Người ta kéo về “chữa bệnh” như đi hội. |
Trên đường vào xã Tân Bình, hỏi đường đến nhà “danh y” Mười Nghĩa ai cũng biết. Thế nhưng khi nghe hỏi “Ông Mười Nghĩa chữa bệnh hay lắm phải không?” thì nhiều người tỏ ra dè dặt.
Mới sáng sớm nhưng nhà Mười Nghĩa khá đông đúc. Quanh nhà là tường rào lưới B40, bên trong có thêm một lớp bờ tường khá kiên cố.
Cả hai vòng bờ tường này đều có người canh gác cẩn mật. Thấy có khách, người gác cổng lập tức tra hỏi tới tấp: “Đi đâu vậy? Gặp ai?”. Biết có ý chữa bệnh, mấy tay bặm trợn vẫn gạt phắt: hôm nay nhà tổ chức đám giỗ nên ông Mười không chích thuốc.
Than thở lặn lội đường xa từ Cà Mau đến đây nên đám tay chân vào bẩm báo. Lát sau có người ra coi biển số xe, yêu cầu trình giấy chứng minh nhân dân rồi mới cho vào.
Một người trung niên khoảng 40 tuổi xưng là “danh y” Mười Nghĩa tiếp khách. Bệnh chưa khám nhưng ông ta huyên thuyên rằng mình có thể chữa các bệnh từ thông thường như đau đầu, thấp khớp... đến bệnh nan y, hiểm nghèo, thậm chí các bệnh mà bác sĩ tây y đã chê!
Ngưỡng mộ và hỏi về phương pháp chữa bệnh thì Mười Nghĩa giải thích: đó là phương pháp “thủy châm” đông y gia truyền.
Mười Nghĩa rành rọt: “Thủy có nghĩa là nước, dùng nước tiêm vào người bệnh. Đau chỗ nào chích chỗ đó”. Thấy người bện hơi hãi, “danh y” trấn an: “Lúc trước có người từ Cà Mau lên bị bệnh liệt giường đi chữa khắp nơi mà không hết. Tôi chỉ làm mấy ngày là hết luôn tới giờ. Hay có người bị bệnh trong huyện này bác sĩ chê, tôi chích chưa đầy một tuần thì khỏe re, ăn uống đi lại bình thường. Rất nhiều người đến chỗ tôi chữa khỏi bệnh mà tôi nhớ không nổi”.
Khi được hỏi về hai lần đi “chích” của mình, chị S. (ấp 5, xã Tân Bình) vẫn còn bàng hoàng. Trước đây chị bị mổ bao tử, trước tết tự dưng đau lại. “Bữa đầu sau khi chích xong toàn thân ê ẩm, phải ngồi lại một tiếng đồng hồ mới đi lại được. Mỗi ngày chích 7 mũi thuốc gồm một mũi ngay chấn thủy, hai mũi bên bả vai, hai mũi gần mông và hai mũi ở bắp chân. Sau hai ngày chích, bệnh không hề giảm mà còn nặng hơn, không đi lại được. Sau đó tui phải đi bệnh viện nằm cả tháng trời”, chị ngậm ngùi.
Phần “công dụng” của thuốc nếu chỉ làm con bệnh hoang mang thì khâu khám, chích mới khiến con bệnh hãi hùng. Chị S. cho biết sau khi được một “lương y” ở đây bắt mạch, chị nhận được một toa thuốc và một ống chích đưa cho “thày” Mười. Thuốc là một loại nước trong vắt, hơi ấm (vì được ngâm trong nồi điện). “Tui thấy ai bị bệnh gì cũng được chích loại thuốc này. Có tới 7-8 người thợ chích thuốc cho người bệnh, người thì hớt cua, người thì bới tóc lên”.
Ông T., một bệnh nhân, kể: "Có hôm phải chen lấn xếp hàng từ 4h để lấy số thứ tự, bởi lúc ấy có đến hơn 1.000 người tụ tập về đây chữa bệnh". Ông T. hay bị nhức nửa đầu và cũng được các “lương y” ở đây chích thẳng vào đầu.
Ngày 20/3 là ngày mở cửa mả của ông K. (ấp Phú An). Cái chết của ông được bác sĩ kết luận là xuất huyết não. Người nhà cho biết ông K. năm nay 63 tuổi, vẫn đi đứng và ăn uống bình thường, thỉnh thoảng đau bao tử và nhức đầu. Sau khi phát hiện ông đi chích ở nhà Mười Nghĩa, gia đình đã can ngăn nhưng ông nói nhà nghèo, chích đại, biết đâu may thầy phước chủ. Tuy nhiên chưa kịp chích lần thứ ba thì ngày mồng 6 tết, sau khi ăn trưa xong, ông K. bị ói máu và ngã vật xuống đất bất tỉnh. Gia đình đưa ông đi bệnh viện trong tình trạng chân tay co quéo, mất tri giác và ngày 17/3 ông qua đời.
Một điều bí hiểm là hoạt động ở nơi đây có vẻ rất bí mật. Đầu tiên người bệnh phải lọt qua ánh mắt dò xét của lực lượng con nít canh vòng ngoài. Kế đến là vòng kiểm soát của những thanh niên gác cổng.
Theo lời những dân quân trong xã thì ai hớt tóc cao, gọn gàng, sẽ bị đám con nít này báo động và số thanh niên kia chặn lại không cho vào bắt thăm khám bệnh vì nghi ngờ là công an hay nhà báo.
“Bí mật” là vậy nhưng những “lương y” này cũng rất liều lĩnh. Mọi cuộc kiểm tra giấy phép hoạt động, bằng cấp hành nghề cũng như chất lượng của loại thuốc dùng để chích cho bệnh nhân của các cơ quan có thẩm quyền cấp xã, huyện đều bị nhóm người này từ chối.
Ngày 9/2, khi lực lượng chức năng kiểm tra thì nhóm người này tuyên bố “tử thủ” và dọa tự thiêu, đốt cháy mấy chục bệnh nhân còn trong nhà.
Ông Lê Văn Tiên, Chủ tịch xã Tân Bình, cho biết hoạt động khám chữa bệnh ở đây không phép, bản thân những người khám cũng không được đào tạo qua trường lớp.
“Ngay cả người thân của Mười Nghĩa bị bệnh cũng phải đưa đến cơ sở y tế điều trị thì trị bá bệnh kiểu gì”, ông Tiên ngán ngẩm. T
heo ông, hầu hết người dân đến đây chữa bệnh là người của huyện khác hoặc tỉnh khác. Họ đi bằng đò, xe máy, xe ôm tụ tập về đây, trật tự tại khu vực rất lộn xộn.
(Theo Tuổi Trẻ)