Tuy nhiên, hiện nay, PR Việt Nam chưa xác định được một cơ sở đạo đức chuyên nghiệp. Điều này cũng giải thích vì sao trong xã hội có nhiều nhận thức sai lầm về PR.
Theo Tiến sĩ Đinh Thị Thúy Hằng, Phụ trách Khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cuộc khảo sát và phỏng vấn 100 nhân viên PR do Khoa tiến hành mới đây đã phác hoạ một số nét cơ bản của thực trạng hoạt động PR tại Việt Nam.
Mặc dù số lượng công ty truyền thông tăng mạnh nhưng số công ty cung cấp dịch vụ PR chuyên nghiệp còn khiêm tốn. Do lực lượng làm công việc này còn mỏng và thiếu kiến thức, đặc biệt là cơ sở lý luận, nên vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp. Vấn đề đạo đức được PR quan tâm nhất vẫn là tính trung thực và những khúc mắc trong mối quan hệ với giới báo chí.
PR Việt Nam đang trong giai đoạn hình thành và phát triển. Bên cạnh những công ty làm ăn chân chính, đã xuất hiện những hiện tượng PR đen tiêu cực, cần sớm được chấn chỉnh.
Để góp phần vào việc phát triển ngành công nghiệp non trẻ PR tại Việt Nam, tập thể tác giả của Khoa Quan hệ công chúng và quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, giới thiệu cuốn sách “PR kiến thức cơ bản và đạo đức nghề nghiệp - Tư duy truyền thông chiến lược”.
Cuốn sách nhằm mang lại cho người đọc cái nhìn tổng quát về PR, những nhiệm vụ và những vấn đề đạo đức trong lĩnh vực này. Các tác giả nhấn mạnh việc xem xét PR như một quá trình quản lý truyền thông chiến lược chứ không đơn thuần chỉ là thực hành các kỹ năng.
Đây là một trong những cuốn sách về PR đầu tiên do các tác giả người Việt Nam đưa tới công chúng với mong muốn làm thoả mãn phần nào sự thiếu hụt kiến thức liên quan đến ngành công nghiệp mới mẻ này.
N.S.