Sau cái chết của đứa cháu tội nghiệp, gia đình ông bà Thanh, ở Dân Lập, Yên Bình, Thạch Thất, Hà Nội vẫn bàng hoàng. Bà nội bé Việt mặt thất thần, xanh xao vì khóc thương cháu, không ăn không ngủ được. Công việc đồng áng của nhà nông không thể dừng, bà Thanh vẫn ra đồng. Căn nhà tuềnh toàng, lặng thinh.
Chiếc tủ thấp ngang người được dùng để thắp hương cho bé trai xấu số. Không có di ảnh của cháu vì cả nhà vẫn chưa kịp chụp. Bát hương được cắt ra từ can dầu ăn nhỏ, miệng còn nham nhở. Hoa quả, bánh trái xếp trên chiếc mâm nhỏ, chật chội. Gia đình cũng không quên để vài hộp sữa tươi bên cạnh. Nhìn cảnh mỗi người ngồi một góc nhà trong tâm trạng buồn bã, không ai cầm nổi nước mắt.
Trong số người có mặt tại nhà, thiếu vắng bố của bé - anh Nguyễn Văn Linh. Bà Thanh bảo, từ hôm xảy ra chuyện, Linh thương con, thẫn thờ, mọi người phải xúm lại động viên, khuyên bảo. Hàng ngày, anh qua nhà chú chơi với các em họ, ăn cơm, ngủ nghỉ. “Em nó về đến nhà là khóc, thấy nhớ cháu bao nhiêu, Linh lại giận, lại buồn”, bà Thanh cho biết.
Cô của bé Việt (bên phải) phát hiện cháu nổi dưới giếng. |
Đến đầu giờ chiều ngày 24/11, sau khi phóng viên Ngoisao.net đến thăm, Linh mới lếch thếch đi bộ về. Sắc mặt nhợt nhạt, buồn bã, đôi mắt anh lúc nào cũng chợt khóc. Anh tâm sự, sau khi đi bộ đội về được một thời gian thì gặp Nguyễn Thị Nụ ở xóm trên. Yêu nhau không lâu, cả hai tiến tới hôn nhân. Cả gia đình nội ngoại đều mừng vì con cái yêu thương nhau thật lòng.
Cả hai vợ chồng mới 22 tuổi, công việc đồng áng không đủ sống, Linh phải xa vợ ra Hà Nội làm phụ hồ. Trong khi đó, Nụ ở nhà cũng thường xuyên về bên ngoại đi hái chè thuê với mẹ đẻ. Trong mắt của bố mẹ chồng, Nụ là cô con dâu kiệm lời. Cả ngày cô không hé môi đến nửa lời. Nụ cứ lặng thinh đến lập dị. Ngoài lúc ra đồng, cơm nước, cô lại chui vào buồng nằm ngủ. Họ hàng có việc, Nụ đến ăn rồi về, không chào hỏi người lớn, trẻ nhỏ.
Bị họ mạc góp ý về con dâu không biết đối nhân xử thế, nhiều lần ông bà cũng nhắc nhở. “Nụ cũng chẳng nói chẳng rằng, im lặng, mặc kệ bố mẹ chồng nói gì thì nói. Sau đó, mọi việc vẫn nguyên xi. Chúng tôi phải muối mặt xin lỗi hàng xóm, anh em vì sự thờ ơ của con dâu”, ông Lập, bố của Linh xen vào câu chuyện. Thời gian sống chung với gia đình đến khi sinh bé Việt, ông bà Thanh chưa từng thấy giữa Linh và Nụ xảy ra cãi cọ.
Ngày Nụ lên bàn đẻ, do khó sinh, cô phải mổ. Cả nhà vay mượn để lo mẹ tròn con vuông. Khi đó gia đình hạnh phúc vì có cháu đích tôn nối dõi. Không bụ bẫm, chỉ được 2,8kg nhưng trộm vía bé Việt nhìn rắn rỏi, kháu khỉnh. Bà Thanh còn nhớ, ngày làm đầy tháng cho cháu, họ hàng sang đông để chúc mừng. Cô con dâu vẫn một gương mặt đưa đám, không thèm chào hỏi ai. Niềm vui khiến mọi người tha thứ cho thái độ đó của Nụ.
Trước hai ngày định mệnh của bé Việt, trong lúc Linh đi làm, Nụ xin phép bố mẹ chồng đưa con về nhà ngoại chơi. “Chúng tôi không đồng ý, vì con dâu vừa ở trên ông bà ngoại gần một tháng trời”, bà Thanh kể. Vẫn giữ nguyên ý định muốn về, Nụ lại xin phép về ăn cưới bạn cùng xóm. Được một ngày, con trai bị ốm, cô điện thoại cho chồng đang làm ở Hà Đông và dặn có tiền mang về để lo thuốc thang.
“Cô ấy gọi điện, nghe con ốm, em tức tốc bắt xe về quê trong buổi sáng”, Linh kể. Sau đó, anh lên nhà ngoại mang quần áo về trước rồi hôm sau mới đón mẹ con Nụ, vì buổi tối sợ con lạnh, ốm thêm. “Sau khi về nhà, cô ấy vẫn ăn uống sinh hoạt bình thường, không có gì xảy ra”, Linh cho biết. Đến đêm 18/11, bé Việt sốt, quấy khóc, bà nội phải nựng cháu để vợ chồng Nụ được ngủ. "Không ngờ, đêm cuối cùng, em chỉ nằm được với cháu chừng nửa tiếng đồng hồ, rồi mãi mãi cháu rời xa em", Linh rơm rớm nước mắt.
Bà Thanh và con dâu ngày cưới. |
Theo lời bà Thanh, khoảng 2h sáng ngày 19/11, bé Việt mới ngủ được. Bà đã đưa cháu cho con dâu. Sau đó đến 4h sáng cùng ngày, cả nhà hốt hoảng khi thấy Nụ thông báo bé Việt đã bị mất tích, có người vào bế trộm cháu. “Cả nhà em tá hỏa đi tìm khắp nơi, trong xóm. Không ai nghi ngờ gì về hành động của cô ấy cả”, Linh nói.
Khoảng 6h sáng cùng ngày, khi ra giếng nước của gia đình, Hiền, em gái của Linh phát hiện bé Việt nổi lềnh bềnh trong dòng nước lạnh ngắt. Mọi người xúm lại vớt bé lên, cháu đã chết, toàn thân tím tái, ướt sũng. “Khi thông báo tìm được con trai nhưng cháu đã mất, Nụ mới chạy đến, òa khóc dữ dội”, bà kể. Sự việc sau đó được trình báo lên công an xã, huyện và cả công an thành phố.
Cả Nụ và Linh được mời ra trụ sở công an huyện Thường Tín làm việc. Đến tối muộn cùng ngày, Linh gọi điện báo là được về sau khi lấy lời khai. Trong tâm trạng buồn bã, lúc về, Linh đã đi bộ hơn 6km với cái lạnh buốt da, đôi chân trần. “Ra khỏi trụ sở, em cứ đi, đi mãi theo con đường thẳng phía trước, không suy nghĩ gì, chỉ buồn vì mất mát”, Linh tâm sự.
Chồng được tha về, còn Nụ bị tạm giữ vì là nghi phạm gây ra cái chết cho chính đứa con cô sinh ra. Người đàn bà “lập dị” này bước đầu đã thừa nhận hành vi của mình. Chị ta khai, vì nghĩ chồng có người tình bỏ bê mình nên đã nghĩ cạn. Rạng sáng hôm đó, Nụ thức dậy đi vệ sinh, rồi vào giường bế con ra đến giếng nước. Chị ta đã thả bé Việt xuống rồi trở lại buồng ngủ. Sau đó, Nụ hô hoán, đánh thức mọi người dậy thông báo con trai bị mất tích.
Việt Dũng