Xã Tân Lộc (huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ) một thời được xem là "vương quốc" mía đường của đồng bằng sông Cửu Long. Từ trước năm 1990, toàn xã có 160.000 ha đất canh tác nông nghiệp thì có đến 100.000 ha được trồng mía.
Anh Lê Văn Huấn, Phó chủ tịch UBND xã Tân Lộc, tâm sự: "Thời thịnh vượng của ngành mía đường thủ công ở Tân Lộc, hầu như đất ở đây được người dân chuyên canh cây mía".
Tân Lộc được mệnh danh là "hòn đảo ngọt". Giờ đây "đảo ngọt" đã bị lãng quên, thay vào đó người đời đặt cho nó cái tên “đảo lấy chồng Đài Loan”.
Khoảng đầu thập niên của thế kỷ trước, nhiều nhà máy đường kết tinh ở đồng bằng sông Cửu Long ra đời thì cũng là lời cáo chung cho nghề mía đường thủ công ở Tân Lộc. Trong quy luật cạnh tranh thị trường ấy đã "khai tử" 48 lò đường, 293 lò rượu cồn, 200 lò đường kết tinh có mật ở xã Tân Lộc. Hệ lụy, hàng nghìn lao động và phương tiện sản xuất mía đường thủ công phá sản, thất nghiệp phải đi tìm việc ở nhiều tỉnh khác.
Một số người "tha phương cầu thực" ấy lại "gặp duyên" lấy được chồng Đài Loan. Gia đình gả con cho người nước ngoài sớm nhất là ông Võ Minh Phương, ở ấp Phước Lộc. Năm 1993, sau khi thất bại với nghề mía đường, ông Phương "ôm" một số nợ đáng kể, phải bỏ đi nơi khác làm ăn.
Tình cờ ông Phương gặp người quen giới thiệu, mai mối cho con gái lấy chồng Đài Loan. Trước khó khăn của gia đình, cô con gái đầu lòng đã chấp nhận đóng vai "Thúy Kiều cứu cha". Cuộc hôn nhân này tương đối suôn sẻ nên sau đó ông Phương tiếp tục gả cô con út cho người Đài Loan.
Lúc đầu, nhiều người dân địa phương cho rằng ông Phương đem con "đi bán", nhưng một năm sau, gia đình ông Phương khá lên nhờ con gái gửi tiền cho và còn bảo lãnh hai vợ chồng ông đi Đài Loan du lịch, "hiệu quả" con gái lấy chồng Đài Loan của gia đình ông Phương được nhiều người "ăn theo" và từ đó cù lao Tân Lộc trở thành "đảo lấy chồng Đài Loan".
Theo số liệu của địa phương, hiện toàn xã Tân Lộc có trên 600 hộ gia đình làm sui với người nước ngoài. Nhiều gia đình có đến 3, 4 cô con gái lấy chồng Đài Loan, thậm chí có không ít trường hợp một cô gái lấy đến 3 đời chồng Đài Loan. Điển hình, V. đã 3 lần làm cô dâu xứ Đài. Từ ngày 18/8/2005 đến nay, có trên 280 phụ nữ được xác nhận tình trạng hôn nhân để chuẩn bị kết hôn với người nước ngoài.
Một cán bộ tư pháp xã xác nhận, hầu hết những phụ nữ xin xác nhận tình trạng hôn nhân (có người đã lấy chồng và ly dị tại Việt Nam hoặc Đài Loan) đang sống tại địa phương, sau đó lên TP HCM nằm chờ "cơ hội mới". Anh Lê Văn Út, Phó Công an xã Tân Lộc, nhận xét: "Phụ nữ ưa lấy chồng ngoại ở Tân Lộc cũng có nhiều dạng, con nhà khá giả lười lao động, "thích đi máy bay" và cũng có cả những người thất tình muốn đi…".
Đáng ngại hơn, nhiều cô gái xem việc lấy chồng ngoại là cái "mốt", không cần biết người chồng như thế nào, miễn là họ "ok" thì mình gật đầu. Bởi vậy, nhiều bậc cha mẹ té ngửa khi nghe tin con mình sắp "bay", có cản cũng không kịp vì "chúng nó đã chịu ăn đời ở kiếp với nhau rồi". Chuyện của ông T. là một ví dụ. Ông là cán bộ hưu trí, khi đứa con gái cho hay đã "hốt" được anh chồng Đài Loan, ông nói như muốn khóc "dù tui không đồng ý nhưng chúng nó đã tổ chức cưới nhau rồi, làm sao đây".
Nhiều trường hợp khi lấy chồng về “bên ấy” sống không hợp nên mẹ con bồng bế nhau về quê ngoại. Hiện ở Tân Lộc có 15 trẻ em là con của những cô gái kết hôn với người nước ngoài và con số này còn tăng trong thời gian tới. Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp, cha mẹ nghèo quá nuôi con không nổi nên gửi về ông bà ngoại nuôi. Nhiều trường hợp quá tin vào "miền đất hứa" tổ chức đám cưới, sống chung với người nước ngoài nhưng khi làm hồ sơ kết hôn không hợp lệ, đã trở thành… "vợ trẻ góa chồng Đài Loan".
Theo thiếu tá Nguyễn Thành Minh, Trưởng Công an xã Tân Lộc, tình trạng lấy chồng nước ngoài rầm rộ làm cho tình hình trật tự địa phương thêm phần phức tạp. Những năm 2001-2002, "cò" lấy chồng Đài Loan về tận xã hoạt động. Các đối tượng này cố tình vi phạm pháp luật, gian lận, khai man tuổi làm chứng minh nhân dân để được xuất ngoại.
Mới đây, Công an địa phương phát hiện, xử lý phạt 2 triệu đồng và thu hồi toàn bộ giấy tờ giả của Trần Thị Kim Xuân. Cô này mới 14 tuổi, nhờ "cò" Nguyễn Thị Mạnh đã làm giả hồ sơ để được kết hôn với người nước ngoài. Ngoài ra, nhiều ông bố, bà mẹ đích thân dẫn con mình lên TP HCM chờ "xem mắt", nếu được chọn thì đưa nhau về làm thủ tục rồi tổ chức đám cưới… Tuy nhiên, nhiều trường hợp lấy chồng ngoại thất bại, quay về Việt Nam nhưng không dám về quê vì sợ thiên hạ cười chê nên ở lại TP HCM bán "bia ôm".
Anh Lê Văn Huấn, Phó chủ tịch UBND xã Tân Lộc tâm sự: "Tôi rất áy náy trước câu nửa đùa nửa thật của dư luận: "Đảo ngọt giờ trở thành đảo lấy chồng Đài Loan". Tuy nhiên, thực trạng là vậy, trách nhiệm của chính quyền địa phương là tư vấn cho những người sắp lấy chồng người nước ngoài chứ không thể ngăn cản họ được. Chúng tôi phải thực hiện đúng nguyên tắc và thủ tục, tránh tình trạng vi phạm pháp luật trong kết hôn với người nước ngoài. Cá nhân tôi không bài xích cũng không đồng tình, nhưng làm sao để giảm đến mức thấp nhất rủi ro trong các trường hợp kết hôn với người nước ngoài là điều cần quan tâm".
(Theo Công An Nhân Dân)