![]() |
Vũ trụ luôn mê hoặc những tâm hồn phiêu lưu. |
Tại một ngôi làng bên bờ biển xinh đẹp thuộc vùng Gloucester, bang Massachusetts, Mỹ, trên mũi đất Cape Ann, một ngôi nhà ván ghép màu xám đứng khác biệt hẳn so với những ngôi nhà khác. Nó có một mái vòm màu trắng nhô lên trên nóc nhà với một chiếc cửa chớp trượt mở hướng lên bầu trời và một kính thiên văn rất mạnh bên trong. Vào thời điểm thiên văn học nghiệp dư ngày càng trở nên phổ biến, một phần nhờ vào sự sẵn có của các thiết bị công nghệ cao như máy ảnh kỹ thuật số ghi hình bằng tia hồng ngoại, tiến sĩ Motta và vợ ông, Joyce, là hai trong số ngày càng tăng những người Mỹ xây đài thiên văn cho ngôi nhà của họ.
Khi những người Mỹ thế hệ hậu chiến và cả những chuyên gia công nghệ giàu có, đến tuổi về hưu, họ thường có những sở thích mang tính "thách thức" như thiên văn học, và họ cũng có đủ tiền bỏ ra để xây đài thiên văn cho riêng mình. Đó là nhận xét của Richard Olson, Chủ tịch của Công ty chế tạo Ash ở Plainfield, bang Illinois, chuyên sản xuất mái vòm kim loại cho các đài thiên văn. Ông cho biết, khách hàng của ông trước đây thường là các viện nghiên cứu và viện hàn lâm, nhưng trong vòng 5 năm trở lại đây các tư gia đã bắt đầu đưa ra yêu cầu, có đến 25% lượng hàng là bán cho những người như Steve Cullen, phó chủ tịch cấp cao đã nghỉ hưu của tập đoàn Symantic, người đang xây nhà và đài thiên văn trên một diện tích đất 190 mẫu Anh (khoảng 76 ha) ở Rodeo, bang New Mexico.
![]() |
Công nghệ lọc ánh sáng mới tạo khả năng xây các đài thiên văn tại gia. Thậm chí, ở Chicago nơi John Spack, một nhân viên kế toán, đã xây dựng một đài thiên văn trên nóc nhà của mình. |
Ông Cullen nói, ông chọn địa điểm này vì nó có "bầu trời tốt nhất và thời tiết quang đãng nhất ở Mỹ cho việc chụp ảnh không gian" (hầu hết các loại kính thiên văn phức tạp ngày nay cho phép thêm vào máy ảnh kỹ thuật số). Ông dự tính tổng chi phí cho đài thiên văn đang dược xây dựng của mình khoảng 340.000 USD, bao gồm một kính thiên văn trị giá 225.000 USD, nhưng dự án của ông là một dự án có giá trị lớn.
Theo các thương nhân bán lẻ thiết bị thiên văn, hầu hết các đài thiên văn tại gia đều có các thiết bị trị giá từ 10.000 đến 40.000 USD, bao gồm kính thiên văn, máy tính, kính nhìn xa khúc xạ, kính lọc và hệ thống theo dõi. Tổng chi phí cho một đài thiên văn có thể từ 50.000 đến hơn 500.000 USD tuỳ thuộc vào độ tiên tiến của thiết bị, kích cỡ và độ phức tạp về cấu trúc.
Tiến sĩ Motta cũng chụp ảnh không gian xa xôi từ đài thiên văn của mình, gửi những hình ảnh về thiên hà lên mạng và đăng trên các báo và tạp chí về thiên văn. Kính thiên văn mà ông tự thiết kế cho riêng mình nặng khoảng trên 45 kg và sẽ rất cồng kềnh để mang ra bên ngoài nếu ông không có một đài thiên văn. Và giống như hầu hết các loại kính thiên văn phức tạp khác, nó cũng đòi hỏi ít nhất một giờ cho việc hiệu chuẩn một cách cẩn thận nếu bị dịch chuyển.
"Lý do tại sao người ta không sử dụng kính thiên văn là vì họ mất nhiều công sức để mang chúng ra ngoài và lắp đặt lại. Bây giờ nếu tôi muốn thức dậy lúc 3h và quan sát cái gì đó, tôi chỉ việc mở các cửa chớp ra", John Spack, 50 tuổi, một nhân viên kế toán, người đã cho xây một đài thiên văn mái vòm trên nóc nhà mình ở Chicago năm ngoái nói.
Giống như các đài thiên văn ở các bảo tàng nghiên cứu và các trung tâm nghiên cứu, hầu hết các đài thiên văn tại gia ngày nay đều có máy tính xoay mái vòm để kính thiên văn được hướng chính xác về phía mà người sử dụng muốn quan sát. Khi đã xác định một điểm trong không gian, mái vòm tiếp tục quay chầm chậm để kịp với chiều quay của trái đất làm sao cho hình ảnh không bị lệch khỏi tầm ngắm.
"Đó đều hoàn toàn tự động và thực sự là công nghệ cao", ông Spack nói. Ông ước tính sẽ sử dụng ít nhất 100.000 USD để xây và trang bị cho đài thiên văn của mình. Rất nhiều đài thiên văn tại gia cũng cho phép các quan sát qua kính thiên văn từ xa qua bất kỳ một máy tính có kết nối internet nào.
Roy và Elise Furman, đang sở hữu một công ty phần mềm, quan sát vũ trụ qua kính thiên văn đặt tại đài thiên văn ở nhà nghỉ của họ tại Portal, bang Arizona cả khi họ ở đấy và khi họ ở tại nhà ở Philadelphia. "Bầu trời Philadelphia quá ô nhiễm, chúng tôi thất vọng khi cố làm thiên văn ở đó", bà Furma, 45 tuổi nói. Vì vậy, cặp vợ chồng này đã mua bất động sản tại Portal cách Rodeo khoảng 10 dặm và là một phần của một cộng đồng có tên là Arizona Sky Village (Làng bầu trời Arizona) được thành lập năm 2003. Một nửa trong số 15 ngôi nhà gạch ở đây có đài thiên văn mái vòm, và thêm hơn 5 ngôi nhà có đài thiên văn đang được xây dựng. "Chúng tôi là một nhóm những người yêu thích thiên văn học nhìn qua kính thiên văn của mình vào giữa hư không", ông Furma, 57 tuổi nói.
![]() |
Hầu hết các đài thiên văn tại gia đều có các thiết bị trị giá từ 10.000 đến 40.000 USD, bao gồm kính thiên văn, máy tính, kính nhìn xa khúc xạ, kính lọc và hệ thống theo dõi. |
Sự phát triển của các khu vực dân cư yêu thích thiên văn học gồm Deerlick Astronomy Village (làng thiên văn học Deerlick) ở Sharon, bang Georgia, cách đông Atlanta 100 dặm được thành lập năm 2004, và Chiefland Astronomy Village (Làng thiên văn học Chiefland) ở Chiefland, trên bờ biển tây của bang Florida thành lập từ năm 1985, là nơi cho các nhà thiên văn học nghiệp dư mua và thuê để cắm trại. Trong vòng 5 năm gần đây, rất nhiều ngôi nhà có đài thiên văn đã được xây dựng ở đây.
Công ty Technical Innovations, một công ty ở Gaitherburg, bang Meryland, thành lập năm 1991, chuyên sản xuất mái vòm đài thiên văn cho các trường đại học và cơ quan chính phủ, nhưng từ 2002 các khách hàng là cá nhân đã chiếm 60% trong số 1.400 mái vòm đã được bán.
Các mái vòm ở các đài thiên văn tại gia thường được làm từ kim loại và sợi thủy tinh với kích cỡ đường kính từ khoảng 2,4 đến 9,2m. Chúng được bán thành bộ với giá từ 5.000 USD tùy thuộc vào kích cỡ, chất liệu và các tính năng. Giá đó bao gồm một hệ thống được lắp mô tơ với máy tính điều khiển để mở cửa chớp trượt của mái vòm và quay mái vòm.
Kính thiên văn bên dưới mái vòm đòi hỏi phải có một "nền chuyên biệt để nó không bị ảnh hưởng bởi những rung động truyền tới do người đi lại quanh nhà", Gregory La Vardera, một kiến trúc sư ở Merchantville, bang New Jersey, người đã thiết kế đài thiên văn cho ông Cullen nói. Điều này đòi hỏi phải luôn nâng thiết bị lên trên một trụ bê tông riêng biệt. Phần giá đỡ của kính thiên văn được chốt với trụ bê tông, và giá đỡ này được lắp mô tơ để nó có thể xoay kính thiên văn đồng thời với mái vòm.
Ông La Vardera cho biết, các đài thiên văn không thể lắp đặt điều hoà không khí bởi vì bất kỳ sự khác biệt nào giữa không khí bên trong và bên ngoài sẽ làm gây sai lệch quang học của kính thiên văn. Để thoải mái, hầu hết các đài thiên văn tại gia đều có một phòng điều khiển có điều hoà không khí và cách ly riêng biệt chứa tất cả các thiết bị máy tính. Những phòng này thường trông giống như là phòng làm việc với rất nhiều bức ảnh về không gian vũ trụ treo trên tường.
"Tôi có rất nhiều sách thiên văn học trên giá sách để tôi có thể cảm thấy mình am tường", ông M. Eric Gershwin, Trưởng khoa miễn dịch học lâm sàng của Đại học California, nói về phòng điều khiển trong đài thiên văn ở nhà mình ở TP Davis, bang California. Là một nhà thiên văn học nghiệp dư đầy khao khát, ông Gershwin, 61 tuổi, đã cho xây đài thiên văn 10 năm trước và từ đó ông vẫn tiếp tục cập nhật các thiết bị và hệ thống điều khiển. "Bạn không bao giờ hoàn thiện được cả. Hiện tại tôi đang nâng cấp những chiếc máy tính", ông nói.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)