Gói thầu số 7 theo hợp đồng phải hoàn thành vào ngày 14/11/2006 nhưng đến nay vẫn còn dang dở. |
Đứng đầu sổ công trình chậm trễ là dự án vệ sinh môi trường TP HCM, lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè do Sở Giao thông công chính (GTCC) TP làm đại diện chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư 199,6 triệu USD. Lẽ ra đến cuối tháng 12/2007 (hết thời hạn vay vốn Ngân hàng Thế giới) công trình hoàn thành, biến dòng Nhiêu Lộc - Thị Nghè thành dòng kênh xanh, đồng thời làm giảm thiểu tình trạng ngập úng trên lưu vực có diện tích 33,2 km2 và cải thiện cuộc sống cho khoảng 1,2 triệu người ở 7 quận.
Thế nhưng đến nay nhiều gói thầu ở dự án này vẫn đang thi công ì ạch. Trong đó gói thầu số 7, một trong những gói thầu chính của dự án do liên danh nhà thầu Tianjin-CHEC 3 (Trung Quốc) thi công, bị chậm trễ, kéo theo nhiều gói thầu khác chậm trễ.
Tương tự, tại dự án “Cải thiện môi trường TP” do Sở Tài nguyên - môi trường làm đại diện chủ đầu tư có tổng vốn đầu tư gần 100 triệu USD, trong đó dự án cải tạo hệ thống thoát nước lưu vực rạch Hàng Bàng có vốn khoảng 40 triệu USD, dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2006 sẽ xóa được 29 điểm ngập ở các quận 1, 5, 6, cải thiện cuộc sống cho khoảng 300.000 dân. Nhưng đến nay công trình chỉ mới lắp đặt được một vài tuyến cống, giải quyết được một điểm ngập nước.
Dự án cải thiện môi trường nước TP lưu vực kênh Bến Nghé - Tàu Hủ do Sở GTCC TP làm đại diện chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư 268,6 triệu USD (vay ODA Nhật), lẽ ra được thi công và hoàn thành trong giai đoạn 2001-2006. Tuy nhiên, khi ký hiệp định vay vốn (giai đoạn 1) thì thời gian thực hiện công trình lại là từ năm 2004 đến cuối tháng 12/2008 (cải tạo dòng kênh Bến Nghé, kênh Tàu Hủ, kênh Đôi, kênh Tẻ và làm giảm ngập nước trên một lưu vực có diện tích 1.000ha ở quận 1, 3, 5, 6 và một phần quận Bình Tân).
Theo Sở GTCC TP HCM, trong năm 2006 đến tháng 1/2007 đã triển khai 20 dự án và các công trình thoát nước, xóa được 20/25 điểm ngập nước và độ ngập sâu trên địa bàn TP đều giảm 21-30%. Tuy nhiên, vẫn còn 85 điểm ngập nước. Cụ thể ở lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè còn 12 điểm ngập, lưu vực Hàng Bàng còn 28 điểm ngập, lưu vực Tàu Hủ, Bến Nghé, kênh Đôi và kênh Tẻ còn 7 điểm ngập, lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm còn 11 điểm ngập và các điểm rải rác khác thuộc các lưu vực khác là 27 điểm ngập. |
Ở dự án này, theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư vào tháng 2/2007, ở gói thầu “xây dựng cống bao, xây dựng trạm bơm chuyên tiếp nước thải và cung cấp thiết bị rửa cống” tiến độ thi công chậm do biện pháp phân luồng giao thông, biện pháp thi công phải duyệt nhiều lần, nhiều công trình ngầm chưa được di dời. Còn ở gói thầu “xây dựng nhà máy xử lý nước thải” cũng thi công chậm do nhà thầu huy động nhân lực và thiết bị chậm. Đó là chưa kể trong quá trình thi công nhà máy xử lý nước thải đã xảy ra vụ hàng ngàn cọc móng bị nghiêng khiến công trình gián đoạn trong nhiều tháng.
Còn ở tiểu dự án “Nâng cấp đô thị TP HCM” thuộc dự án “Nâng cấp đô thị VN” có tổng vốn đầu tư 298,4 triệu USD vay vốn Ngân hàng Thế giới do Sở Xây dựng TP làm đại diện chủ đầu tư thì chậm do vướng đền bù giải tỏa, di dời công trình ngầm. Riêng các công trình cải thiện hệ thống thoát nước cấp 2 và 3 ở lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm cũng như dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm nhằm giải quyết ngập nước cho khu dân cư Bàu Cát và 11 tuyến đường thuộc các quận 6, 11, Tân Phú và Tân Bình thì phải đến năm 2011 mới hoàn thành.
Có những dự án đã và sắp hoàn thành mà không phát huy được hiệu quả vì trên một tuyến kênh có đến hai sở làm hai dự án. Cụ thể Sở GTCC làm chủ đầu tư ở dự án thoát nước kênh Nước Đen (quận Tân Phú), thượng lưu kênh, có tổng vốn đầu tư 167 tỷ đồng, trong khi Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư dự án thoát nước kênh 19/5 (quận Bình Tân), hạ lưu kênh, đến nay vẫn chưa triển khai thi công.
Vì vậy, dự án không phát huy mục tiêu xóa điểm ngập do không kết nối được hệ thống thoát nước. Theo ông Thái Minh Hòa - phó giám đốc Công ty Thoát nước đô thị TP, trong tháng 5 sẽ thông tuyến hệ thống thoát nước kênh Nước Đen, xóa chín điểm ngập nước, nhưng nếu gặp mưa lớn thì việc thoát nước về hạ lưu lại bị tắc.
Ở dự án thoát nước 30/4 (quận Bình Thạnh) có vốn đầu tư 16 tỷ đồng đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa phát huy hiệu quả vì tại khu vực này vẫn chưa triển khai dự án xây đập Văn Thánh và nạo vét rạch Văn Thánh. Do đó, các cống ở dự án thoát nước 30/4 đã được lắp đặt ở độ sâu, trong khi bùn đất lòng rạch cao hơn miệng cống 0,5-1m nên nước không thoát được.
“Bi kịch” ở dự án thoát nước mương Nhật Bản (quận Phú Nhuận -Tân Bình) có vốn đầu tư 13 tỷ đồng là chỉ còn lắp đặt 145,5m cống cuối cùng nhưng hơn một năm nay vẫn vướng mặt bằng giải tỏa của bốn đơn vị gồm đội vận tải (Công ty Công viên cây xanh), chung cư 675 Nguyễn Kiệm, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu giày dép Nam Á và trạm phân phối gas Vinagas. Theo Công ty Thoát nước đô thị TP, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Phú Nhuận hứa cuối năm 2006 bàn giao mặt bằng nhưng đến nay vẫn chưa giải tỏa được nên dự án này bị bế tắc.
(Theo Tuổi Trẻ)