nhiều cột đèn có chiều cao lên đến 5-6 m và để cho “hiện đại”, đèn tín hiệu được phân 3 pha.
Nếu xếp theo thứ tự thì 15 cột đèn được xếp thành 7 hàng. Rừng cột và rừng bóng đèn (khoảng 50 bóng) này liên tục hoạt động nhưng hiệu quả tổ chức giao thông của nút đèn lại quá kém.
Chủ phương tiện đi trên trục chính là đường Nguyễn Trãi luôn phải “nghiến răng” chờ đèn xanh. Trong khi đó ĐH Ngoại ngữ Hà Nội lại rất ít phương tiện ra vào. Vì rằng sinh viên ra, vào trường chỉ tập trung vào một số giờ nhất định. Đặc biệt ba tháng hè, lượng người ra vào rất ít.
Thêm nữa, đối diện với Ngoại ngữ là nhà dân. Vậy có cần dựng nhiều cột, đèn và tổ chức phân 3 pha… tại nút này?
Trên trục đường Nguyễn Trãi (từ địa phận Hà Tây đến Kim Giang) cũng có đến 7 nút đèn tín hiệu. Tất cả các nút đèn đều được lắp đặt, vận hành tuỳ tiện. Cụ thể nút đèn trước ĐH Khoa học tự nhiên, nút đèn Kim Giang, Hạ Đình, Lương Thế Vinh cũng được tổ chức… 3 pha.
Dòng xe trục chính đường Nguyễn Trãi xếp hàng chờ trong khi nút giao thông Lương Thế Vinh không một bóng xe qua. |
Trong khi đó các nhà thiết kế không tính đến việc cân đối giữa dòng lưu lượng trên trục chính (đường Nguyễn Trãi) với các đường đấu nối (có cả những ngõ nhỏ) nên dẫn đến tình trạng dòng phương tiện chính bị ùn lại trong khi nút giao thông “trắng” phương tiện. Điều này đã làm giảm hiệu quả giao thông.
Tại một số nút giao thông được tổ chức mới như: Trung Hiền; Đại Cồ Việt-Huế… cho dù nút giao nhỏ nhưng cũng được tổ chức ba pha và cũng gây ra ùn ứ không đáng có.
Không chỉ bất hợp lý trong tổ chức phân chu kỳ đèn, tổ chức pha… việc dựng lên những chiếc cột đèn thô kệch quá cao vươn ra lòng đường không chỉ mất mỹ quan mà còn giảm năng lực tổ chức giao thông.
Ví như, trên đường Quang Trung có những nút đèn chỉ cách nhau hơn 100 vậy nên không cần thiết phải lắp cột đèn cao. Bởi lẽ xe trong nội thành chủ yếu là xe con, xe máy, chạy với vận tốc nhỏ.
Hay như tại những ngõ nhỏ đối diện đường Lương Thế Vinh, Nguyễn Quý Đức…cũng được lắp những chiếc đèn cao ngất. Chắc hẳn sẽ chẳng ai nghếch cổ để nhìn những chiếc đèn treo cao lại quá gần này.
Theo các chuyên gia, việc lắp đèn cao hay thấp, độ vươn nhiều hay ít, hai pha hay nhiều pha... được căn cứ vào quy mô làn đường, làn xe và vận tốc xe, độ dài làn chờ, bề rộng nhánh dẫn…Theo đó, tại Hà Nội chỉ cần lắp những cột đèn có độ cao từ 2,5 đến 4 m là phù hợp.
Theo chủ đầu tư, hạng mục lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu đã ngốn 2,5 triệu USD (40 tỷ đồng) với trên 70 nút. Trong đó có 55 nút đèn lắp mới và 23 nút đèn được thay thế. Tính trung bình mỗi nút đèn tín hiệu có giá trị khoảng 30.000 USD.
Về “tính hiện đại” và đồng bộ của các nút đèn, theo Tiền Phong, phần cột đèn được gia công trong nước (loại cột hình tròn, lại có loại hình bát giác); phần đèn được nhập ngoại và trung tâm điều khiển vẫn được “tận dụng”.
Dư luận đang bức xúc đặt câu hỏi: 23 nút đèn giao thông bị thay thế do đã hỏng hay quá lạc hậu đến mức phải phá đi để đầu tư thêm cả chục tỷ đồng thay mới, trong khi các nút đèn giao thông này vẫn hoạt động tốt.
Hiệu quả và mỹ quan của các nút đèn này có phần còn “trội” hơn các nút đèn mới. Về giá thành, các nút đèn trước đó chỉ có giá khoảng 200 triệu đồng/nút. Trong khi đó, các nút đèn mới đắt gấp đôi: 450 triệu đồng/nút, thậm chí có nút đèn giá cao hơn nhiều.
Không chỉ lãng phí cả chục tỷ trong đầu tư hệ thống đèn mới, việc vận hành các nút đèn quá rối rắm đang hàng ngày “đốt” tiền ngân sách.
Ví như: Nút giao thông Trần Hưng Đạo - Lê Thánh Tông có đến 9 cột đèn (52 bóng); Nút Kim Giang có 12 cột đèn với 53 bóng; Nút Hạ Đình có 14 cột đèn (54 bóng); Nút Lương Thế Vinh (13 cột, với 67 bóng) …
Trung bình mỗi nút đèn mới có đến 50 bóng, công suất 75W/bóng (chủ yếu bóng to, rất ít bóng đèn nhỏ). Điều này đồng nghĩa với việc ngân sách thành phố đang bị “đốt” mỗi ngày.
Trong khi đó, hiện nút giao thông quan trọng Nguyễn Thái Học - Chu Văn An cũng chỉ cần có 7 cột đèn với 27 bóng (có nhiều bóng nhỏ) nhưng hiệu quả điều tiết giao thông và hiệu quả thẩm mỹ cao hơn hẳn các nút đèn vừa lắp đặt.