>> Tai nạn tàu hỏa, 13 người chết
Chiếc xe khách “chất lượng cao Mỹ Hùng” (49H-9076) có lộ trình Đà Lạt - Huế - Đông Hà, mới xuất phát từ Đà Lạt lúc 18h chiều 8/2 thì đến 23h10 cùng ngày đã đâm gãy barie đường sắt của trạm chắn Trại Cá (thuộc thôn Hòa Diêm, xã Cam Thịnh Đông, Cam Ranh, Khánh Hòa).
Sau khi làm anh Hoàng Mai Tình (nhân viên của trạm này đang đứng canh chắn đường cho tàu SE1 chạy qua) bị thương nhẹ do barie gãy quật trúng chân, chiếc xe khách đang chở 41 hành khách đâm thẳng vào một toa gần cuối đoàn tàu. Tàu SE1 kéo xe khách chạy theo một đoạn dài đến gần 20m. Chiếc xe khách gần như bị tan nát và văng gọn xuống mương bên đường tàu.
Chiếc xe bị tai nạn. |
Đoàn tàu SE1 gần như chẳng bị hư hại gì, sau khi dừng lại cứu người và để làm các thủ tục theo quy định, đã tiếp tục hành trình. Những người dân ở gần nơi xảy ra tai nạn và cả đại úy Nguyễn Văn Khải - đội trưởng Đội tuần tra cảnh sát giao thông Công an Khánh Hòa tại Cam Ranh - đều cho biết đã tìm thấy nhiều nạn nhân bị văng xuống mương ở hai bên đường tàu.
Thông tin về số nạn nhân bị chết cứ tăng lên vùn vụt: mới đầu chỉ bốn người chết nhưng liền đó tăng lên bảy người... tám, chín người..., cuối cùng số nạn nhân xấu số quy tập bên lề đường lên tới 13 người (có ba nữ). Trong đó có hai tài xế xe khách, hai nhà sư của thiền viện Vạn Hạnh, một ni cô ở chùa Tâm Ấn (đều ở Đà Lạt), hai học viên sĩ quan tại Đà Lạt và một số người đi làm thuê trở về quê nhà... Số nạn nhân bị thương phải đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Cam Ranh là 26 người.
Trong số người ngồi trên chiếc xe khách chỉ có hai người may mắn bị thương nhẹ, không phải vào cấp cứu và vẫn còn ở lại được hiện trường. Đó là anh Nguyễn Đức Hoàng (56 tuổi) và anh Phan Tài Lượng (43 tuổi). Gặp chúng tôi, anh Hoàng kể trong nước mắt: “Cả năm anh em tui cùng về Đông Hà để chịu tang và lo mai táng cho mẹ già vừa mới mất. Vậy mà bây giờ chỉ còn mỗi mình tui ngồi lại ở đây. Ba cô em gái đang cấp cứu tại bệnh viện. Còn anh trai là đại đức Thích Không Trung đã bị chết, đang nằm ngoài kia cùng với một sư thầy của mình”. Qua ánh đèn, tôi nhiều lần nhìn thấy anh Nguyễn Đức Hoàng cứ đưa tay lau nước mắt rồi nhìn vào màn đêm xa xăm.
Tình cảnh của anh Phan Tài Lượng cũng rất đáng thương. Anh thẫn thờ kể lại một cách ngắt quãng: “Nhóm sáu anh em tui cùng lên xe lúc chiều thì bây giờ ba người đã chết, hai người đang cấp cứu. Trong số người chết có anh Trần Trọng Thỉ là người đưa mấy anh em đều là bà con họ hàng và cùng quê vào Đà Lạt hơn ba tháng trước để làm thợ hồ xây nhà cho một người thân. Hai người nữa là anh Ái và anh Tú đều để lại vợ nghèo và các con nhỏ ở ngoài Đông Hà (Quảng Trị)”. Anh Lượng cho biết mấy anh em cùng về để mang tiền đã kiếm được cho vợ con lo tết.
Tại Bệnh viện Cam Ranh, anh Trần Văn Cương (43 tuổi, cùng nhóm đi làm thuê với anh Phan Tài Lượng) bị gãy chân cùng nhiều thương tích nặng. Khi nghe kể tên những người tử nạn, anh Cương nghẹn ngào kêu lên: “Vậy là nhà tui có tới ba người bị chết, anh ơi!...”.
Nằm kế bên cùng phòng cấp cứu với anh Cương là hai nữ sinh cùng quê Quảng Trị, cả hai nằm chung một giường. Đó là Nguyễn Thị Minh Nguyệt (năm 1 khoa anh văn Đại học Đà Lạt) bị gãy chân và Nguyễn Thị Diệu (lên Đà Lạt để học thêm chuẩn bị thi đại học) cũng bị thương khá nặng. Nguyệt và Diệu đều khóc cho biết từ khi đi học đến nay đây là chuyến về quê đầu tiên...
Nơi xảy ra tai nạn vương vãi hành lý của nạn nhân. |
Hai nạn nhân khác là anh Trần Thanh Bình và anh Phan Thanh Phong bị thương nhẹ hơn đều nói rằng: chiều 8/2, trước khi khởi hành tại Đà Lạt, có hai xe “chất lượng cao Mỹ Hùng” phải chờ sinh viên Đà Lạt thi xong mới chạy đến chỗ trọ để đón các bạn cùng đi. Tất cả có 14 sinh viên đăng ký, trong đó có ba người ở Phú Yên, Quảng Ngãi do đi theo xe chạy trước nên thoát nạn. Còn lại 11 sinh viên cùng quê ở Huế, Quảng Trị đi chung xe 49H-9076 và gặp nạn.
Trước đó, tại hiện trường ngổn ngang nhiều thứ còn sót lại có cả giáo trình, hình ảnh lưu niệm lẫn cùng cà rốt, mứt dâu, hoa tươi Đà Lạt... Vậy là quà xuân, hoa tươi... cùng với 13 nạn nhân tử vong đã mãi không về với gia đình, người thân.
Khánh Hòa: hỗ trợ mỗi người bị nạn 1 triệu đồng
Tối 9/2, ông Nguyễn Chiến Thắng, phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết đã quyết định hỗ trợ ngay mỗi nạn nhân (kể cả bị chết hoặc bị thương) 1 triệu đồng, đồng thời tổ chức việc cấp cứu kịp thời cho tất cả nạn nhân bị thương. Sáng qua lãnh đạo tỉnh và thị xã Cam Ranh đã đến thăm hỏi, động viên và trao tiền hỗ trợ cho các nạn nhân đang cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện thị xã Cam Ranh và Bệnh viện tỉnh. Cũng tối qua, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, nói đến khoảng 16 giờ chiều qua tất cả thi thể nạn nhân chuyển về bệnh viện này đều đã được thân nhân nhận đưa về mai táng. Vào 16 giờ cùng ngày, các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy đã có mặt tại Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa để cùng phối hợp phẫu thuật, chữa trị cho năm nạn nhân nặng. Tổng công ty đường sắt hỗ trợ nạn nhân vụ tai nạn Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn giữa ôtô khách với tàu SE1, ông Nguyễn Hữu Bằng, tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt VN, đã chỉ đạo Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn cử người thường trực giải quyết, đưa các nạn nhân về quê. Ngoài việc hỗ trợ mỗi nạn nhân thiệt mạng 2 triệu đồng, miễn phí vé tàu cho người bị thương có nhu cầu đi tiếp, Tổng công ty đường sắt còn hỗ trợ khẩn cấp mỗi người bị thương nặng 1 triệu đồng, bị thương nhẹ 500.000 đồng và tạo điều kiện cho thân nhân người chết đưa thi thể về quê. |
(Theo Tuổi Trẻ)