Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi, Đất rừng phương Nam xoay quanh một đoạn hành trình tìm cha của cậu bé An (Hạo Khang). Giữa những biến động chính trị thời Pháp thuộc, An đi qua nhiều vùng đất Nam Bộ, gặp gỡ nhiều người tốt, người xấu, từ đó nhận được nhiều bài học quý giá về con người và cuộc sống.
Út Lục Lâm (Tuấn Trần) là bạn đồng hành đầu tiên của An. Gặp nhau tình cờ giữa thời thế loạn lạc, Út Lục Lâm quyết định dẫn cậu bé đi tìm cha, dù bản thân cũng không biết cha An là ai và ở đâu. Suốt hành trình phiêu bạt cùng Út Lục Lâm, An được khắc họa là một cậu bé lanh lợi và trung thực.
Cậu phản đối thói ăn cắp vặt của Út Lục Lâm nhưng vẫn cực kỳ linh hoạt phối hợp cùng anh bạn đồng hành trong các phi vụ, dưới danh nghĩa trả ơn giúp đỡ mình. Qua đó, bài học An nhận được là lòng biết ơn và sự khéo léo trong cách ứng phó tình huống.
Ở một chặng dừng chân, An được ông Tiều (Tiến Luật), một người hành nghề mãi võ, nhận làm đệ tử. Cảm thương cho thân phận lạc cha, mất mẹ của An, ông Tiều mang cậu về ghe sinh sống cùng con gái mình là Xinh (Bảo Ngọc). Cuộc đời phiêu bạt của An tạm dừng tại làng khi nhận được sự chào đón nồng nhiệt của những người dân nơi đây như thằng Cò (Kỳ Phong), bác Ba Phi (Trấn Thành), ông Ba bắt rắn (NSƯT Công Ninh), bà Tư Ù (Tuyền Mập) và dì Tư Mắm (Băng Di).
An cắt máu ăn thề với ông Tiều như sự tuyên thệ gắn kết với đoàn võ thuật của ông. Sau hình ảnh đó, số phận An cũng gắn chặt với vùng đất này. Qua những người dân, cậu bé học được tinh thần hiếu trung với đất nước khi chứng kiến dân làng kiên cường chống phá thù trong giặc ngoài, bảo vệ bờ cõi.

Đất và người Nam kỳ lục tỉnh được tôn vinh trong phim 'Đất rừng phương Nam'.
Bài ca ái quốc hào hùng
Thông qua hành trình tìm cha của bé An, Đất rừng phương Nam tái hiện một thời kỳ đau thương nhưng vẫn hào hùng của Việt Nam. Suốt bộ phim, các cuộc đối đầu khốc liệt giữa dân làng và lính Tây xuất hiện liên tiếp, làm bật tinh thần dân tộc của người dân Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Sự đối lập giữa dàn súng ống hiện đại của quân giặc và vũ khí tre nứa của dân làng càng tô đậm vẻ anh dũng của người Việt Nam.
Song, tác phẩm không sa đà vào yếu tố tuyên truyền, mà truyền tải thông điệp một cách chân thực, gần gũi. Yếu tố nổi bật nhất phim làm được là không gây cảm giác sống sượng, khuôn sáo khi các nhân vật cất lên câu chữ, tiếng lòng tự tôn dân tộc. Bằng sự hòa trộn của dàn cảnh, quay phim, diễn xuất và âm thanh – âm nhạc, không ít cảnh phim khơi gợi không khí hào hùng của một thời quá khứ.
Xen lẫn câu chuyện về lòng yêu nước, bộ phim còn mang đến những khoảnh khắc đắt giá khắc họa tâm tình riêng tư của những phận người bé nhỏ. Qua cuộc trò chuyện của An và Xinh giữa đêm trăng sáng, người xem đau đáu chứng kiến sự ngây ngô của những đứa trẻ nặng lòng nỗi nhớ mẹ cha. Cảnh phim được dàn dựng nhẹ nhàng như làm người xem xót xa hiện thực chiến tranh khiến nhiều gia đình ly tán.
Dẫu vậy, An và Xinh vẫn luôn lạc quan giữa những biến động thời cuộc. Qua nhiều trở ngại, chúng vẫn chơi đùa, nở nụ cười tươi và là động lực để người lớn có thêm niềm tin về một tương lai tươi sáng. Khoảnh khắc An, Cò và Xinh cùng chăn trâu trên bãi bùn là hình ảnh thanh bình hiếm hoi giữa hàng loạt phân cảnh cháy nổ, ẩn ý cho việc giữa chiến tranh vẫn tồn tại những tia sáng.

Đêm trăng xúc động với những lời tự sự ngây ngô, hồn nhiên của hai đứa trẻ.
Miền Tây xưa cũ trên màn ảnh rộng
Với bối cảnh trải dài khắp miền Tây, Đất rừng phương Nam mang đến nhiều khung hình choáng ngợp về vùng đất Nam Bộ. Bộ phim sử dụng nhiều góc máy rộng, bắt trọn phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Ở đó có những đồng lúa bạt ngàn, có con sông phủ đầy bèo dâu giữa hai hàng cây thẳng tắp bên bờ. Đối lập khung cảnh tĩnh mịch ấy, thị trấn lại tấp nập với các hàng quán nằm ven khu chợ nổi.
Đất rừng phương Nam cho thấy sự dụng công của đoàn làm phim khi phục dựng hoàn toàn bối cảnh Nam Bộ xưa, sự nghiêm túc kế thừa giá trị văn hóa bản phim truyền hình cách đây 26 năm để lại. Xuyên suốt cuốn phim, khán giả không khỏi bất ngờ trước vẻ hoành tráng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Góp phần tăng thêm hiệu quả cho cảnh quay, âm nhạc trong phim được biến tấu độc đáo, kết hợp những giai điệu quen thuộc của ca khúc trong tác phẩm truyền hình xưa với cách hòa âm mới, hòa trộn nhạc cụ dân tộc với âm nhạc điện tử.

Chợ nổi gắn liền nhiều khoảnh khắc trẻ thơ và những sự kiện quan trọng.
Dàn sao ai đúng chỗ người đó
Trên nền tác phẩm văn học đồ sộ, Đất rừng phương Nam là một trong những phim đông nhân vật nhất điện ảnh Việt Nam. Ngoài bé An xuất hiện xuyên suốt, một số vai diễn có khá nhiều đất diễn như Út Lục Lâm, bé Xinh, ông Tiều, cũng có người chỉ lên hình chớp nhoáng như cha và má của An, bác Ba Phi...
Dù vậy, nhân vật nào cũng có thời lượng phù hợp để phát huy vai trò với tổng thể mạch truyện. Từ tạo hình đến diễn xuất, các diễn viên cho thấy độ vừa vặn với vai diễn, đồng thời lăn xả với loạt cảnh lội bùn, nhảy sông, đánh đấm, chạy loạn.
Vào vai An, Hạo Khang mang theo ánh mắt trong trẻo, biến chuyển cảm xúc khéo léo khi đối diện những tình huống khác nhau. Diễn viên 13 tuổi tương tác ăn ý với các diễn viên người lớn, đặc biệt có "phản ứng hóa học" tốt nhất với "Út Lục Lâm" Tuấn Trần. Em cũng hòa nhập với hai diễn viên nhí còn lại, tạo được sợi dây liên kết cảm xúc chặt chẽ với khán giả. Vượt qua áp lực từ cái bóng quá lớn của người tiền nhiệm, Hạo Khang khoác lên nhân vật An một tinh thần riêng, chứng tỏ tiềm năng diễn xuất.

Hạo Khang và Tuấn Trần trở thành đôi bạn đồng hành hài hước và tình cảm.
Sau thành công của vai Quắn trong Bố già, Tuấn Trần một lần nữa cho thấy sự nghiêm túc với nghề. Anh khắc họa thuyết phục vẻ láu cá, tinh ranh nhưng bản chất tử tế của nhân vật.
Cảnh Út "song kiếm hợp bích" với An bày trò lừa phỉnh giặc Pháp được bộ đôi diễn viên thể hiện mượt mà. Ngoài đời hay tự nhận mình nhạt nhưng với vai diễn này, anh cho thấy khả năng diễn hài duyên dáng. Ở một phân đoạn, hình ảnh Tuấn Trần chung khung hình với nghệ sĩ Trung Dân (nam diễn viên từng thủ vai Út Lục Lâm cách đây 26 năm) vừa mang lại nét thú vị cho lớp khán giả mới, vừa để lại sự bồi hồi cho những người từng theo dõi bản truyền hình.
Song, đôi lúc, các cảnh gây cười của Út Lục Lâm không hợp với mạch cảm xúc bộ phim đang xây dựng, khiến tâm trạng người xem bị chững lại vài nhịp. Kịch bản xây dựng nhân vật này chưa thật trọn vẹn, thiếu những tích tắc biến chuyển tâm lý, ví như giây phút Út Lục Lâm từ một kẻ tứ cố vô thân chỉ lo cho mình trở thành người sẵn lòng cưu mang một đứa trẻ không thân không thích.

Tiến Luật diễn kiệm lời nhưng giàu cảm xúc.
Không còn đóng khung trong dạng vai tấu hài, Tiến Luật trở thành ông Tiều nghiêm túc, ngoài mặt lạnh lùng nhưng nồng ấm tấm lòng thiện lương và trượng nghĩa. Chỉ là những lát cắt nhỏ nhưng các khoảnh khắc cha con ông Tiều chăm sóc nhau đều gây xúc động.
Một điểm nhấn của phim thuộc về vai Tư Mắm của Băng Di. Nữ diễn viên gây cười với những cử chỉ ngúng nguẩy khi tán tỉnh ông Tiều, chuyển biến đa dạng cảm xúc và sau này gây bất ngờ với cú twist (chuyển ngoặt) trong tâm tính nhân vật.
Dù xuất hiện không nhiều, Hồng Ánh và Huỳnh Đông (vai má và cha của An) họa nên bức tranh tình mẫu tử, tình phụ tử mộc mạc nhưng thiêng liêng. Hứa Vĩ Văn hóa thân người thầy đầy nghiêm cẩn, dùng văn chương và nghệ thuật để chiến đấu. Mai Tài Phến sắc vóc chuẩn mực Võ Tòng, nhưng diễn xuất ánh mắt còn thiếu cảm xúc. Nhập vai bác Ba Phi, Trấn Thành có sự tiết chế khi thoại các câu đối đáp ngoan cường với lính Tây, nhưng hình thể còn cường điệu.

Băng Di được khen nhiều khi đóng Tư Mắm.
Gói gọn trong 110 phút, bộ phim khó lòng truyền tải toàn bộ chuyến phiêu lưu của An. Do đó, tác phẩm chắt lọc và khai thác những mối quan hệ thân tình nhất của cậu bé với Út Lục Lâm, Xinh và thầy giáo Bảy. Việc không xoáy sâu vào nhân vật Cò có thể khiến nhiều người hâm mộ bản phim truyền hình thấy hụt hẫng.
Đất rừng phương Nam là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách làm phim hiện đại và câu chuyện đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam, là sự kết tinh của nhiều cảm xúc từ choáng ngợp, ngạc nhiên đến bồi hồi, xúc động. Với tầm vóc to lớn và tinh thần hào hùng, bộ phim tạo nên dấu ấn khó quên trong lòng người xem. Để lại cái kết mở, Đất rừng phương Nam hứa hẹn tiềm năng phát triển thành một thương hiệu điện ảnh thuần Việt kéo dài nhiều phần.
Trailer phim ‘Đất rừng phương Nam’
Đỗ Hoàng