![]() |
Người Thụy Điển làm kinh ngạc thế giới khi còn giữ nguyên vẹn chiếc tàu chiến có từ thế kỷ 17. |
>> Đất nước của những người trúng số (kỳ 2)
Một buổi sớm cuối tuần, từ Slussen, chúng tôi đi bộ qua cầu đến phố Skeppsbron để đón phà đi Djurgarden. Trên phà, gió lạnh không át nổi tiếng cười nói sôi nổi của một nhóm nữ sinh Pháp và một tốp du khách Trung Quốc đang tò mò ngắm nhìn biển sóng, thiên nga và những con tàu bên bờ cảng Stockholm.
Tất cả đều cùng một điểm đến: Bảo tàng Vasa - nơi trưng bày một con tàu có số phận kỳ lạ. Đó là chiếc tàu chiến hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ với 64 cỗ đại pháo, được đóng để phục vụ cuộc chiến tranh của nhà vua Gustavus Adolphus. Tàu được đóng trong vài năm, nhưng khi hạ thủy thì đã chìm một cách bất ngờ chỉ sau vài phút khởi hành, và ngủ yên suốt 333 năm (1628-1961) dưới đáy biển ở độ sâu 30m.
Vào ngày 24/4/1961, người Thụy Điển làm kinh ngạc thế giới khi đã trục vớt gần như nguyên vẹn con tàu chiến dài hơn 60m, cao khoảng 40m, di vật hàng hải hoàn chỉnh nhất từ thế kỷ 17. Đó là công trình năm năm làm việc cật lực của chuyên gia Ander Frazen. Và liên tục sau đó với hàng chục năm phục chế tỉ mỉ, chu đáo, đến năm 1990 bảo tàng của con tàu Vasa chính thức khánh thành (dù từ năm 1962 đã mở cửa tạm cho du khách tham quan).
Chiếc vé 80 couron đưa du khách vào một gian đại sảnh với ánh sáng mờ ảo, đủ tạo nên cảm giác về một con tàu đã chết, chìm sâu dưới đáy đại dương. Con tàu đứng sừng sững với dàn cột buồm, dây chão, cánh buồm như lúc nó vừa giong buồm ra khơi. Bên hông tàu là những ô cửa để hướng nòng pháo ra ngoài. Thân tàu được chạm khắc những tượng sư tử, nàng tiên cá, chiến binh La Mã và các vị thần Hy Lạp.
Stockholm, được gọi là Venice của phương Bắc, “bồng bềnh” trên 14 hòn đảo, nối nhau bởi 50 cây cầu, được tạo nên bởi ba phần bằng nhau: mặt nước, cây xanh và đô thị. Cái nôi của nó chính là Gamla Stan, nằm ngay phía nam khu trung tâm Stockholm hiện nay, được xây dựng trên ba hòn đảo nhỏ. Nơi đây tập trung nhiều công trình kiến trúc cổ kính: lâu đài nhà vua, tòa nhà quốc hội, nhà thờ cổ, viện hàn lâm…
Xung quanh đại sảnh là các khu trưng bày được tổ chức với nhiều tầng không gian khác nhau, giới thiệu mô hình con tàu Vasa thu nhỏ, mô hình quang cảnh và cách thức xây dựng con tàu, mô hình phương pháp trục vớt con tàu, quang cảnh triều đình xưa với các nhân vật quyết định đến số phận con tàu... Lại có cả các phòng chiếu phim, các máy chơi game về con tàu Vasa và công trình phục dựng gương mặt của một số trong hơn 100 người đã chết theo con tàu năm xưa.
Thụy Điển quả là xứ sở của những bảo tàng ấn tượng. Đầu óc tổ chức khoa học, thói quen lưu trữ tư liệu và thái độ trân trọng di sản đã thể hiện đáng khâm phục qua hệ thống bảo tàng lớn nhỏ ở đất nước này. Tại thành phố Goteborg (thành phố lớn thứ hai của Thụy Điển), bảo tàng cổ nhất đặt tại trụ sở cũ của Công ty Đông Ấn được xây dựng từ thế kỷ 18. Lâu đài cổ kính Kalmar được xây dựng từ năm 1175, nơi từng chứng kiến nữ hoàng Đan Mạch Margarethe tuyên bố thành lập “Liên hiệp Kalmar” (hợp nhất Đan Mạch, Na Uy với Thụy Điển bấy giờ gồm cả Phần Lan) vào năm 1397, hiện là di tích 800 tuổi và là niềm tự hào số một của thành phố Kalmar với tư cách là một trong những lâu đài cổ được bảo tồn tốt nhất châu Âu.
Tại thủ đô Stockholm, Viện bảo tàng Strinberg (nhà văn nổi tiếng Thụy Điển, 1849-1912) ở số 85 phố Drottningatan vốn là một căn hộ mà ông đã sống gần năm năm cho đến khi qua đời. Tại đây vẫn còn nguyên vẹn các phòng ăn, phòng ngủ, phòng khách, phòng làm việc... Có chiếc giường nơi ông nằm lúc qua đời, có mấy quyển Kinh thánh khổ lớn, chiếc đàn dương cầm và cả cái thang máy cũ kỹ bằng lồng mắt cáo.
Chiều vàng phố cổ
![]() |
Hoàng hôn nhuộm vàng cả khu phố cổ Gamla Stan. |
Stockholm tự hào là thành phố bảo tàng với 71 bảo tàng và lượng khách viếng thăm mỗi năm 9 triệu lượt người (tương đương với dân số Thụy Điển). Nào là cung điện, lâu đài, di tích hoàng gia, rồi vườn quốc gia, vườn thực vật... Rồi các bảo tàng về đủ loại lĩnh vực ngành nghề: bưu điện, hàng hải, giao thông, hành chính, thể thao, khoa học, công nghệ, quân đội, vũ khí, thiên văn, âm nhạc, khiêu vũ, nghệ thuật, lịch sử tự nhiên... Có bảo tàng danh nhân như Nobel, Strinberg... Có cả bảo tàng về đồ chơi, tiền xu, thuốc lá, rượu. Nhưng có một “bảo tàng” khổng lồ ngoài trời, được giữ gìn hoàn hảo từ thế kỷ 13, tuy không có tên trong danh sách bảo tàng lại đáng được thăm thú nhất Stockholm, đó chính là khu phố cổ Gamla Stan.
Tôi chỉ thích đi thăm Gamla Stan vào lúc trời chiều, khi hoàng hôn vừa kịp nhuộm vàng cả khu phố. Nến đã thắp và nhảy múa bên bàn ăn, chén đĩa, và những gương mặt thực khách trong các tiệm ăn, nhà hàng... Ánh điện bật sáng từ trong những hộp đèn bốn mặt treo cao trên tầng hai cả dãy phố, chiếu sáng từng dãy cờ hiệu của không biết bao nhiêu cửa hiệu mà dáng cờ luôn chếch lên cao như tiếng kèn lệnh reo vui đón chào du khách diễu hành ngang qua.
Dọc theo những con phố nhỏ, ngõ nhỏ, thi thoảng có những ngọn lửa được thắp và cháy sáng với gió trời, mang theo sắc đỏ của mặt trời, sức nóng của mùa hè và lung linh hơi ấm con người. Lúc này phố cổ không còn cuống quít, hối hả, bận rộn với đông đảo du khách nhốn nháo, chen chúc, đi lại, cười nói, đang ngắm nghía nhau qua ống kính hay đang mua bán bằng đủ các loại ngôn ngữ bằng lời và không lời.
Cho nên tiếng chim từ vịnh biển có chỗ để bay vào đậu trên nóc ngôi nhà thờ Rinddaholms Sleyrkan - nơi mai táng nhiều vị vua, rồi cùng đổ từng hồi chuông sáu giờ chiều vang vọng. Trong khoảnh khắc ngưng đọng sau tiếng chuông nhà thờ, có thể nghe rõ bước chân mình gõ nhạc trên những viên đá lát đường. Tiếng nhạc từ đá nối tiếp đá, vang xa đến bên quảng trường trước hoàng cung, bay dần lên những cột, những vách, những mái của cung điện, lâu đài có chiều sâu tính bằng hàng trăm năm đá...
Đa số cửa hiệu giờ này đã đóng cửa, nhưng biển hiệu vẫn sáng đèn và kính vẫn còn mở để “chiêu đãi” du khách. Đây là lúc những mặt hàng lưu niệm say sưa tận hưởng những giây phút bình yên và an toàn khi vẫn được chiêm ngưỡng, vẫn được ngắm nhìn mà không phải phập phồng lo sợ với nỗi ám ảnh bị bán mình. Kia là những chú quỉ lùn mũi dài, tóc tai bù xù, luôn đi chân đất, đang chạy đuổi vị Thần đất với cái mũ có chóp nhọn, váy dài chấm đất và bộ râu loàm xoàm che kín cả mặt.
Đối diện bên nọ là đủ thứ những dấu tích của một thời Viking: nón hai sừng, kiếm, khiên, búa rìu và những tấm bản đồ hàng hải xa xưa. Tuần lộc có mặt ở khắp phố, khi là những chú bằng bông nhỏ cỡ nắm tay hiền lành nằm trong tủ kính, khi lại là một ả cao to mặt mày kênh kiệu đứng chiếm hẳn một góc thềm trước cửa hiệu. Những bức ký họa bút sắt tô màu nước vẽ lại cảnh phố cổ. Những bức pha lê màu như những bức tranh hội họa lập thể hình khối...
Nhiều lần lang thang trong lòng phố cổ Gamla Stan, tôi nhận ra cả khu phố đá này đang được giữ ấm bởi lửa, nến, đèn và một tình yêu cháy mãi, tình yêu dành cho quá khứ thiêng liêng không được phép đánh mất.
(Theo Tuổi Trẻ)