Chị Châu, Thái, Hồng (quê Bắc Ninh) vào TP HCM làm nghề giúp việc, thuê chung một căn nhà nhỏ ở phường 13, quận Phú Nhuận. |
Thực ra, nếu đến “chợ lao động” trên đường Cách Mạng Tháng Tám hay “chợ chui” đường Ba Tháng Hai thì có lao động ngay nhưng chỉ “đậu” được vài ngày là đôi bên đành chia tay. Út Thanh giới thiệu chúng tôi nên đến “làng giúp việc” gần khu chợ Trần Hữu Trang (Phú Nhuận) để tìm mối khác.
Theo Tuổi Trẻ, ở đây tập trung cả chục tiểu gia đình làm nghề giúp việc đang thuê mướn nhà trọ, mỗi hộ 2-3 cô gái tuổi từ 17-35 cùng quê hoặc bà con với nhau: nhóm Nam Định có trên 10 người cùng họ Trịnh - Phạm, chuyên làm theo buổi cho các hộ gia đình quanh khu nhà thờ Ba Chuông, Phú Nhuận; nhóm Bắc Ninh có gần 20 người “chạy” ở khu Lăng Cha Cả, Tân Bình; nhóm Phan Rang mới nhóm được năm người...
Phạm Thị Lài - 34 tuổi, chị cả của nhóm Nam Định, có thâm niên hơn 10 năm làm nghề - cho biết: “Giá sô hiện nay: 10.000 đồng/giờ, 3 giờ/lần; nếu làm suốt tuần, mỗi ngày hai tiếng, mức lương 300.000-400.000 đồng/tháng/người. Để giữ được mối, mỗi người phải tự nghiên cứu lịch sinh hoạt từng hộ gia đình, tính toán lộ trình đi đường sao cho hợp lý. Sô ngày đã nhiều nhưng nhiều người vẫn chạy cả sô tối”.
Đứa em gái của Lài tên Thơm (19 tuổi) mới học xong lớp 9 cũng theo chị vào Sài Gòn làm từ Tết đến nay. Lài tâm sự: “Ráng cày khi có sức khỏe để dành ít tiền cho tuổi già”. Hiện Lài không chỉ nuôi được bố mẹ, một con nhỏ mà còn “đầu tư” về quê một cái điện thoại công cộng và ít máy chơi trò chơi “lượm bạc cắc, tích gió thành bão” với mong muốn xây được cái nhà khang trang.
Lao động giúp việc nhà bỗng chốc trở thành lao động “reo giá” trên thị trường đô thị mấy năm gần đây. Nhiều người giúp việc cũng bắt đầu tỏ ra “vai vế” hơn với chủ. Ở khúc đường Trường Sơn - Yên Thế - Hồng Hà (khu sân bay Tân Sơn Nhất, Tân Bình) có “CLB mini” của những người giúp việc ở đây, từ 6 đến 7h sáng và 5- 6h chiều là thời gian mở cửa của người giúp việc: đi mua thức ăn, đi chợ, dẫn bé đi chơi, chăm sóc người già hoặc đi đổ rác... Ở đây có đủ ohsin trẻ, già, nói tiếng Tây và có cả người giúp việc dùng điện thoại di động.
Bà T.Mai - chủ quán cà phê TN - thổ lộ: “Chẳng phải ra oai gì, nhà mình có quán nên thuê 4-5 người giúp việc các loại: dọn nhà kiêm giặt ủi, chăm sóc chó, đi chợ kiêm nấu ăn hoặc chăm sóc em bé kiêm luôn gia sư”.
Bà Mai bức xúc: “Có đứa giúp việc khỏe thân nhưng cũng mệt óc lắm, tuyển được một em còn khó hơn chọn chồng: nào sức khỏe, vệ sinh, nhân thân rồi tính nết. Đào tạo, dạy dỗ được em nào vừa ý thì phải dỗ ngọt, sợ nó bỏ đi. Gặp người chểnh mảng là chấp nhận hao hụt từ chén bát, ấm điện đến máy bơm, máy sấy... hư hỏng, nổ, đổ bể thường xuyên”.
Thị trường tự phát, dịch vụ chạy theo nhu cầu, ví dụ: người giúp việc kiêm quản gia, điều kiện: tuổi trên 30, lý lịch rõ ràng, trung thực, biết cách tổ chức công việc gia đình, có ít nhất một năm kinh nghiệm, giá tiền công được rao tuyển từ 1-1,8 triệu đồng/người/tháng. Đây được gọi là “Oshin đời cũ - giá ngoại” rất khó kiếm. Chủ nhà do bận bịu, không có thời gian chăm sóc gia đình đành “cắn răng” chiều theo những yêu sách nắng mưa của oshin.
Nhiều gia chủ kêu trời: “Đôi khi không biết ai làm chủ ai nữa, lịch sinh hoạt của gia đình phải nương theo người giúp việc nếu không muốn ăn cơm nhão, canh mặn hay thịt cháy. Ngoài các chế độ theo hợp đồng, gia chủ phải biết quan tâm tới hoàn cảnh mỗi khi oshin nhớ nhà, muốn về quê hoặc con ốm, chồng đau, phải biết chấp nhận và cùng chịu đựng”.
Giải quyết những mâu thuẫn này, nhiều gia đình trẻ ngày nay đã chuyển đối tượng, chọn người giúp việc thế hệ mới, làm theo giờ, chủ động về thời gian mà gánh nặng tâm lý được hóa giải trên cơ sở: thuận mua - vừa bán, ít “đụng độ”. Ưu điểm của đối tượng này là nhanh nhẹn, nhưng do chạy sô nhiều nên công việc có phần chậm, ít chu đáo.
Nguyễn Thị M.L. - sinh viên năm 2 khoa Đông phương, ĐH Mở - bán công, người đang “thủ vai” thế hệ mới - nhận xét: “Thu nhập cao gấp mấy lần đi dạy kèm. Tôi làm hai chỗ, mỗi tháng được 700.000 đồng, đủ trả tiền trọ (300.000 đồng/tháng), học phí và chi tiêu hằng ngày”.
Đây gọi là giúp việc nhà thời công nghiệp - giá nội bởi “tiền nào của đó”, xung khắc nếu xảy ra cũng giải quyết theo kiểu “nhanh, gọn”, khổ là khổ cho thân chủ phải lo... tìm người khác.
Trên các phố việc làm, bảng hiệu tìm người giúp việc lương cao có ở khắp nơi, buổi sáng từng nhóm lao động tỉnh đổ bộ xuống đây, 20.000-40.000 đồng/ngày công, chủ - thợ vừa đi vừa trả giá. Các văn phòng lấy từ gia chủ 50.000 đồng/lần, người lao động 10.000 đồng/lần, xe ôm tham gia cung ứng 10.000-20.000đồng/lượt, không được việc thì lấy tiền xe ôm.
Tại Trung tâm Vinhem Pich, mỗi tuần có hàng chục khách đặt hàng người giúp việc nhưng dù có chương trình săn lao động từ các tỉnh lượng cung ứng cũng ở mức 2- 3 người. Trung tâm Trí Thức tỷ lệ đáp ứng chỉ 20%, một người xoay 2-3 sô. Trong năm tháng đầu năm trung tâm chỉ cung ứng được 30 lao động so với hàng trăm đơn đặt hàng/tháng. Trung tâm Hỗ trợ phát triển kinh tế quận 5: nhận 40-50 nhu cầu nhưng cung ứng chỉ 4-5 người/tuần.
Ông Nguyễn Gia Tùng (Công ty Sài Gòn Nguyễn Gia) cho biết: “Lao động giúp việc ở hẳn trong nhà ngày càng khó cung do tìm được người chịu làm nhưng gia chủ chưa chắc đã ưng ý. Còn người giúp việc thì bị ức chế bởi sự kiểm soát đôi khi quá gắt gao của gia chủ”.
Theo đa số các nhà cung cấp nhân lực, thị trường lao động giúp việc nhà “nóng” là một xu thế tất yếu và cần thiết được “giảm nhiệt” bằng một số biện pháp nhất định. Trong đó, tổ chức dịch vụ huấn luyện kỹ năng nghiệp vụ cơ bản cho đội ngũ tiềm năng này là một giải pháp cần các tổ chức đoàn - Hội, doanh nghiệp tư nhân làm ngay trước khi cung ứng.
Hiện nay, tại TP HCM mới có hai đơn vị: Trường Nhân lực quốc tế và Trung tâm Dịch vụ việc làm trí thức RAJCI quan tâm đến vấn đề trên, tuy nhiên tất cả còn nằm trong dự án. Bên cạnh đó cũng cần có sự kêu gọi đa dạng đối tượng hơn tham gia loại việc này, xóa bỏ quan niệm cho rằng đây là việc thấp kém (hiện nay rất đong sinh viên tham gia công việc này) để thị trường có sự cạnh tranh.
Về phía các gia đình, nhiều gia chủ cho rằng mình cũng tham gia “giảm nhiệt” bằng cách chọn người giúp việc “thế hệ mới” như chị Nguyễn Thị Kim Thoa khẳng định: “Phương án này giúp các con tôi cũng phải tham gia làm việc nhà khi rảnh chứ không ỷ lại như khi có người giúp việc ở hẳn trong nhà, và gia đình cũng tránh bớt căng thẳng vì người giúp việc”.