Từng chứng kiến cảnh các gia đình tổ chức đám cưới ế đến hàng chục mâm cỗ, anh Hoàng Chiến (29 tuổi, Hà Nam) không khỏi lo lắng khi ngày cưới gần kề. Là anh cả trong gia đình, kinh tế cũng không khá giả nên chú rể 29 tuổi xác định phải lo toan toàn bộ lễ cưới, từ việc lên danh sách khách mời, chụp ảnh cưới đến tính toán số mâm cỗ, lên danh sách các món ăn… với phương châm tiết kiệm và vui vẻ.
"Vợ chồng mình đều chỉ là viên chức bình thường với đồng lương eo hẹp, lại phải tự lo toan đám cưới nên phải tính toán thật kỹ để không lãng phí tiền bạc. Hai đứa lôi hết cả tiền tiết kiệm đi làm mấy năm qua, cộng với vay mượn thêm để tổ chức đám cưới nên xác định về sau sẽ phải 'kéo cày trả nợ'. Vẫn biết là cả đời chỉ cưới có một lần nhưng nếu không tính toán chi li, thừa cỗ vừa gây lãng phí, lại mang nợ vào thân", chú rể Chiến cho biết.
Nhắc đến chống "ế" cỗ, đây dường như là mối bận tâm của những cô dâu, chú rể phải "tự thân vận động", còn những cặp đôi có gia đình đỡ đần, quán xuyến thì hầu như chưa ý thức được chuyện này. Cô dâu Thái Thanh (Phú Thọ) cho biết: Ngày cưới mình, bố mẹ dự tính sẽ làm 100 mâm cỗ, khách mời là họ hàng nội ngoại, hàng xóm, bạn bè. Thực ra, cả gia đình không ai nghĩ đến chuyện chống 'ế' cỗ như thế nào. Nếu 'ế' cỗ thì… chắc chỉ mang về nhà ăn thôi", cô dâu trẻ cho biết.
Cô dâu Thái Thanh – chú rể Thanh Hà. |
"Ế" cỗ gây lãng phí tiền bạc là đương nhiên, nó còn khiến các gia đình "đau đầu" tìm cách giải quyết lượng thức ăn tồn đọng. Thông thường, nếu bị "ế" cỗ, các gia chủ thường mang thức ăn đến biếu họ hàng, làng xóm mỗi nhà một ít, số còn lại giữ lại ăn dần. Dù cỗ cưới toàn là "mâm cao cỗ đầy" với những món ăn ngon, thậm chí có cả "cao lương mỹ vị", nhưng việc ăn cỗ "ế" sau đám cưới là điều chẳng ai mong muốn.
Cặp đôi Minh - Thu kết hôn được 5 năm nhưng mỗi lần kể chuyện đám cưới lại phì cười. Anh Minh chia sẻ, anh kết hôn sớm nên gia đình chẳng có kinh nghiệm gì. Với lại cũng là đám cưới đầu tiên trong nhà nên bố mẹ anh khá xông xênh, không tính toán kỹ lưỡng nên nhà trai bị dư đến 10 mâm cỗ. "Mang đi biếu họ hàng, láng giềng đủ kiểu rồi mà vẫn thừa 2 nồi chân giò hầm và nhiều món khác khiến 2 tuần sau đó, cả nhà phải ăn đồ thừa đám cưới đến phát sợ. Cũng từ đợt đó đến giờ, cứ nhìn thấy món chân giò là lại rùng mình", anh Hoàng kể.
Để có một đám cưới vui vẻ, không "ế" cỗ, các cặp đôi nên tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm như bố mẹ, họ hàng hoặc bạn bè để có những tính toán sát thực nhất, tránh làm lãng phí tiền bạc. Theo kinh nghiệm từ các gia đình từng tổ chức đám hỉ, đầu tiên cần lên danh sách khách mời thật cụ thể để tính toán số lượng mâm cỗ. Sau đó, nên làm số lượng cỗ ít hơn lượng khách mời dự tính từ 3-5 mâm vì sẽ có một số khách không đến do bận, hoặc do mối quan hệ chưa đủ thân thiết.
Không "ế" cỗ cưới cũng là một cách tiết kiệm trong thời bão giá. Ảnh minh họa: Imagine |
Bác Ngọc Minh (54 tuổi, Hà Nội) từng tổ chức đám cưới cho 3 người con trai chia sẻ: "Chống 'ế' cỗ cưới bằng cách lựa chọn món ăn dựa trên nguyên tắc 'mùa nào thức ấy'. Một mâm cỗ không cần có quá nhiều món 'cao lương mỹ vị' có thể gây khó ăn, hoặc khách chỉ ăn một ít mà không ăn hết, không nên có quá nhiều món dầu mỡ đế tránh cảm giác bị ngán". Điều này sẽ giúp cho mâm cỗ được "tiêu thụ" hết, hoặc dư thừa không nhiều.
Bên cạnh đó, việc giờ giấc cũng tác động tới khẩu vị và "năng suất" tiêu thụ của khách mời. Tốt nhất là nên mời khách đến vào thời điếm gần bữa trưa, trong khoảng 10h – 12h. Thức ăn cũng cần giữ được độ nóng vừa phải để có cảm giác ngon miệng hơn.
Cô dâu Thái Thanh ở trên cũng chia sẻ thêm, ở quê, các gia đình có đám cưới thường chuẩn bị sẵn những túi nhỏ đựng xôi, hoa quả để biếu người lớn và tặng các cháu nhỏ khi họ chuẩn bị ra về. Như vậy đám cưới vui vẻ, thân tình hơn và cũng là một "mẹo" cách chống "ế" hiệu quả.
Tường Vi