Mùa xuân trên đảo Oland. |
>> Đất nước của những người trúng số (kỳ 1)
Từ Amsterdam (Hà Lan), chiếc máy bay của Hãng hàng không Hà Lan KLM lao đi theo cách đi bóng của các tuyển thủ cơn lốc màu da cam, nên dù chỉ bay hơn thời gian một hiệp đấu bóng đá, chúng tôi ai cũng hoa mắt, ù tai, có người phải nôn thốc nôn tháo khi đặt chân xuống sân bay Copenhagen.
Nhưng ngay khi chiếc xe ca vượt biển trên chiếc cầu nối Đan Mạch - Thụy Điển, chúng tôi lập tức bỏ lại tất cả mệt nhọc xuống đại dương để tận hưởng một bức tranh thiên nhiên ba chiều “hoành tráng” bên ngoài cửa kính ôtô.
Trợ cấp... mùa xuân
Thụy Điển có 50% diện tích lãnh thổ là rừng. Những cánh rừng thông, linh sam, bạch dương được chăm sóc thuộc vào loại tốt nhất thế giới. Rừng phủ lên núi, chạy dọc theo những cánh đồng và bao quanh các thành phố.
Thụy Điển có khoảng 10 vạn cái hồ, nối liền với một hệ thống sông ngòi xuyên rừng chảy về phía đông. Đất nước Bắc Âu này có hơn 2.700 km bờ biển và khoảng 221.800 hòn đảo.
Năm 1910, Thụy Điển là quốc gia đầu tiên của châu Âu thành lập các vùng bảo vệ thiên nhiên.
Từ thành phố cửa ngõ phía nam Malmo, quốc lộ E22 đưa chúng tôi đi dọc theo bờ biển phía đông Thụy Điển. Mùa này, băng tuyết vẫn bám chặt núi rừng phía bắc, nhưng ở đây mùa xuân đã đến. Những cánh đồng mùa xuân chưa cày hái chạy dài khắp nơi, trang trại nối tiếp trang trại với những hàng rào gỗ chạy mãi khuất phía sau đồi. Những đống củi được chặt xếp gọn gàng, nhà kính ươm giống lấp lóa sương, vài chú ngựa còn mặc áo ấm, những chiếc xe hơi đậu bên hông vườn và những chiếc thang gỗ gác lên những mái nhà xám, đen hoặc đỏ của những ngôi nhà không cao quá hai tầng, nằm nhỏ bé giữa mênh mông đồi, mênh mông núi. Lúc này, màu xanh là độc quyền của thông và linh sam.
Chúng tôi vượt biển để đến hòn đảo lớn thứ nhì Thụy Điển mang tên Oland. Cả hòn đảo như một trang trại khổng lồ, vừa qua những ngày ngủ đông lạnh giá và ẩm ướt, đang dọn mình chuẩn bị cho một mùa vụ mới. Những cánh đồng hiện chỉ có đất trộn với cỏ đang hồi sinh và những vũng lầy do tuyết tan chưa hết, nay mai sẽ được lấp đầy bằng những bạt ngàn dâu tây, khoai tây, củ cải đường... Cối xay gió, những bia đá dấu tích một thời Viking, những nghĩa trang nhỏ bé nằm yên lặng trong khuôn viên nhà thờ... giữ cho Oland cái vẻ vừa xưa cũ, vừa hoang sơ. Nông dân nơi này đều được nhà nước trợ cấp thường xuyên hằng năm không chỉ để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp mà còn nhằm giúp nông dân không vì miếng cơm manh áo mà xẻ núi, phá rừng, chặt cây, hơn nữa còn góp công bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Tôi thích thú đặt tên cho loại trợ cấp này là “trợ cấp... mùa xuân” - trợ cấp cho sự sinh sôi cây trái, cỏ hoa, cho màu xanh nảy nở và sức sống bền lâu của núi đồi, sông suối.
Trên đảo Oland có những tấm bảng cấm du khách leo vào các cối xay gió vào mùa này, mùa chim có thể làm tổ bên trong. Gabriel Norevik là giám đốc trạm nghiên cứu chim di trú thuộc Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Ottenby, nằm ở mũi đảo phía nam Oland, nơi biển Baltic reo vui với gió xuân và những đàn thiên nga đùa trên sóng. Gabriel đưa chúng tôi đi thăm nơi anh đã tình nguyện có mặt suốt bốn năm qua cùng đồng nghiệp nhẫn nại làm công việc gắn vòng cho từng chú chim di trú theo đàn hai mùa xuân thu “quá cảnh” đến đây trung bình 20.000 con/năm. Lúc này, chẳng có lấy một chú chim nào kịp bay đến để “chiêu đãi” du khách, đến nỗi Gabriel phải dùng một con vịt đồ chơi bằng nhựa để làm “giáo cụ trực quan” khi giải thích cách anh đón chim như thế nào, đeo vòng cho chim như thế nào... Nhưng tình yêu mà Gabriel dành cho thế giới loài chim, suốt từ năm lên 10 tuổi đến nay, vẫn hiện ra rất cháy bỏng nơi ánh mắt, giọng nói, điệu bộ... của chàng trai tuổi 8X này. Xem ra, ở đây chim được xếp vào “tầng lớp thượng lưu” chứ chẳng phải đùa.
Có con người là có hoa
Chợ hoa ở Slusen (Stockholm). |
Những ngày ở Stockholm, tôi thường lần tìm theo tiếng chim trời, tưởng chỉ vọng vào từ vịnh biển. Nhưng nhờ bàn tay dẫn đường của gió mà phát hiện vô vàn những ao hồ, bãi cỏ, công viên, rừng cây thênh thang chen giữa phố xá, bạn cùng chim muông, khiến cho Stockholm như một đô thị giữa rừng, mà tiếng chim là quà tặng của đất trời ban cho người dân Thụy Điển mỗi ngày bên cổng rào. Một mẩu tin của Reuters vào tháng 2 cho biết cảnh sát đã bắt “quả tang” một cụ bà đang nuôi bầy thiên nga 11 con suốt sáu năm trời trong căn hộ 25m2 của bà ở Stockholm. Cụ bà không được nêu tên tuổi này chắc chắn sẽ gặp rắc rối to vì luật bảo vệ động vật, dù theo lời khai của bà, sở dĩ bà nuôi chúng vì đã tìm thấy chúng trong tình trạng thương tật. Dĩ nhiên, cảnh sát đã tịch thu và chuyển hết bầy thiên nga này về khu bảo tồn thiên nhiên gần nhất.
Trên mảnh đất Bắc Âu xinh đẹp này, tình yêu sâu đậm với thiên nhiên tồn tại như một tôn giáo không nghi lễ. Ở đây, tên đất, tên người thường mượn tên hoa lá, cỏ cây. Nơi đâu cũng có những khu bảo tồn thiên nhiên. Và không có nước nào như Thụy Điển lại có luật cho phép bạn được tự do đi lại, vui chơi trong thiên nhiên, dù là đồng cỏ, hồ ao, rừng cây hay trang trại thuộc sở hữu của bất kỳ ai, miễn là không làm gì phá hoại đến tài sản người khác và môi trường tự nhiên. Các gia đình Thụy Điển thường cùng đi dạo, đi xe đạp trong công viên, đi câu cá ở miền quê, cắm trại trong rừng với những chiếc xe có rơmooc như những căn nhà di động. Và ở quần đảo Stockholm, nơi hồ Maralen và biển Baltic gặp nhau với 24.000 đảo lớn nhỏ xếp thành hình cánh quạt, đang chứa hơn nửa triệu chiếc thuyền buồm và canô của tư nhân, cùng không biết bao nhiêu những nhà nghỉ cá nhân thường xuyên đón chủ vào những dịp cuối tuần.
Và tôi đã học được cách thôi ngạc nhiên khi thấy ở Thụy Điển cứ có nhà cửa, có con người là có hoa. Hoa có mặt ở khắp nơi. Hoa mọc trên mặt đất. Hoa trồng trong chậu. Hoa đủ màu, đủ sắc chen lá xanh, cỏ xanh. Từ trong cửa sổ nhìn ra, thấy hoa ngoài vườn, ngoài sân, bên hàng rào. Từ ngoài đường nhìn vào, lúc nào cũng thấy hoa bên bậu cửa sổ. Và có cả nến. Nến trên bàn ăn, trong phòng khách, bên hành lang, trên giá sách, giá đàn, vách tường... Nến cắm trên giá nến, nến cháy trong ly, trong bình, trên đĩa... Nến cháy không khói và không chảy thành dòng. Chân nến, giá nến với vô vàn kiểu dáng, chất liệu được bày bán khắp nơi. Gia đình nào cũng có hàng thùng nến trong nhà. “Trong ngọn lửa của nến, tất cả mọi sức mạnh của thiên nhiên đều hoạt động: sáp, bấc, lửa, không khí hợp nhất trong ngọn lửa cháy bỏng, linh động, có màu sắc. Bản thân chúng là một tổng hợp tất cả yếu tố của thiên nhiên”, nhà thơ Đức Friederich Novalis đã viết như thế về sự hiện diện của nến trong mái nhà của con người.
(Theo Tuổi Trẻ)