Một phần trong loạt phóng sự “Dân chơi Hà thành” trên blog Cuong Oz. |
Trước hết phải kể đến những ì xèo xung quanh sự kiện blog Namversace. Blog này từng một thời làm chấn động giới blog Việt vì số lượng người truy cập. Theo nhiều blogger, chủ nhân blog này đã “ăn gian” vì theo tính toán, với số entry viết được và thời gian lập blog này đến nay thì còn lâu mới đạt đến số lượng truy cập ấy. Thế là những cuộc tranh cãi liên miên nổ ra cho đến khi nhiều blogger kịp nhìn lại: “Những cuộc tranh cãi vô bổ như thế chả ích lợi gì”, câu chuyện mới chấm dứt.
Mới đây, một cuộc chiến nảy lửa giữa giới blogger Hà Nội và TP HCM nổ ra chỉ vì một entry có phần “thiếu hiểu biết” của blogger có nickname là Bé Crys đối với văn hóa Hà Nội. Như một cơn bão, hàng ngàn comment lý giải, chỉ trích, chửi rủa, thậm chí dọa giết của nhiều blogger Hà Nội đổ bộ ào ạt vào blog của Bé Crys mà chưa biết kết cục sẽ đi về đâu.
Nổi đình nổi đám trong giới blog vừa qua là sự kiện blog của Cuong Oz với loạt phóng sự “Dân chơi Hà thành” và “Dân chơi Sài thành”. Nếu lần đầu tiên vào blog này, người đọc sẽ phải giật mình vì những chi tiết, hình ảnh miêu tả trần trụi về sự sa đọa, thác loạn của một bộ phận giới trẻ Hà Nội.
Loạt phóng sự gồm 10 phần với đầy đủ bộ mặt ăn chơi như đua xe, diện mốt, chơi ôtô, lắc thác loạn, “khoe hàng” khiến không ít độc giả phải than: “Không ngờ Hà thành lại thác loạn đến như vậy”.
Chỉ trong một thời gian ngắn, blog của Cuong Oz đã có hàng vạn lượt người truy cập, vài trăm comment sau mỗi phần và tạo nên cơn sốt thật sự trong thế giới blog lẫn thế giới thực.
Nhưng cũng ngay sau đó, xuất hiện những entry, commentary (bình luận) phản pháo lại loạt phóng sự của Cuong Oz. Những blogger này lập luận ấy là phóng sự “ma”. Tất cả những hình ảnh mà Cuong Oz post lên đều là đi tích cóp, nhặt nhạnh trên các website của VN và nước ngoài rồi nhào trộn, bóp méo mà thành.
Trong một diễn biến khác, trường THPT Việt Đức đã phải triệu tập toàn bộ nữ sinh của trường để kiểm tra vì một bức ảnh mà Cuong Oz đã post lên, chú thích là nữ sinh trường này đang “khoe hàng”. Kết quả: hình ảnh ấy là hoàn toàn bịa đặt.
Và thế là một ngọn lửa tức giận vì bị “ăn thịt lừa” được thổi bùng lên. Hàng trăm blogger đã vào blog của Cuong Oz để chửi rủa khiến chủ nhân tối tăm mặt mày. Kết cục là blog của Cuong Oz đã phải đóng cửa một thời gian. Khi mở cửa trở lại, loạt phóng sự trên đã không còn.
Những ngày gần đây giới blogger lại tiếp tục “dậy sóng” khi nổ ra cuộc tranh cãi giữa một bên là những tình nguyện viên (TNV) APEC với một bên là người xưng là đại diện của “thanh tra chính phủ”.
Trong những ngày diễn ra hội nghị APEC 14, một vài tình nguyện viên post lên blog của mình một số ý kiến, tâm sự về những khó khăn, vất vả đã phải chịu đựng vì một số thiếu sót của ban tổ chức. Lập tức có những ý kiến đồng cảm và được lan truyền trong thế giới blog, trong đó cũng có một số ý kiến hơi thái quá.
Tưởng rằng sự việc đến đó là kết thúc, song một nhân vật xưng là Hà Kin đã phản pháo bằng một entry mà khách quan nhận xét thì đã có phần thiên lệch, thậm chí xúc phạm tới các tình nguyện viên. Việc này đã khơi mào thành một cuộc tranh cãi lan rộng trong thế giới blogger. Một bên là những người ủng hộ những tình nguyện viên, còn bên kia là những người bao biện cho blogger Hà Kin.
Công tâm mà nói, không ai có thể phủ nhận APEC 14 diễn ra tại Việt Nam đã đạt được thành công tốt đẹp. Đó là công sức của không chỉ một số nhóm người trong ban tổ chức mà có thể nói là cố gắng của cả hơn 80 triệu dân Việt Nam nhiệt tình, mến khách. Tuy nhiên, trong một sự kiện có tầm vóc và ý nghĩa lớn lao như APEC thì một số thiếu sót nhỏ (do cả chủ quan và khách quan) như các tình nguyện viên viết trên blog là khó tránh khỏi.
Việc các tình nguyện viên phản ánh lên blog cũng không có gì đáng trách. Bởi blog chính là nơi bộc lộ quan điểm cá nhân của blogger. Hơn nữa, việc các tình nguyện viên viết lên những dòng suy nghĩ ấy còn thể hiện tinh thần trách nhiệm của họ đối với đất nước, đối với vận mệnh của quốc gia dân tộc.
Chính vì thế, việc blogger Hà Kin đã có một entry thiếu khách quan, thậm chí mạt sát các tình nguyện viên là một hành động thiếu suy nghĩ và không thông minh chút nào. Vẫn biết dù là một thành viên trong ban tổ chức hay chỉ là người dân thường, Hà Kin cũng đã có những cố gắng lớn cho sự thành công của APEC. Nhưng thể hiện thái độ ấy của một “người lớn” tự nhận là có nhiều kinh nghiệm lẫn tri thức hơn các tình nguyện viên là khó chấp nhận.
Không thể không nhắc tới vụ blogger Anh Ngọc bị tấn công. Một người trong thế giới ảo không biết do thù oán gì với anh mà lập một blog có tên là Fuckitalia để rồi có những lời lẽ châm chọc blogger này. Theo quan điểm của nhiều người, đây chỉ là một trò đùa (có phần hơi ác ý). Song kiểu tấn công này sẽ không được lâu vì blogger có thể delete các comment hoặc cho kẻ giấu mặt kia out khỏi blog của mình.
Chính những cuộc tranh cãi giữa các blogger đã khiến thế giới blog Việt hiện đang trở nên rối loạn hơn bao giờ hết. Họ “không còn biết tin vào ai” nữa. Đặc biệt, Pittypat, một trong số tình nguyện viên đã viết những nhận xét của mình trên blog và cũng là một Mod uy tín trên diễn đàn TTVNOL, đã phải vất vả thanh minh.
Cô tâm sự rằng đã bị khủng hoảng thật sự khi không ngờ những dòng tâm sự của mình đã khơi mào cho những nghi ngờ, hiểu lầm, nghi kỵ trong thế giới blog. Thế là hàng loạt blog đóng cửa hay rút vào hoạt động bí mật. Hàng loạt blogger không còn hứng thú viết blog nữa.
Có thể nói mỗi blogger (người viết blog) là một reporter (người đưa tin) chính hiệu. Họ ngày ngày update (cập nhật) cho blog của mình và giao lưu, trao đổi với các blogger khác. Ảnh hưởng của blog đang ngày càng đóng vai trò tích cực hơn trong đời sống giới trẻ Việt.
Bất cứ một sự kiện diễn ra trên đất nước, hầu như các blogger đều kịp thời thể hiện những nhìn nhận, đánh giá của họ đối với sự kiện ấy. Ngày Lễ Độc lập 2/9, các blog tràn ngập cờ đỏ sao vàng, theme (hình nền) của các blog cũng tràn ngập sắc đỏ.
Trước cả tuần Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), những avatar (hình đại diện) là biểu tượng của WTO được xuất hiện trang trọng trên từng blog, từng entry (bài viết). Những bài viết về vận hội của Việt Nam khi gia nhập WTO cũng tràn ngập trong các blog...
Rồi trong tuần lễ APEC 14, các blogger cũng không quên dặn nhau nên làm gì và không làm gì để góp phần vào thành công của APEC...
Bên cạnh đó, nhiều blog còn trở thành những e-newspaper (báo điện tử) chuyên đề với những bài viết sâu sắc, có chất lượng cao. Có thể kể ra đây như blog của Trương Anh Ngọc, hiện làm việc tại báo Thể Thao & Văn Hóa, chuyên về đất nước và nền bóng đá Italy, blog của exorcist với những bài review tuyệt vời về những bộ phim kinh điển, hay blog của Vũ Mạnh Cường như một trang chuyên đề về nhiều vấn đề xã hội.
Trong một thế giới “thực mà ảo”, “ảo mà thực” như blog, chuyện đưa những thông tin thiếu chính xác, dễ gây hiểu lầm và thật sự cũng có một số kẻ quậy phá... là hoàn toàn khó tránh. Chính giới blogger sẽ phải hằng ngày hằng giờ đối mặt với những rắc rối này. Bên cạnh đó, trong thế giới blogger cũng có những hiện tượng viết các entry gây “shock” để “câu” view (số người xem) và comment. Có thể mục đích của họ đạt được với số lượng view và comment vào hàng “khủng”. Nhưng cái giá phải trả là hoặc phải mai danh ẩn tích, hoặc phải xóa blog vĩnh viễn.
Bên cạnh đó, tuy blog là những tâm sự của cá nhân, nhưng đã public cho cộng đồng đọc thì lại không còn là ý kiến của riêng blogger nữa. Việc đưa những thông tin nhạy cảm sẽ khiến nguy cơ một cuộc tranh cãi, thậm chí dẫn đến xúc phạm nhau sẽ rất dễ nổ ra. Và người thiệt không ai khác chính là những blogger và cộng đồng blog. Họ sẽ không được đọc, cảm nhận những bài viết hay, sâu sắc cũng như khám phá bể kiến thức vô tận nếu như blogger nào cũng để private (chỉ chủ nhân blog được đọc) hay chỉ cho những người bạn trong catalogize đọc mà thôi.
Theo một chuyên viên của Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương: “Giới hạn giữa một ý kiến cá nhân với một quan điểm cộng đồng trong thế giới blog đôi khi chỉ là một lằn ranh rất mỏng manh. Chính vì thế, các blogger cần hết sức cẩn trọng khi đưa những thông tin nhạy cảm lên blog”.
(Theo Tuổi Trẻ)