Buổi chiều, thành phố Lạng Sơn bỗng nhiên mưa phùn, nhiệt độ xuống dưới 10 độ C. Cái lạnh “cắt da, cắt thịt” đến mức người dân không muốn ra khỏi cửa, chỉ ngồi quây quần bên bếp than củi. Ông Nguyễn Thắng Lợi, Chi cục trưởng quản lý thị trường Lạng Sơn cảnh báo: “Nơi các bạn muốn tham gia ‘chiến đấu’ đêm nay còn lạnh hơn thời tiết trong thành phố rất nhiều”. Ông khuyên nhóm “săn hàng lậu bất đắc dĩ” phải chuẩn bị thêm áo rét, quần ấm, mũ len, giày ba-ta nếu muốn "vác thân" về đất Hà Nội.
Theo sự sắp đặt của Chi cục trưởng, đoàn phóng viên sẽ được một đêm mắt thấy tai nghe tình hình buôn lậu ở đất biên giới xứ Lạng này với Đội quản lý thị trường số 2. Lúc 15h cùng ngày, anh em kéo nhau lên chợ cửa khẩu Tân Thanh mua sắm những vật dụng cần thiết cho chuyến đi “gian nan” sắp tới. Đúng như cái tên chợ biên giới, ở đây, cả người Việt lẫn người Trung ngồi bày bán la liệt đồ “nhập khẩu” lậu, chủ yếu là những mặt hàng điện tử, quần áo, chăn màn… Nói là rẻ nhưng đồ trong chợ bán giá cũng gần bằng dưới xuôi, nếu không biết mặc cả, người ta dễ bị “hớ” và mua đắt. Sau một hồi dạo quanh chợ, cuối cùng 4 người cũng sắm đầy đủ áo len, áo thun lót bên trong để chống chọi với cái lạnh vùng biên.
Xe chở gà lậu trên đường vào thành phố Lạng Sơn. |
Trước đó, qua trao đổi với ông Lợi cho thấy, càng gần dịp Tết, dân buôn lậu hoạt động trở nên tấp nập và có những thủ đoạn tinh vi, manh động. Có một điểm mới, thời gian gần đây, chủ hàng không đứng ra trung chuyển mà họ thuê hẳn một đội ngũ vận chuyển thuê. Khi nhận hàng, người ta được “khoán trắng” toàn bộ giá trị của chuyến hàng đó, nếu bị tịch thu thì gắng nai lưng ra đền. Chính điều này làm cho lực lượng vận chuyển thuê luôn cảnh giác cao độ và tìm mọi phương cách để đối phó với cơ quan chức năng. Họ thường “đánh” hàng vào ban đêm, khi mà những tiếng gà rừng kêu lần thứ ba. Họ luồn lách, len lỏi trên những con đường mòn qua núi. Một điều khác, ông Lợi “khuyến cáo” với anh em phóng viên nên sắm thêm chiếc mũ cối đội để tránh những viên đá biết bay (dân vận chuyển thường ném đá vu vơ xem tình hình có bị “mai phục” trước khi bắt đầu chuyển hàng) trong đêm giữa núi rừng.
19h, anh em phóng viên ăn vội vàng để đi sau khi có tin nhắn từ phía ông Hiệu, Đội trưởng đội 2. Tránh bị lộ ngay từ lúc khởi hành, ông Hiệu cùng hai cán bộ khác đi xe từ trên Dốc Quýt xuống đón đoàn tại một địa điểm đã hẹn trước. Ông Hiệu nói: “Đội quân "chim lợn" (người cảnh giới cho chủ hàng) ở đây chỗ nào cũng có. Vì vậy, bí mật là yếu tố quan trọng để thắng lớn mỗi lần ra quân”. Hơn 20h, xe ôtô chở đoàn phóng viên trên đường hướng về cửa khẩu Tân Thanh. Đang đi, anh Ngọc, cán bộ Đội 2 bỗng phát hiện một chiếc xe máy chở gà lậu đi ngược chiều. Lái xe cho ôtô lùi lại, người chở gà lao lên con dốc, cố chạy. Cuộc rượt đuổi diễn ra gần 10 phút, người đàn ông rơi vào đường cụt. Toàn bộ số gà gần 100 con được anh Ngọc lái cả xe về trung tâm Đội. Tới nơi, vừa dỡ gà xuống, anh Ngọc vừa xuýt xoa vì lạnh, bảo: “Hôm nay ra quân may mắn, mới ra khỏi thành phố đã tóm được gà lậu”.
Gần 21h, anh Hiệu báo cho cả đoàn lên đường “làm nhiệm vụ”. Ba cán bộ “đặc nhiệm” chuyên săn hàng lậu, được bố trí “tháp tùng” nhóm phóng viên. 8 người lên ôtô đi đến Bản Liếp. Lái xe thả lực lượng trinh sát lại rồi phóng về Đội. Lúc này, anh Ngọc chia số người thành hai nhóm, nấp vào bụi chuối, cây cối bên đường ở địa điểm Lò Gạch. Một vài nhà dân vẫn để đèn sáng nên mọi người chưa thể di chuyển tiếp. Tất cả đoàn lúc này đều phải im lặng, dù một tiếng thì thào cũng có thể làm lộ đội hình. Ngồi trong bụi rậm chừng nửa giờ, mọi thứ trở nên yên ắng, nhóm anh Ngọc dẫn hai phóng viên vượt quả đồi trước mặt đi thám thính trước, nhóm người còn lại lũi cũi theo sát sau anh Tùng (cán bộ Đội 2). Trời về đêm trở nên lạnh căm căm, thẩm thấu qua cả chiếc mũ len dày của mọi người. Tuy thế, không ai bảo ai, đi hết sức nhẹ nhàng, tránh gây ra tiếng sột soạt trong đêm.
Vừa ra quân, Đội 2 đã bắt được một xe máy chở gà nhập lậu. |
Vừa đi, vừa lần mò đường, người nọ nối tiếp người kia rẽ cây, gai rừng dưới chân mà bước. Cánh phóng viên không quen địa hình nên cứ theo quán tính đi. Qua một quả đồi cao nữa, anh Tùng vẫn chưa lệnh đi tiếp vì cách đó chừng ba dãy đồi núi nhấp nhô, có một đám lửa cháy của đội chim lợn đang ngồi theo dõi những tiếng động lạ xung quanh. Được chừng nửa giờ, anh Tùng dẫn cả nhóm băng qua đường nhựa để sang quả đồi kế bên. Tiếng chó sủa dữ dội. Cả đoàn bấm nhau bảo, có lẽ bị lộ. Nhưng một lúc sau, mọi vật lại trở nên tĩnh lặng. Thời tiết ngày càng lạnh gắt, một phóng viên muốn châm điếu thuốc hút cho ấm người nên hỏi qua anh Tùng nhưng không được.
Đi bộ gần hai tiếng, cuối cùng hai nhóm gặp nhau giữa một bãi đất trống. Sau những phút nghỉ ngơi ngắn ngủi, cả đội đi tiếp. Anh Ngọc dặn: “Khu vực này có nhiều hào sâu từ chiến tranh biên giới Việt - Trung xưa để lại. Mọi người chú ý đi sát nhau để không bị rơi xuống hào”. Có vẻ như quen với việc băng rừng lội suối nên 3 “trinh sát” thực thụ của Đội 2 không hề mệt mỏi, bước đi nhanh nhẹn, còn nhóm phóng viên mệt thở bằng mồm sau 3 tiếng quần thảo trong rừng. Qua những chỗ cao, trơn, dốc, anh em phải hỗ trợ kéo nhau lên để đến chỗ “tập kết”- Dốc Ngán.
Một đêm phục kích hàng lậu, cán bộ Đội quản lý thị trường số 2 ra về với sự phấn khởi. |
Tới đây, mọi người lại chia làm hai nhóm, phục kích hai bên sườn núi. Mỗi người tự tìm chỗ ẩn nấp dưới bụi cây xung quanh. Thỉnh thoảng, có tiếng xe Minsk của đám “chim lợn” ầm ầm chạy qua thám thính. Những lần như vậy, tất cả lại nín thở, nằm dạt xuống đất, im lặng cho đến khi họ đi khuất. Nhiệt độ giữa đêm đã xuống 2 độ C, sương rơi ướt đẫm cành lá rừng. Mặc dù vậy, anh em vẫn trùm kín mũ len, nằm đợi chờ giữa rừng. Tính ra, đoạn đường cả đội đi gần 10km đường rừng. Chân đau, mỏi, người lạnh buốt, song ai cũng mong bắt được dân buôn lậu qua khu vực xã Phú Xá, huyện Cao Lộc này.
Gần 1h đêm, anh Ngọc nhận được lệnh của sếp Hiệu đưa phóng viên về vì sợ mọi người ốm, và bởi buổi sáng còn phải về Hà Nội. Mọi người vẫn còn dùng dằng nhưng có tiếng sụt sịt vì lạnh nên anh Ngọc tập hợp anh em lại rồi theo lối mòn hai bên trạm Dốc Quýt xuống đường. Xe ôtô đã chờ sẵn ở đó. Về đến Đội 2, cả đoàn được ăn bát cháo gừng nóng làm cho người ấm lên. Dù không “tóm” được chuyến buôn lậu nào trong đêm ấy nhưng mọi người thực sự vui và cảm nhận được trách nhiệm công việc của những người trong nghề.
Quang Việt