Nhiều khách mời khi nhận thiệp thường chú ý tới cả nội dung và hình thức nên cô dâu chú rể cần lưu ý cả hai điều này, để tấm thiệp trang trọng, gây ấn tượng tốt nhất.
1. Kiểu thiết kế đơn giản
Thiệp cưới là chi tiết đều tiên mà cô dâu chú rể gây ấn tượng với khách mời. Khi cầm một tấm thiệp đẹp, trang nhã, lời mời rõ ràng, chi tiết, các vị khách sẽ dễ có cảm tình hơn. Vì vậy, dù chọn mẫu thiệp in sẵn hay tự thiết kế, cô dâu chú rể cũng cần lựa chọn mẫu phù hợp với đối tượng khách mời. Với khách mời trẻ, bạn có thể thoải mái biến tấu kiểu thiết kế, nhưng khi mời khách lớn tuổi, uyên ương nên chọn các mẫu thiệp đơn giản, tông màu nhẹ nhàng, sang trọng.
Các họa tiết phổ biến và "an toàn" nhất cho thiệp cưới thường là hình hoa trang nhã hay hình chữ "Hỷ" đại diện cho sự hạnh phúc. Uyên ương không nên chọn các chữ cái để làm họa tiết trang trí vì chữ sẽ gây rối mắt.
2. Nội dung in trong thiệp
Các thông tin in trong thiệp mời đám cưới cần rõ ràng, chi tiết. Các chi tiết khách mời thường chú ý nhất là thời gian như ngày (thường bao gồm cả âm lịch và dương lịch), giờ, địa điểm tổ chức tiệc cưới. Nếu địa điểm tổ chức tiệc khó tìm, cô dâu chú rể nên in thêm bản đồ chỉ dẫn đường đi ở phía sau thiệp cưới.
3. Lưu ý chính tả
Trước khi đặt in, uyên ương nên kiểm tra kỹ lỗi chính tả, từng dấu câu trên thiệp cưới. Vì những nhầm lẫn nhỏ này thường xuyên xảy ra, khiến thiệp mời cưới không trang trọng. Cô dâu chú rể có thể nhờ bạn bè, người thân đọc kỹ lại nội dung và sửa lại cho khách quan tránh những nhầm lẫn đáng tiếc
Ngoài ra, với đám cưới truyền thống, tốt nhất cô dâu chú rể không nên in lời mời bằng tiếng Anh. Bạn nên chọn ngôn ngữ tiếng Việt để đơn giản, phù hợp với tất cả mọi khách mời ở nhiều độ tuổi khác nhau.
4. Thời điểm đưa thiệp
Khoảng thời gian từ 1 tuần tới 10 ngày trước đám cưới là thời điểm hoàn hảo để cô dâu chú rể gửi thiệp cho các vị khách. Không nên đưa thiệp quá sớm, tránh tình trạng các vị khách có thể quên mất ngày lễ trọng đại của bạn. Cô dâu chú rể cũng không nên gửi thiệp quá muộn, khách mời không sắp xếp thời gian kịp để tới dự hôn lễ của bạn.
Ở các tỉnh thành miền Bắc, các gia đình thường đi mời khách sau khi lễ ăn hỏi truyền thống diễn ra. Bởi lẽ, khi đó, gia đình cô dâu sẽ nhận được mâm quả lễ vật do nhà chú rể mang tới và cô dâu sẽ chia lễ vật thành nhiều phần nhỏ để gửi kèm thiệp mời tới các vị khách thân thiết. Việc đưa đồ lễ ăn hỏi kèm thiếp mời giống như một lời báo tin tới các vị khách khiến họ cảm thấy mình được tôn trọng, yêu quý hơn. Đối với gia đình nhà trai, không có phần chia lễ ăn hỏi nên việc mời khách hoàn toàn do gia đình và chú rể bàn bạc, thống nhất.
5. Cách gửi thiệp
Cách tốt nhất là bố mẹ hai bên và cô dâu chú rể trực tiếp đưa thiệp đến tận tay khách, tránh tình trạng gửi thiệp của người này qua người khác. Trong trường hợp khách mời ở xa, gia đình có thể gọi điện thông báo trước rồi gửi thiếp mời qua đường bưu điện cho họ. Khi đưa thiệp trực tiếp, đôi uyên ương nên thể hiện sự tôn trọng, nồng nhiệt, vui mừng khi được đón tiếp các vị khách trong ngày vui của mình. Chính những biểu hiện của bạn sẽ khiến khách mời cảm thấy vui vẻ và muốn đến dự đám cưới.
Linh Linh