Lương Đình Khoa
(Truyện ngắn của tôi)
So với bạn bè cùng độ tuổi, tôi tự thấy mình là một người đàn ông thành đạt. Sự nghiệp, gia đình, bạn bè, tôi đều đã có được và dừng lại ở một mức độ khiến tôi tạm hài lòng, đủ để thấy mình là một người may mắn. 30 tuổi, tôi là phó giám đốc của một công ty xuất nhập khẩu lao động làm ăn thuận lợi, có mối quan hệ, tình bạn thân thiết đặc biệt với giám đốc công ty, có một gia đình nhỏ bình yên và hạnh phúc với người vợ trẻ đẹp đảm đang, biết quan tâm chăm lo cho chồng con, vun vén cho gia đình cùng một cô con gái nhỏ ba tuổi rưỡi đáng yêu hơn cả một thiên thần.
Trong những năm tháng cuối cùng của quãng đời sinh viên, tôi không dám hình dung tương lai của mình sau này sẽ hanh thông và thuận lợi như vậy. Sự bận rộn của những kỳ thi cùng những lo lắng thông thường của bất kỳ một gã sinh viên năm cuối nào trước khi ra trường cộng với một số chuyện buồn của gia đình đã cuốn tôi đi trong vòng quay căng thẳng và mỏi mệt đến ngạt thở. Đôi lúc, tôi không bình tĩnh được, hay buồn bực, cáu gắt vô cớ. Tôi không còn thời gian dành cho chuyện yêu đương và suýt nữa thì một mối tình đẹp cũng đã "khăn gói ra đi".
Nàng hơn tôi hai tuổi nhưng lại học cùng khoá. Ngày đó, lớp tôi và lớp nàng cùng học vào buổi sáng, ở cùng một dãy hành lang. Nàng sở hữu một chiều cao đủ để đi thi hoa hậu, một mái tóc dài, khuôn mặt búp bê và một làn da trắng hồng không son phấn. Còn tôi kính cận, tóc quăn, không đến nỗi nào nhưng cũng không phải là nổi bật trong đám con trai cùng lớp, lúc nào cũng đầu vuốt keo, cười nói điệu đà như con gái và quần áo hàng hiệu đắt tiền bóng lộn. Thế nên bạn bè vẫn bảo số tôi may mắn, đào hoa. Chúng thắc mắc không hiểu nàng kết tôi ở điểm gì?
Đôi lúc ngồi một mình, tôi cũng đã nghĩ vẩn vơ và tự hỏi lòng như vậy. Học tập ư? Không phải, vì tôi chỉ đứng vào top giữa của lớp. Sự giản dị, chân thành ư? Không hẳn, vì chỉ có hai điều ấy thôi cũng chưa đủ để anh kéo một cô gái về phía mình. Hay là thơ - những vần thơ lãng đãng bộc lộ một cái tôi khao khát mãnh liệt và say đắm với cuộc đời này, đã được đăng tải khắp các báo từ trung ương đến địa phương khiến cho hòm thư lớp XB24 của tôi hôm nào cũng chật cứng, với hai phần ba trong số đó là dành cho tôi vì sự mến mộ? Nghe đồn đã có lần nàng đọc một bài thơ ngắn của tôi trong sinh nhật của cô bạn thân. Liệu có phải là như thế? Cũng chưa chắc vì chưa bao giờ nói chuyện với tôi mà nàng đề cập đến công việc sáng tác của tôi cả. Có ai đó đã viết rằng tình yêu nói bằng một ngôn ngữ riêng và một quyền lực huyền bí không thể lý giải được. Và tốt nhất là anh hãy biết giữ gìn, tận hưởng nó, chẳng nên cắt nghĩa một cách quá rạch ròi.
Nàng ở trong ký túc xá của trường, còn tôi trọ ở ngoài với một anh bạn cùng quê tên Ngọc, hơn tôi ba tuổi. Ở ký túc xá có quy định không cho sinh viên thổi nấu trong phòng mà nàng lại người có sở thích nấu nướng và nấu ăn khá ngon nên hay ra khu trọ của tôi thể hiện. Đêm nào trước khi đi ngủ, tôi cũng tâm sự với Ngọc về chuyện tình cảm của mình, nói anh nghe sở thích, tính cách của con người nàng để khi giữa hai người có đôi chút mâu thuẫn, hiểu lầm thì Ngọc lại là người ở giữa đứng ra hòa giải, chỉ cho tôi cách để giữ cho con tim nàng luôn bên tôi.
Anh thành một người bạn thân thiết đặc biệt với tôi và nàng. Anh biết cách chia sẻ, lắng nghe và quan tâm đến người khác, cho họ cảm giác khi tiếp xúc, trò chuyện với anh một lần rồi lại muốn có lần thứ hai. Ngay cả sau này, bé Na – con gái của chúng tôi cũng vậy, luôn mong chờ cuối tuần bác Ngọc đến chơi. Nó biết anh thường đến vào tầm chín giờ sáng nên hôm đó nhất định sẽ nằm lỳ trên giường không chịu dậy, chờ bác Ngọc vào đánh thức, nhấc bổng nó lên, dụi dụi bộ râu quai nón vào cổ con bé khiến nó cười sằng sặc, đến khi kêu lớn lên vì rậm mới thôi. Nếu như cuối tuần nào đó mà anh có việc bận đột xuất không tới được, tôi cảm nhận được sự trông ngóng của vợ và con gái mình. Bữa cơm hôm ấy, các món vợ tôi nấu dường như kém ngon hơn hẳn và bé Na, nếu không có anh gọi điện dỗ dành, hứa sẽ mua quà đền, hẳn sẽ nằm trên giường cho đến tối, không chịu xuống ăn cơm.
Anh chính là giám đốc công ty xuất nhập khẩu lao động của tôi - kế nhiệm cái ghế của cha anh khi ông đột ngột qua đời trong một tai nạn. Và sau một khoảng thời gian dài thử thách, anh đã khéo léo nhấc tôi lên chức phó giám đốc công ty, trong nỗi cay cú của cậu em cùng mẹ khác cha với anh khi gã chỉ dừng lại ở chức trưởng phòng quản lý nhân sự.
Nhận được điện thoại của vợ thông báo đã giành giải nhất trong cuộc thi nấu ăn giỏi toàn thành phố mang tên Bàn tay vàng, tôi sung sướng muốn nhảy cẫng lên như một đứa trẻ. Một niềm tự hào dâng lên, lan mêng mang. Vậy là sở thích và tài nghệ của vợ tôi đã được ghi nhận, được đông đảo mọi người biết đến.
- Anh vui lắm em ạ! Giá như lúc này anh có mặt ở đó, nghe họ đọc tên em và trông thấy em yêu lên nhận giải.
- Vâng! Em cũng rất hạnh phúc. Nhưng cuộc sống là thế, có những điều không được như ta mong muốn đâu anh! Em không trách anh đâu vì công việc là quan trọng hơn cả, anh cố gắng hoàn thành cho tốt!
- Ồ, sao em lại nghĩ như vậy? Với anh, em và bé Na mới là quan trọng hơn cả. Thời gian vừa rồi anh biết là anh có lỗi, vì quá bận rộn với công việc mà chưa dành nhiều thời gian hơn cho em và con. Ngay bây giờ, anh sẽ ra mua vé máy bay để sáng mai kịp có mặt ở nhà chúc mừng em!
- Anh Ngọc nói với em công việc vẫn chưa giải quyết xong mà anh, sao anh lại bỏ về giữa chừng như thế? Chuyến đi này, công ty tin tưởng anh sẽ mang về một hợp đồng có giá trị, anh đừng làm mất đi lòng tin của mọi người như thế. Làm thế, em sẽ thấy mình có lỗi với anh và anh Ngọc lắm lắm!
Hai ngày sau, công việc đàm phán mới kết thúc, tôi vội vã trở về. Đón tôi ở phi trường là Ngọc, vợ và con gái tôi. Từ trên máy bay bước xuống, thấy ba người vui vẻ tươi cười bên nhau, cầm hoa chào đón tôi, tôi bất giác chạnh lòng. Một nỗi buồn mơ hồ không gọi được tên âm ỉ xâm chiếm. Nhất là sau khi xem lại cuốn băng ghi hình lễ trao giải cuộc thi Bàn tay vàng. Ngoài Ban giám khảo thưởng thức nón ngon vợ tôi nấu để chấm giải, còn có cả Ngọc nữa. Anh bước lên, tươi cười với một bó hoa lan tím trên tay - loài hoa mà vợ tôi yêu thích, đến bên vợ và con gái tôi, chúc mừng, ôm hôn, chụp ảnh... Có tiếng ai đó trong đám đông thì thầm:
- Nhìn gia đình họ thật hạnh phúc...
Tôi chết lặng trên chiếc ghế bành trong bóng đêm với những dòng suy nghĩ miên man vô định và không thể gọi ra được thành tên. Chỉ nghe lòng mình có một điều gì đó đè nặng và đang vụn vỡ.
Tôi ghi chú vào ngày 20 tháng 2 trong điện thoại là ngày sinh nhật của Ngọc nhưng hôm ấy, mãi đến xâm xẩm tối khi đi làm về, thấy vợ và con gái đang trang điểm rất kỹ càng, tôi lấy làm lạ, hỏi và mới nhớ ra. Vợ tôi khẽ trách yêu:
- Bạn bè thân thiết, gắn bó với nhau mà sinh nhật không nhớ, anh vô tâm quá!
- Anh nhớ đấy chứ. Nhưng hôm nay công ty có nhiều việc bận, anh chẳng có lúc nào ngơi tay để nghĩ đến mọi điều được. Lẽ ra em nên gọi điện nhắc anh mới phải.
Vợ tôi đến bên, cới áo khoác ngoài cho tôi và dịu dàng:
- Thì bây giờ vẫn còn kịp mà! Anh tắm rửa, thay đồ rồi mình đến nhà anh Ngọc dự tiệc.
Trên suốt đoạn đường đi dự sinh nhật hôm đó, ngồi bên cạnh vợ và con gái, tôi im lặng suy nghĩ. Hai từ "vô tâm" vu vơ còn ám ảnh vương vít nơi tâm trí tôi. Tôi sợ hai từ ấy, rất sợ. Vợ tôi không biết điều này. Hồi sinh viên, thầy dạy môn Cơ sở văn hoá Việt Nam đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về sự vô tâm, dửng dưng giữa con người với con người, đặc biệt là trong một gia đình.
Câu chuyện về một nguời đàn ông may mắn thoát chết trong một chuyến bay do trục trặc của một bộ phận nhỏ trên máy bay. Chỉ khi hạ cánh an toàn trên mặt đất, nhịp tim ông mới đập bình thường trở lại được. Ông vội vã về nhà, gặp vợ và con gái đang cắm nến sinh nhật. Ông kể cho vợ và con nghe về chuyến bay định mệnh vừa rồi, về sự lo lắng không chỉ cho tính mệnh của mình mà cho cả cuộc sống của vợ và con... Vợ ông mỉm cuời với một câu nói:
- Mọi chuyện cuối cùng đều đã qua, tốt đẹp rồi phải không anh? Anh lên gác chuẩn bị rồi xuống đón khách với mẹ con em.
Người đàn ông lê từng bước chậm chạm lên gác, ngồi giữa căn phòng tối cô đơn. Ông chợt nhận ra, vợ và con gái không hề quan tâm tới câu chuyện mà mình vừa kể. Trong khoảnh khắc, ông thấy mình cô đơn ghê gớm, như bị bỏ quên, lạc lõng giữa thế gian và ngay trong căn nhà nhỏ ấm cúng của mình. Cho đến khi chị vợ chờ lâu mà không thấy chồng xuống, chạy lên thì thấy ông đã treo mình lủng lẳng trên một sợi dây thừng.
Câu chuyện ấy đã ám ảnh tôi mãi, chỉ cho tôi thấy sự nguy hiểm ẩn dưới cái vỏ bọc được gọi tên là sự vô tâm, dửng dưng giữa con nguời với con người là như thế nào. Tôi đã cố gắng hoàn thiện mình để không bao giờ nghe người khác nhắc đến mình với hai từ "vô tâm" ấy. Vậy mà bây giờ, lần đầu tiên nó đã xuất hiện và trên đôi môi người vợ yêu quý của tôi. Có phải chăng tôi đang dần đánh mất mình?
Công việc làm ăn của tôi ngày càng thuận lợi và thăng tiến. Tôi giành được sự tín nhiệm cao trong công ty. Tôi biết có những người ngầm ủng hộ tôi ngồi vào chiếc ghế giám đốc nhưng tôi không thể. Trong mắt Ngọc, trong mắt vợ và con gái, tôi không thể là một kẻ vô tình, bội bạc.
Một buổi chiều muộn, tôi đang thu dọn bàn làm việc, chuẩn bị ra về thì nhận được điện của Ngọc, muốn tôi tiếp cơm một đoàn đối tác nước ngoài thay anh vì tôi giỏi ngoại ngữ, lại khá linh hoạt trong giao tiếp. Như một nguời máy được lập trình sẵn cho công việc, tôi liền lái xe vòng qua khách sạn, không kịp rẽ qua nhà.
21h30, bữa tiệc kết thúc tốt đẹp như mong đợi. Bên đối tác hứa hẹn sẽ ký một hợp đồng về xuất khẩu lao động với công ty. Tôi lái xe ra về trong tâm trạng hưng phấn của một người chiến thắng, trong men rượu nồng chuếnh choáng, đi dưới làn mưa lạnh buốt của một đêm cuối đông. Ánh điện, tiếng nhạc, tiếng cười nói vọng ra từ phòng khách trên tầng hai ngôi nhà quen thân khiến tôi ngơ ngác giật mình, rồi bàng hoàng sực tỉnh. Hôm nay là Noel, cũng là sinh nhật vợ tôi. Tôi vội vã quay xe lại, rẽ vào một cửa hàng hoa tươi, rồi vòng sang bên bách hóa mua quà.
Tôi bước xuống xe, đứng chôn chân dưới tầng một nhìn lên, ngập ngừng. Bước chân tôi như có một sức nặng vô hình nào đó níu giữ, ghim chặt xuống mặt đất, chẳng thể nhấc được lên. Tôi sợ hai từ vô tâm, không chỉ từ vợ, mà từ cả những người bạn sẽ đổ ụp xuống tim mình, chảy máu; dù biết thực tế tôi đã là một kẻ vô tâm mất rồi! Tôi lặng lẽ quay ra...
22h30, đợi cho khách khứa về hết, tôi mới bước vào nhà. Con gái tôi giờ này hẳn đã ngủ. Lên đến cầu thang, tôi nhận ra tiếng cười của Ngọc. Có lẽ anh đang giúp vợ tôi thu dọn sau buổi tiệc. Nhưng rồi ánh điện vụt tắt, căn phòng tối chìm trong tiếng rên khe khẽ và hơi thở dồn dập... Tôi đứng lặng như trời trồng nơi cầu thang, ngỡ những phiến đá dưới chân mình đang sụp xuống, đổ ụp lên đầu. Một giọt nước mắt cay đắng rỉ ra, lăn nhanh qua môi mặn chát, nhỏ xuống nền đá lạnh. Tôi quay người, cởi giầy và áo quăng đi, chạy chân chần dưới cơn mưa mùa đông đang bắt đầu nặng hạt. Những hạt mưa to lộp độp rơi xuống mặt đường nhựa khô khốc, lạnh lùng, dửng dưng trên sự tê tái, bẽ bàng của lòng tôi.
Tôi gục xuống dưới chân một cột đèn đường. Phải ánh đèn vàng vọt, run rẩy, hiu hắt không đủ lấp đầy khoảng trống trong đêm cuối đông nên cần tới những cơn mưa, cũng như khoảng trống trong ngôi nhà nhỏ của tôi những khi tôi đi công tác xa lại có Ngọc đến để lấp đầy. Có phải sự khao khát thành công, ham muốn được thể hiện và khẳng định mình đã khiến cho tôi đổi khác và giờ cuộc đời bắt tôi phải trả giá? Nhưng Ngọc... anh là bạn thân, tôi coi như một người anh em ruột thịt của mình kia mà. Không lẽ tất cả những tình cảm đó trong anh bao nhiêu năm qua là một sự giả tạo và tôi chỉ là một con rối sắp đặt dưới bàn tay anh?
Tôi không biết. Ánh đèn đường không biết. Sự giá lạnh của những cơn mưa mùa đông cũng không biết. Chỉ biết giờ đây tôi là một kẻ thua trận, thất bại ê chề ngay trong căn nhà nhỏ bình yên, bên những người thân yêu của mình. Tôi lê người về lại căn nhà trong bộ dạng của một con mèo bị thương với đám lông sũng nước, bết lại, trông tiều tụy đến tội nghiệp. Một ý nghĩ thoáng vụt qua, hiện lên trong đầu tôi. Tôi lần tìm con dao ở khu nhà bếp, rồi bò lên tầng hai, he hé đẩy cánh cửa phòng khách. Trong màn tối kia, ánh sáng của sự chết chóc sẽ loé lên và người thắp là tôi. Nhưng đâu đó chợt có tiếng gọi tên tôi vọng lại, ú ớ trong cơn mơ của con gái tôi ở phòng bên cạnh. Hình ảnh đôi mắt thơ ngây sáng như thiên thần chợt hiện ra, như đang hỏi tôi câu hỏi:
- Kìa, cha định làm gì với con dao trên tay cha vậy?
Con gái tôi... Tôi không thể để đôi mắt thiên thần ấy phải nhìn thấy một vệt u ám của bóng đêm trong tâm hồn tôi. Có lẽ nó sẽ oán trách tôi suốt đời và trong đôi mắt ấy, tôi sẽ chỉ là một người cha khốn nạn khi cướp đi của con tôi một người mẹ tuyệt vời. Phải, trong tôi, đó mãi sẽ vẫn là một người phụ nữ tuyệt vời không tỳ vết. Tôi mang theo những ý nghĩ đó về căn phòng của mình như một kẻ vô thức trong đêm cuối đông mưa lạnh...
Vài nét về blogger:
Mỗi chúng ta nên biết coi trọng chính mình ngay từ nhỏ - Lương Đình Khoa.
Bài đã đăng: Lan man phút chuyển mùa; Khung cửa nào bình yên tôi nhốt một đời; Sự tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa; Từ những khoảng lặng trong ngày hiếm hoi; Thương nhớ những mùa trăng; Chạnh lòng hoa sữa cuối thu