Một điều bạn không nên bỏ lỡ khi đến Brest, thành phố của Belarus, nằm cạnh biên giới với Ba Lan, là dạo phố và ngắm những ngọn đèn lần lượt được thắp sáng trên đường Sovetskaya lúc hoàng hôn. Mỗi chiều, người đàn ông cầm chiếc bật lửa đi dọc con phố, dựng thang sát cột đèn rồi leo lên đốt từng chiếc đèn đường bằng dầu hỏa. Sau khi 17 ngọn đèn trên đường Sovetskaya được thắp sáng, bạn liền nghe thấy tiếng nhạc du dương phát ra từ góc nào đó, không khí rất nên thơ. Du khách có thể thoải mái chụp hình với người thắp đèn, và xoa nhẹ lên cúc áo cũ của ông, cầu mong điều ước thành hiện thực.
Du khách xem cảnh đánh đèn đường ở Brest. Video: Douyin
Nhiều thế kỷ trước, tại châu Âu và Mỹ, người đánh đèn có nhiệm vụ thắp sáng những ngọn đèn đường bằng nến, khí đốt hoặc dầu hỏa mỗi chiều. Nó được xem là một trong những nghề lâu đời, độc đáo và lãng mạn nhất thế giới. Ngày nay, khi hầu hết đèn đường đều được thắp bằng đèn điện thì nghề này gần như biến mất, ngoại trừ ba thành phố: London (Anh), Wroclav (Ba Lan) và Brest (Belarus).
Ở Brest, nghề đánh đèn xuất hiện từ đầu thế kỷ 20. Ban đầu họ sử dụng nến paraffin, sau đó là đèn dầu. Tới giữa thế kỷ 19, đường phố Brest được thắp sáng bởi 26 ngọn đèn chứa đầy hỗn hợp cồn và nhựa thông. Cuối cùng, nó được thay thế bằng dầu hỏa và sử dụng cho đến năm 1926 thì ngưng.
2009, năm kỷ niệm thứ 990 của thành phố, nghề đánh đèn quay trở lại tại Brest và duy trì tới nay. Chạng vạng, Viktor Kirisjuk - người đánh đèn quen thuộc với du khách - xuất hiện trong bộ đồng phục kiểu cũ tại phố Sovetskaya dành cho người đi bộ, mang theo chiếc thang và bật lửa, thắp sáng 17 ngọn đèn dầu cổ kính trên phố. Thời điểm thắp đèn không cố định, thay đổi dựa theo thời gian mặt trời lặn.

Người đánh đèn quen thuộc với du khách trên phố Sovetskaya. Ảnh: The Sane Travel
Kể từ khi xuất hiện trở lại, cách đốt đèn thủ công này trở thành truyền thống của Brest, thu hút hàng trăm du khách đến xem mỗi ngày. Viktor Kirisjuk - người kiêm cả việc canh gác, tuần tra thị trấn - cũng trở nên nổi tiếng khắp thành phố. Buổi chiều, luôn có đám đông du khách đứng chờ để được nhìn thấy ông mang ánh sáng đến cho khu phố, rồi sẽ tắt từng chiếc đèn khi bình minh lên.
Diệp Tử