Đây là dự án lớn, quy hoạch đồng bộ, bài bản trên mọi lĩnh vực, nhằm biến dải đất hai bên bờ sông Hồng thành khu vực đa chức năng, mang lại lợi ích nhiều mặt về phát triển kinh tế - xã hội, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô.
Theo chuyên gia các bộ, đây sẽ là dự án lớn chưa từng có tại Hà Nội, có thể cần đến hàng chục nghìn tỷ đồng, có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân Hà Nội. Thành phố Hà Nội chuẩn bị tổ chức hội thảo, lấy ý kiến của các cơ quan chức năng và nhân dân, hoàn thiện báo cáo cuối cùng vào tháng 11/2007 trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Nếu được Chính phủ phê duyệt, dự án sẽ khởi công vào năm 2009 với 4 khu vực sông và đô thị tương ứng và hoàn thành vào năm 2020.
Xin giới thiệu những nội dung chính và lộ trình thực hiện dự án.
Bản đồ quy hoạch Khu đô thị hiện đại bên sông Hồng. |
Nét phác thảo
Theo dự án, Hà Nội sẽ kè đê dọc theo phần sông Hồng chạy qua thành phố, với chiều dài mỗi bên sông trên 40 km. Đồng thời, thành phố xây dựng đường ven sông Hồng theo đê hiện có và đê mới, liên kết với mạng lưới đường vành đai 2, 3 và 4 và mở rộng thêm đường bộ trên trục Nam - Bắc. Hệ thống đường bộ này cũng sẽ được liên kết với đường thủy và đảm bảo tiếp cận sông dễ dàng.
Hà Nội dự kiến sẽ có 4 đường vành đai, 8 đường hướng tâm và 5 cây cầu, trong đó một cầu đang xây dựng (cầu Vĩnh Tuy) và 4 cầu khác có kế hoạch xây dựng. Các tuyến đường huyết mạch đô thị đều có tốc độ thiết kế 60 km/h.
Theo các chuyên gia Hàn Quốc, các tuyến đường đê bên hữu ngạn (phía Hà Nội) sẽ có 2-8 làn xe, đường phía tả ngạn là 2-4 làn xe và thêm 2 đường chui.
Hai bên bờ sông sẽ là các công trình giúp người dân tiếp cận sông, trong đó sẽ có các tuyến đường đi bộ và các bậc thang. Gần bờ sông cũng có những bãi đỗ xe và điểm dừng xe buýt để hạn chế xe hơi cá nhân vào bãi sông.
Chỉnh trị sông
Ông Lee Sang Yeal, chuyên gia quy hoạch Hàn Quốc, phụ trách Tổ dự án sông Hồng cho biết: Phạm vi nghiên cứu của dự án là sông Hồng đoạn chảy qua địa bàn Hà Nội, dài khoảng 40km, cùng toàn bộ diện tích khu vực bãi sông Hồng khoảng 10,5 ha, thuộc địa bàn các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên và các huyện Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì. Khu vực này hiện đang là nơi sinh sống của 39 nghìn hộ dân với hơn 170 nghìn người.
Từ những kinh nghiệm mà Hàn Quốc có được trong việc chỉnh trị sông Hàn và phát triển đô thị, các chuyên gia xác định mục tiêu của dự án là bảo đảm Hà Nội an toàn với nạn lũ, đồng thời là một đô thị quốc tế, môi trường sông ngòi tốt. Các chuyên gia đã lập quy hoạch hành lang thoát lũ cho sông Hồng, quy hoạch xây dựng hai bờ sông và phương thức huy động vốn, tổ chức thực hiện dự án.
Về quy hoạch hành lang thoát lũ cho sông Hồng, tổ chuyên gia đề xuất xây dựng tuyến đê mới có tổng chiều dài 75,5 km, trong đó gia cố 55,7 km phần đê hiện có, còn lại là xây mới. Hệ thống đê mới sẽ nắn chỉnh dòng chảy sông Hồng hợp lý hơn. Hiện nay, khoảng cách giữa hai bờ sông đoạn rộng nhất lên tới 3,5 km, trong khi nếu được quy hoạch và khơi thông, chỉ cần 1,5 km là bảo đảm thoát lũ tốt.
Tổ dự án đề xuất mở rộng khoảng cách giữa hai đê ở các điểm hiện đang bị thu hẹp như khu vựcthượng lưu cầu Thăng Long, khu vực cầu Chương Dương, chỉnh trị lòng dẫn khu vực cảng Hà Nội và chỗ phân nhánh sông Đuống, đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa hai đê ở phía bắc Thanh Trì. Nhờ đó, lòng dẫn sẽ ổn định, mở rộng mặt cắt dẫn nước trên cơ sởmực nước trung bình mùa cạn.
Các chuyên gia có những tính toán cụ thể về tần suất lũ cho Hà Nội với đỉnh lũ cao nhất là 13,4m, tần suất 500 năm, khi đưa công trình thủy điện Sơn La vào hoạt động.
Phát triển các đô thị ven sông Hồng
Nhờ phần đê mới kè, thành phố sẽ có thêm khoảng 2.050 ha đất phát sinh, trong đó khoảng 1.500 ha sẽ dành để phát triển đô thị. Theo kế hoạch, sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội cùng phần đất trên bờ sẽ được phân chia thành 4 khu vực có chức năng khác nhau, lần lượt gồm các đoạn từ Chèm đến cầu Thăng Long, từ cầu Thăng Long đến cầu Chương Dương, từ cầu Chương Dương đến cầu Thanh Trì, và từ cầu Thanh Trì đến làng Bát Tràng. KV1 (220ha) có định hướng phát triển về cư trú, thương mại phân phối hàng đa chức năng.KV2 (600ha)- Khu tổng hợp quốc tế, tổ chức các hoạt động quốc tế. KV3 (170 ha) - cư trú, công cộng, phân phối hàng đa chức năng. KV4 (980ha) - cư trú, nghỉ ngơi, sản xuất.
Khu vực 1: Theo kế hoạch, khu vực 1 sẽ xây dựng thêm một cây cầu tại Chèm và phát triển khu dân cư lân cận khu công nghiệp hiện hữu. Tại đây cũng sẽ hình thành khu phân phối hàng đa chức năng được liên kết với sân bay và khu công nghiệp, đồng thời phục vụ thu hút dân di dời đợt một.
Khu vực 2: Khu vực 2 là phần quan trọng nhất của dự án chỉnh trị và phát triển sông Hồng. Tại hữu ngạn (phía Hà Nội) hiện có diện tích 280 ha, sẽ phát triển khu đa chức năng quốc tế liên kết trên cơ sở các khu phố tập trung các công ty chứng khoán, tài chính, kinh doanh hiện hữu. Tại đây cũng sẽ có các khu dân cư cao cấp có liên kết với hồ Tây và vùng ven sông.
Khu vực tả ngạn (phía Đông Anh, Cổ Loa, diện tích 320 ha) sẽ có 2 chức năng chính: khu phức hợp phục vụ Olympic (Olympic Complex) và các sự kiện thể thao lớn như làng Olympic, làng báo chí... nhằm tạo đông lực phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa. Phần thứ hai phía tả ngạn là khu phức hợp triển lãm (Expo Complex) phục vụ các lễ hội, triển lãm lớn.
Khu vực 3 : Khu vực kéo dài từ cầu Chương Dương đến cầu Thanh Trì (170 ha) sẽ là khu dân cư, đồng thời là khu phân phối hàng đa chức năng bao gồm các chợ đầu mối, trung tâm phân phối hàng và công trình phụ trợ.
Khu vực 4: Khu vực này có diện tích lớn nhất dự án (980 ha), có chức năng một khu cư trú, nghỉ ngơi kết hợp làm khu sản xuất của thành phố. Tại đây cũng sẽ hình thành một du lịch có liên kết với không gian văn hóa, lịch sử của làng Bát Tràng, một sân golf và khu công nghệ cao. Theo các chuyên gia Hàn Quốc, sân golf sẽ được đặt tại phía bắc khu vực 4, nhưng hiện Hà Nội đã chấp thuận cho Vincom lập quy hoạch sân golf tại phía nam. Vì thế, khu vực này có thể còn có điều chỉnh.
Kinh phí khổng lồ
Theo ước tính của các chuyên gia Hàn Quốc, đầu tư cho "thành phố sông Hồng" sẽ lên tới 27.240 tỷ đồng, tương đương gần 2 tỷ USD, trong vòng 12 năm. Như vậy trung bình mỗi năm Hà Nội sẽ cần đến 2.400 tỷ đồng để thực hiện dự án.
(Theo Kinh Tế và Đô Thị)