Câu chuyện của Đào, phở và piano tái hiện một phần Hà Nội những ngày đỏ lửa đau thương của mùa xuân 1947. Khi người dân sơ tán về các tỉnh, bộ đội rút lên chiến khu để chuẩn bị cho Chiến dịch Việt Bắc, một bộ phận chiến sĩ và dân thường vẫn nán lại quyết tử cùng thủ đô.
Trốn gia đình từ quê về lại căn nhà ở Hà Nội để tìm cây đàn dương cầm mình yêu thương, cô tiểu thư nhà trí thức (Cao Thị Thùy Linh) tình cờ được hội ngộ người đàn ông bấy lâu cô thương nhớ. Anh là lính Vệ quốc quân (Doãn Quốc Đam), đang làm nhiệm vụ ở chính con phố cổ nơi gia đình cô sinh sống. Bằng sự giúp đỡ của những người tử tế, họ nên duyên vợ chồng, có một đám cưới đơn sơ giữa trận mạc hoang tàn của phố phường Hà Nội, vào đúng khoảnh khắc chuyển giao của đất trời.
Từ tựa đề, bộ phim nhắc tới ba hình ảnh biểu tượng xuất hiện liên tục trên màn ảnh và gắn liền với các nhân vật. Cành đào là món quà ngày Tết anh lính liều mình kiếm từ vườn Nhật Tân về trận địa, mong mang chút không khí ngày xuân về cho các đồng đội.
Bát phở là biểu tượng của tinh hoa ẩm thực Hà Nội, cũng là nỗi nhớ của mỗi người lính và người dân, ngay cả khi họ đang ở trong lòng thủ đô. Nó cũng gắn liền với hình ảnh vợ chồng hàng phở nán lại Hà Nội thêm một đêm, để nấu được nồi phở phục vụ các chiến sĩ. Cây đàn piano đại diện ước nguyện hòa bình, tình yêu nghệ thuật, tính cách lãng mạn của người Hà thành.
Cảnh giao chiến giáp lá cà giữa các chiến sĩ Vệ quốc quân và giặc Pháp ở phần đầu phim được dàn dựng khá chỉn chu và chân thật. Vài ba khoảnh khắc khác trong phim cũng khơi gợi được cảm giác hào hùng, xúc động.
Được quảng bá là phim nhà nước đầu tư 20 tỷ đồng, tác phẩm cho thấy độ chịu chơi của nhà sản xuất khi dàn dựng một khu phố cổ Hà Nội cách đây hơn 70 năm, ở bối cảnh tại Cao Bằng. Những thành lũy đơn sơ nhưng vững chãi xây đắp bằng bao cát, ô cửa, giường, tủ, bàn, ghế cũng được tái hiện từ các trang sách lịch sử lên phim. Tuy nhiên, không gian, đạo cụ và ánh sáng đều lộ sự dàn dựng, gây cảm giác như một sân khấu kịch nói ngoài trời, thiếu cảm giác đời sống và điện ảnh.
Xuất hiện nhiều lần nhưng 10 lần cùng một kiểu, tô phở lên phim theo phong cách video quảng cáo, được bày biện quá điệu so với một tô phở gánh bình dân, lại được chỉnh màu lóa sáng đánh mất mỹ cảm. Đoạn nhạc "từng tứng tưng" làm nền cho các cảnh đặc tả bát phở gây cảm giác sống sượng, kỳ cục, lạc khỏi không khí vừa tình tứ lãng mạn vừa hào hùng bi tráng của tổng thể phim.
Cảnh tượng nhà tư sản (ca sĩ Tuấn Hưng đóng) lái xe hơi cổ điển, chở anh lính cùng hai cô ả đào thoát khỏi vòng vây rượt đuổi và nã súng của đám lính Tây cũng gây cảm giác khó tin.
Có bối cảnh tương đồng nhưng so với Đào, phở và piano (sản xuất năm 2023), phim Hà Nội mùa đông 1946 của đạo diễn Đặng Nhật Minh cách đây 27 năm tạo dựng không khí, thiết kế mỹ thuật và chọn nhạc tốt hơn hẳn.
Câu chuyện trọng tâm của Đào, phở và piano là mối tình của anh lính và cô tiểu thư Hà thành. Hai diễn viên Doãn Quốc Đam và Cao Thị Thùy Linh kết hợp ăn ý, thể hiện mối tình đầu nên thơ, da diết và luôn trong cảm giác đấu tranh giữa ích kỷ gìn giữ tình yêu hay hy sinh hạnh phúc riêng tư vì lý tưởng Tổ quốc.
Cảnh ân ái nóng bỏng ngay mở đầu phim được dàn dựng ý tứ, gợi cảm, không phô trương. Nhưng cảnh này không cần thiết. Chưa kể, cảnh "nóng" xuất hiện tới hai lần. So với cách làm này, dùng biểu cảm và tương tác giữa hai nhân vật khắc họa sự quyến luyến không nỡ rời của đôi tân nhân phải chia xa vì chiến sự sẽ đưa đẩy cảm xúc khán giả mạnh hơn, tinh tế hơn.
Đảm nhận vai anh lính, Doãn Quốc Đam cho thấy tinh thần lăn xả vì vai diễn trong loạt cảnh chiến đấu, khẳng định thực lực diễn xuất tốt và khả năng nhập thân đa dạng kiểu vai. Anh làm nên hình tượng người lính cụ Hồ đầy quả cảm trên màn ảnh. Trong vai ông bà bán phở, vợ chồng nghệ sĩ Nguyệt Hằng - Anh Tuấn bộc lộ đúng khí chất người lao động Hà Nội - dân dã, hơi ngoa ngoắt nhưng tử tế. Đây là ba diễn viên tỏa sáng nhất của bộ phim.
Cao Thị Thùy Linh mang nét đẹp nhẹ nhàng, phù hợp hình ảnh phụ nữ thời xưa. Nhưng diễn xuất của cô còn hạn chế, thiếu cảm xúc trong khi nhân vật đòi hỏi nhiều sự dằn vặt nội tâm. Giọng thoại nặng âm sắc địa phương với chữ "e" phát âm bị bẹt là điểm trừ lớn của nữ diễn viên, khó thuyết phục khi cô nhập vai một tiểu thư Hà Nội gốc.
Tâm lý của nhân vật này cũng được xây dựng không hợp lý. Lúc cây đàn của cô bị lính Tây phá, cô buồn lòng nhưng gắng vượt qua để cống hiến cho cách mạng. Vậy nhưng giữa đêm tân hôn, trong lúc đang quấn quýt bên chồng, cô vùng lao ra giữa trời giá rét, đòi sống đòi chết vì cây đàn mình yêu quý. Bao nhiêu đồng bào chết oan uổng còn cô chỉ xót cho cây đàn của bản thân! Cách nhân vật này mặc váy hai dây ngắn bên trong áo dài cũng gây cảm giác lấn cấn về mặc thực tế của văn hóa và thời trang đương thời.
Trong vai nhà tư sản yêu nước, ca sĩ Tuấn Hưng có sự tiến bộ trong diễn xuất, nhưng vẫn khó tránh sự gồng cứng trong các cảnh nhân vật rao giảng triết lý. Vào vai họa sĩ mang tôn chỉ "nghệ thuật vị nghệ thuật", NSƯT Trần Lực gần như mang hình ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong Em và Trịnh sang phim này. Nhưng cách anh thể hiện vẻ trào phúng, ngông nghênh của nhân vật kém tự nhiên, lộ sự gồng mình diễn.
Đào, phở và piano từng chiếu miễn phí tại Cánh Diều Vàng 2023 và LHP Việt Nam năm 2023, nhưng không được khán giả quan tâm, cũng không nhận được đánh giá tốt từ báo chí. Tết năm nay, phim trình chiếu tại duy nhất một cụm rạp ở Hà Nội, nhưng cũng không gây được chú ý nhiều.
Cho tới hết kỳ nghỉ Tết, bộ phim bất ngờ trở thành chủ đề được bàn luận trên mạng. Nhiều khán giả phản ánh phim khó đặt vé vì suất chiếu hạn chế, website của nhà rạp bị sập vì lượng người đặt vé quá đông. Đáp ứng nhu cầu của công chúng, nhà rạp thông báo mở thêm suất chiếu.
Ngày 19/2, Đào, phở và piano vươn lên vị trí thứ tư về doanh thu một ngày tại rạp, xếp sau Mai, Gặp lại chị bầu và Gia đình x Điệp viên mã: Trắng. Đến nay, phim thu về gần 400 triệu đồng.
Phong Kiều