Bởi vì vào đầu năm, toàn bộ HS trong trường (tương đương cấp THCS ở VN) đều được thông báo phải dấn thân vào một "Trò chơi lớn của lịch sử". Thời kỳ Đức quốc xã trở về với những nhà tù, lò hơi ngạt, cảm giác nghẹt thở, nghi kỵ lẫn nhau và sự rối trí không biết phải chọn lựa ra sao để được sống sót lúc nào hay lúc ấy.
Cứ cách 2-3 ngày, mỗi lớp lại có một tiết học hay xem phim tài liệu về những gì đã xảy ra trong giai đọạn này. Nhưng không chỉ trong giờ học, vào giờ chơi tất cả thầy cô và HS đều có quyền ra lệnh hay bắt nạt (nhưng Thùy cho biết không được quá đáng) những HS trót bị phân vai người Do Thái. Nếu những HS "gốc Do Thái" có thái độ bất phục, Hitler (một cô giáo) có quyền ra lệnh trừng phạt, những HS khác có quyền ném giấy (thay cho những viên đá) “đến chết” vào HS đó hay buộc họ phải quay mặt vào tường...
Lúc mới bắt đầu, đa số HS đều chưa bị bắt vào tù. Nhưng cô giáo phụ trách đã đích thân chọn lựa mỗi lần 2-4 người để đưa vào những trại giam khác nhau, hoặc ghetto (nơi tập trung người Do Thái trước khi chuyển đến nơi khác), hoặc trại lao động hay trại hủy diệt. Mỗi trại đều có tên riêng và lịch sử của mình nên mỗi HS trước khi vào phải học thuộc bài để ứng phó với những câu hỏi của cô giáo. Xác suất “sống sót” ở mỗi trại cũng khác nhau: có trại trong hai câu trả lời định sẵn có một câu đúng, cũng có trại trong 50 câu, 300 câu trả lời chỉ có một câu đúng, và có cả những trại không có sự chọn lựa nào. “Đứa nào vô đó là chắc chắn chết!”, cháu tôi cho biết.
Chỉ là "diễn kịch" thôi mà còn thấy nặng nề như vậy, nên những HS cấp II ở ngôi trường Thùy đang theo học bên Mỹ chắc chẳng ai mong lịch sử sẽ lại một lần nào nữa bị phủ lên bởi bóng đen kinh khủng của thời kỳ phát xít.
(Theo Tuổi Trẻ)