Trong hơn 2.000 km đê biển cả nước, hệ thống đê biển kéo dài 683 km từ Quảng Ninh đến Quảng Nam hầu như thường xuyên phải chịu các tác động trực tiếp do sóng lớn, mưa bão.
Song như Bộ NNPTNT thừa nhận, do "điều kiện kinh tế" các tuyến đê này mới được xây dựng với mực nước triều tần suất 5% và chỉ chống chọi được với gió bão cấp 8-9.
Hơn nữa trong nhiều năm qua, nguồn vốn "rót" cho chương trình đê biển ngày càng giảm khiến nhiều kè xung yếu không được nâng cấp và thực tế khi gặp cơn bão số 7 (năm 2005), hàng loạt các tuyên đê biển tại Hải Phòng, Nam Định và Thanh Hoá hoặc bị hư hỏng, hoặc bị vỡ.
Chia nhỏ hệ thống đê biển cả nước, Ban chỉ đạo PCLBTƯ ghi nhận trên tuyến Quảng Ninh - Ninh Bình còn đến 257/484km đê biển và đê cửa sông chưa đảm bảo cao trình thiết kế, đa số các tuyến đê có chiều rộng mặt đê nhỏ hơn hoặc bằng 3m. Và việc này khiến cho việc kiểm tra, ứng cứu đê trở nên khó khăn hơn.
Đa phần mái đê phía biển chưa có kè bảo vệ hoặc không còn cây chắn sóng thường xuyên sạt lở hoặc sẵn sàng... sạt lở tiếp. Đơn giản vì mới có 90 km trong số 484 km đê được xây dựng kè bảo vệ.
Tình trạng đê biển trở nên tồi tệ hơn tại tuyến Thanh Hoá - Hà Tĩnh khi hầu như toàn bộ hệ thống cống dưới đê được xây dựng từ vài chục năm trước đây có kết cấu tạm bợ và đang xuống cấp nghiêm trọng.
Tương tự như tuyến Quảng Ninh - Ninh Bình, một viễn cảnh lặp tại trên suốt tuyến đê biển Trung Trung Bộ kéo dài từ Quảng Bình đến Quảng Nam.
Ông Đặng Quang Tính Cục trưởng Cục Quản lý đê điều (Bộ NNPTNT), thừa nhận rằng, nguy cơ vỡ đê có thể xảy ra trên toàn bộ hệ thống đê biển của cả nước và nếu không sớm được kiên cố hoá, cơn bão số 7 như năm 2005 tạt vào đâu, đê sẽ vỡ chỗ đấy.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT, ông Nguyễn Ngọc Thuật, tiết lộ, một chương trình đồ sộ nhằm củng cố và nâng cấp khoảng 1.500 km đê biển và đê cửa sông trên suốt tuyến Quảng Ninh - Quảng Nam đang bắt đầu được triển khai. Yêu cầu được đặt ra là sau khi hoàn thành vào năm 2010, toàn tuyến phải đạt tiêu chuẩn chống chọi được với mức thuỷ triều 5% gặp gió bão cấp 9-10, các vùng đặc biệt quan trọng phải chống được bão cấp 11-12.
Chương trình cần không dưới 10.000 tỷ đồng. Khoản kinh phí cấp cho năm 2006, theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Thuật được "ấn định" là 280 tỷ đồng và dành ưu tiên củng cố các tuyến đê xung yếu của 12 tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam.
Khoản kinh phí cấp cho năm 2006 không hề nhỏ. Song theo Cục trưởng Đặng Quang Tính, chia đều cho 12 tỉnh ven biển, với số tiền trên mỗi tỉnh chỉ xây dựng được khoảng nửa cây số đê đủ sức chống chọi được gió bão cấp 12.
Phần lớn tuyến đê biển còn lại sẽ vẫn chỉ chống lại được gió bão cấp 7 và một khi bão lớn đổ vào đất liền, giải pháp di dân vẫn được đánh giá là an toàn.
Do đó trong lúc chờ hệ thống đê đủ sức chống chọi bão cấp 12, Ban chỉ đạo PCLBTW đưa ra giải pháp, đối với hệ thống đê biển hiện nay nên làm theo hướng "làm đến đâu chắc đến đấy" và nên kết hợp giữa giải pháp công trình và phi công trình. Chú trọng hơn đến việc trồng dải cây chắn sóng, tạo rừng ngập mặn hay phòng hộ trước đê biển và coi đây là một bộ phận của đê biển.
(Theo Lao Động)