Đến tái khám chứng đau thượng vị tại Khoa tiêu hóa Bệnh viện FV, chị Nguyễn Thị Hiền (30 tuổi, quận 7, TP HCM ) cho biết chị đau bụng dữ dội, không thể ngồi thẳng được. Sau khi làm các xét nghiệm cho bệnh nhân, bác sĩ Vũ Duy Hiển nhận thấy đường tiêu hóa của chị Hiền lần này cũng như lần khám trước đó không có gì bất thường. Nghi ngờ nguyên nhân bệnh bắt nguồn từ chứng rối loạn lo âu, anh khuyên bệnh nhân khám thêm bên chuyên khoa tâm lý, tâm thần nhưng bệnh nhân từ chối, cho rằng mình không có vấn đề gì về tâm lý.
Sau 2 tuần, chị Hiền tái khám vẫn với tình trạng đau bụng. Kết quả khám cũng như hai lần trước đó, hệ tiêu hóa không có tổn thương nghiêm trọng. Bác sĩ Hiển quyết định dành thời gian lựa lời phân tích cho bệnh nhân hiểu những lo lắng, áp lực tâm lý là một trong những nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa. Sau hơn 30 phút trò chuyện, chị đồng ý qua khám thử về sức khỏe tâm thần ở Đơn vị tâm thần thuộc khoa Nội Bệnh viện FV.
Tại đây, kết quả khám cho thấy chị bị chứng rối loạn lo âu lan tỏa, ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa và giấc ngủ. Bệnh nhân được kê thuốc điều trị chứng rối loạn lo âu. Ngay sau đó chị đã có giấc ngủ tốt hơn và chứng đau thượng vị được cải thiện dần và hết đau.
Khoa Tiêu hóa và Gan mật, Bệnh viện FV từng tiếp nhận không ít bệnh nhân bị rối loạn lo âu, bệnh biểu hiện dưới những triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, thay đổi khẩu vị, tăng hoặc sụt cân. Khá phổ biến là hội chứng ruột kích thích có nguyên nhân từ rối loạn lo âu. Thường cứ 10 ca hội chứng ruột kích thích thì có tới 3 ca nguyên nhân bắt nguồn từ rối loạn lo âu.
Tuy vậy, đa số những bệnh nhân này không tin là mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Việc từ chối điều trị căn nguyên gây bệnh sẽ khiến cho bệnh tái đi tái lại và ngày một trầm trọng hơn.
Không chỉ ảnh hưởng tới cơ quan tiêu hóa, rối loạn lo âu cũng tác động tiêu cực đến hệ tim mạch. Bác sĩ Hoàng Quang Minh, khoa Tim mạch, bệnh viện FV cho biết, gần đây anh tiếp nhận không ít bệnh nhân đến khám với biểu hiện hồi hộp, đau nhói ở ngực, hụt hơi, đuối sức. Khi đo điện tim, siêu âm tim để kiểm tra van tim, cơ tim, chức năng tim lại cho kết quả bình thường. Trong các trường hợp đó, bác sĩ tim mạch sẽ khuyên bệnh nhân khám thêm bên khoa Nội – tâm thần kinh và kết quả cho thấy họ bị các vấn đề về lo lắng quá mức làm ảnh hưởng cho tim mạch.
"Rối loạn lo âu có triệu chứng ở bất kể cơ quan nào trong cơ thể mà tim là nơi các triệu chứng xảy ra dễ nhận biết nhất", bác sĩ Minh cho biết thêm.
Hội chứng rối loạn lo âu nếu không được kiểm soát có thể bùng phát thành cơn suy tim cấp. Bác sĩ Minh cho biết gần đây có trường hợp một bệnh nhân nữ trẻ đến thăm khám với triệu chứng mệt mỏi, đau nhói ở ngực. Bệnh nhân mắc hội chứng Takotsubo hay còn gọi là "trái tim tan vỡ" – một hội chứng hiếm gặp, xảy đến khi người bệnh trải qua những sự cố căng thẳng cảm xúc hoặc bị các áp lực tinh thần quá mức khiến tim có thể bị tổn thương và dẫn tới suy tim cấp.
Theo bác sĩ Đào Thị Thu Hương, khoa Tâm thần, Bệnh viện FV, khi bị lo lắng, sợ hãi quá mức, người mắc chứng rối loạn lo âu sẽ gặp vấn đề về giấc ngủ, khó đi vào giấc ngủ bởi vì họ thường có những suy nghĩ miên man không dứt ra được.
Họ bị mất tập trung, dễ bị đau đầu, căng thẳng, dễ cáu kỉnh, hồi hộp, chân tay đổ mồ hôi, đau bụng, đau cổ vai gáy, tiêu chảy, táo bón... Đặc biệt với chứng rối loạn lo âu hoảng loạn, có những cơn người bệnh cảm tưởng như sắp chết, không thể kiểm soát được cơ thể, phải ngay lập tức vào cấp cứu.
Tại bệnh viện FV, bệnh nhân nghi ngờ mắc chứng rối loạn lo âu được giới thiệu thăm khám về tâm lý hoặc tâm thần kinh tại khoa Nội. Bệnh nhân được thực hiện các khảo sát, các lượng giá chuyên sâu để đánh giá đúng bệnh trong thời gian ngắn nhất. Chuyên gia tâm lý Bùi Thị Quỳnh Anh, khoa Tâm lý Lâm sàng bệnh viện FV cho biết, việc điều trị rối loạn lo âu tại FV tùy từng trường hợp, có thể dùng thuốc hoặc bằng liệu pháp tâm lý hoặc phối hợp cả hai.
Yên Chi
Bạn đọc có nhu cầu khám và tư vấn các vấn đề rối loạn lo âu có thể liên hệ khoa Tâm lý lâm sàng, bệnh viện FV qua số điện thoại: (028) 54 11 33 33.