Đề xuất này được đưa ra tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 24/2. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, việc cho học sinh, sinh viên đi học trở lại cần dựa trên một số yếu tố. Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19, 11 ngày qua không có ca nhiễm mới, 15/16 ca đã khỏi bệnh. Tỉnh Thanh Hóa đã công bố hết dịch, tỉnh Khánh Hòa chuẩn bị công bố.
Việc tiếp tục cho học sinh nghỉ học sẽ làm ảnh hưởng đến các gia đình, bố mẹ phải trông con, trường tư và trường quốc tế vẫn phải chi trả lương cho giáo viên. Ngoài ra, học sinh từ THCS trở lên có thể không được kiểm soát và ra ngoài tiếp xúc với nguồn dịch bệnh.
Theo kinh nghiệm quốc tế, các nước có dịch vẫn cho học sinh đi học như Nhật Bản, Malaysia, Singapore. Đài Loan cho học sinh đi học từ 25/2, Hong Kong, Mông Cổ dự kiến cho học sinh đi học trở lại từ đầu tháng 3. "Việc tiếp tục cho học sinh cả nước nghỉ học sẽ gây nghi ngờ về tuyến bố Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội", ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, học sinh THPT trở lên có thể đi học từ đầu tháng 3 vì sức đề kháng tốt và bảo vệ bản thân tốt hơn, đảm bảo thời gian thi chuyển cấp, tuyển sinh vào đại học và du học nước ngoài. Học sinh mầm non, tiểu học, THCS do chưa có ý thức bảo vệ bản thân, sĩ số lớp học đông, có thể chưa phải đi học ngay, đề xuất nghỉ thêm hai tuần tùy diễn biến tình hình, sau đó sẽ quyết định.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng cho rằng cần theo dõi tiếp diễn biến dịch bệnh để quyết định. "Tâm trạng chung của người dân là lo lắng, nhưng cần bình tĩnh để xem xét", Phó thủ tướng nói.
Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, qua đánh giá tình hình của Ban chỉ đạo, việc kiểm soát dịch bệnh đang được thực hiện tốt. Bộ đã ban hành khung chương trình năm học 2019-2020 để làm căn cứ cho các địa phương quyết định thời gian học sinh đi học trở lại. Nếu không có diễn biến xấu của dịch thì học sinh toàn quốc đi học lại từ 2/3.
Ba địa phương có bệnh nhân nhiễm nCoV là Khánh Hòa, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc có thể cho học sinh đi học muộn hơn 1-2 tuần và sẽ học bù vào thời điểm thích hợp. "Dịch diễn biến rất phức tạp, nhưng không thể ngồi chờ đến khi nào hết dịch thì học sinh mới đi học lại", ông Nhạ nói.
Dẫn thực tế nhiều nước có dịch nhưng trường học vẫn mở cửa, nhiều tỉnh ở Trung Quốc lên kế hoạch cho học sinh đi học vào tháng 3, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá nguy cơ lây nhiễm trong học sinh, sinh viên không cao. Các trường học đã được tiêu trùng khử độc, tập huấn cho giáo viên xử lý nếu phát hiện học sinh nghi nhiễm. Bộ Y tế cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn chăm sóc học sinh ở nhà và khi đến trường để phòng bệnh.
Theo ông Tuyên, nếu kéo dài thời gian nghỉ học sẽ gây tâm lý bất an và những hệ quả khác. Học sinh, sinh viên đi học không cần dùng khẩu trang y tế. "Chúng ta có 22 triệu học sinh mà năng lực sản xuất của cả nước chỉ 3 triệu mỗi ngày. Nếu học sinh đồng loạt đeo khẩu trang thì chỉ vài ngày là hết", ông Tuyên nói.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm cho biết, thành phố đã gửi văn bản đề nghị Chính phủ cho học sinh nghỉ hết tháng 3. Tuy nhiên, theo khung chương trình năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thành phố đang họp bàn triển khai kế hoạch cho học sinh đi học trở lại, phù hợp với khung này.
Kết luận tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh không phản đối khung năm học 2019-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng hôm nay Chính phủ chưa chốt thời điểm cho học sinh đi học trở lại vào đầu tháng 3 mà sẽ xem xét diễn biến dịch bệnh trên thế giới đến cuối tuần này để cân nhắc, đảm bảo an toàn cho học sinh.
Sau kỳ nghỉ Tết 7-16 ngày, hơn 22 triệu học sinh từ mầm non tới THPT nghỉ học hết tháng 2 để phòng tránh dịch Covid-19. Riêng TP HCM ngày 20/2 gửi văn bản tới Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo kiến nghị cho học sinh cả nước nghỉ học hết tháng 3, học kỳ II từ tháng 4 đến tháng 7, kỳ thi THPT quốc gia diễn ra cuối tháng 7, chậm hơn một tháng so với năm 2019.
Ngày 22/2, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo ký văn bản đề nghị UBND các tỉnh thành cho học sinh đi học trở lại vào ngày 2/3, khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 được điều chỉnh. Cụ thể, thời gian kết thúc năm học trước ngày 30/6; xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học, THCS trước 15/7. Tuyển sinh lớp 10 hoàn thành trước ngày 15/8; thi THPT quốc gia từ 23 đến 26/7.
Viết Tuân - Dương Tâm